TIN LIÊN QUAN | |
Thấm nhuần tư tưởng phục vụ phát triển trong công tác ngoại giao | |
69 tác phẩm tranh đóng góp vào Mỹ thuật Việt Nam và Ngoại giao Văn hóa |
Đào Thị Liên Hương hiện là Tổng Thư ký Liên đoàn các Hiệp hội Giáo dục và Ngôn ngữ Thế giới, Trưởng ban Đối ngoại Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Chưa đầy một năm hoạt động, sáng kiến “Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa” của bà đã để lại ấn tượng sâu sắc về cách làm sáng tạo và hiệu quả…
Trang hoàng các sứ quán
Nhìn lại các hoạt động sau gần một năm, điều bà Liên Hương thấy tâm đắc nhất chính là chương trình đã thu hút được sự tham gia của hơn 60 họa sĩ cùng với 100 bức tranh để dành cho các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Đó là những hoạ sỹ tiên phong và giàu lòng nhiệt huyết như Bùi Hữu Hùng, Nguyễn Văn Đức, Phạm Hà Hải, Nguyễn Thu Thuỷ, Nguyễn Văn Cường, Mai Xuân Oanh, Lê Trần Hậu Anh, Đặng Đình Ngỡ, Hồng Việt Dũng, Phạm Luận, Lê Thanh Sơn, Trần Xuân Bình, Hoàng Đức Dũng, Đoàn Văn Đức, Bình Nhi, Bùi Trọng Dư... Ngoài ra, chương trình còn có sự cố vấn nhiệt tình của thầy, cô các trường mỹ thuật, các họa sĩ danh tiếng là thành viên hội đồng nghệ thuật như Trần Khánh Chương, Vi Kiến Thành, Lê Anh Vân...
Chương trình tặng tranh cho ĐSQ Việt Nam tại Hà Lan nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.. |
Bà tâm sự: “Với nghệ sĩ, mỗi người là một cá tính và việc có thể hài hòa và gắn kết được họ trong các hoạt động là không hề dễ dàng. Thế nhưng, các họa sĩ Việt Nam rất tài giỏi và có tâm với đất nước”. Năm qua, bà đã tổ chức được 8 đoàn họa sĩ ra nước ngoài tặng tranh kết hợp thăm quan bảo tàng, triển lãm tranh, tham gia ngày văn hoá Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời kết hợp đưa tranh, hoạ sỹ đi cùng các chuyên cơ của Lãnh đạo cấp cao. Đặc biệt, tại đây, các họa sĩ đã vẽ thêm nhiều bức tranh để tặng lại cho các Đại sứ quán như Đại sứ quán Việt Nam tại Đức (9 bức), Đại sứ quán Việt Nam tại Áo (8 bức), Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia (hơn 20 bức)… tạo dựng được quỹ tranh tại chỗ.
Tuy nhiên, điều bà Liên Hương trăn trở là chương trình hiện mới đến được với khoảng 10 Đại sứ quán, vẫn còn khoảng 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, chương trình đang xây dựng kế hoạch để giúp toàn bộ các cơ quan này được treo tranh đẹp và chuẩn. “Một sứ quán để hoàn thiện đẹp cần treo khoảng 25 bức tranh. Hiện tại, các sứ quán rất ủng hộ, nên những dịp có chuyên cơ lãnh đạo đi thăm các nước, chương trình thường kết hợp gửi tranh và gửi các họa sĩ đi cùng”, bà nói.
Làm đẹp Tuần lễ Cấp cao APEC
Không chỉ trang điểm bộ mặt mới cho các sứ quán, vinh dự khác của Chương trình “Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa” là được đồng hành cùng Tuần lễ cấp cao APEC 2017 với sự tham gia của 17 hoạ sĩ đến từ khắp ba miền như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...
Dưới sự ủng hộ của Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia APEC, UBND Thành phố Đà Nẵng, Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), các họa sĩ đã đóng góp 34 tác phẩm đa dạng về thể loại: sơn dầu, sơn mài, màu nước, khắc gỗ, lụa... nhằm trang trí mỹ thuật cho các phòng họp, phòng khánh tiết nơi lãnh đạo nước ta đón tiếp các lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Từ những bức tường trống trơn, các bức tranh này đã thổi hồn cho các căn phòng trở nên ấm cúng, trang nhã, đồng thời giúp quảng bá văn hoá và sự độc đáo của nền mỹ thuật Việt Nam.
Bà Đào Thị Liên Hương và các họa sĩ trang trí tranh tại Tuần lễ Cấp cao APEC. |
Bà Liên Hương kể, khi nảy sinh ý tưởng trang trí cho các phòng khánh tiết và phòng chờ tại APEC, bà đã mời một số họa sĩ tài năng đi cùng khảo sát, rồi vận động các anh em họa sĩ khác cùng đóng góp cho sự kiện quan trọng của đất nước. Đặc biệt, chương trình hoàn toàn được xã hội hóa và không lấy kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước. Hầu hết các bức tranh đều được các họa sĩ cho mượn, nhưng lại góp phần làm không gian tại APEC sang trọng và ý nghĩa hơn nhiều.
Dịp này, Ban vận động Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa còn tặng lại cho UBND Thành phố Đà Nẵng bức tranh Vịnh biển Đà Nẵng dài 8m, cao 2,5m của hoạ sĩ sơn mài Bùi Hữu Hùng và một bức bình phong hai mặt (một mặt dát vàng và một mặt màu gấm) quý giá.
Xây dựng Quỹ tranh lâu dài cho Bộ Ngoại giao
Nói về thành công của chương trình, bà Liên Hương cho rằng công lớn vẫn thuộc về các họa sĩ. Điển hình như Bùi Hữu Hùng, Hồng Việt Dũng – những họa sĩ không chỉ lao động cật lực để cho ra đời những sản phẩm tuyệt đẹp phục vụ kịp thời cho APEC, mà còn nhiệt tình sáng tác những bức tranh đặc biệt để làm quà tặng các nguyên thủ như tặng Nhật hoàng, tặng Thủ tướng Đức, Nữ hoàng Hà Lan…
Đặc biệt, chương trình đã nhận được ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao với sự quan tâm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Trợ lý Bộ trưởng Phạm Sanh Châu, Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO… Điều bà Liên Hương thấy vui là các Đại sứ hưởng ứng rất nhiệt tình. Mới đây, khi Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh cần một món quà tặng Quốc vương Norodom Sihamoni, qua sự giới thiệu của bà, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình từ TP. Hồ Chí Minh đã đồng ý sáng tác ngay một bức tranh để kịp làm quà tặng. Đại sứ Vũ Quang Minh rất hài lòng về bức tranh vũ nữ ballet bởi Quốc vương Campuchia cũng là một nghệ sỹ, đạo diễn múa ballet.
Vừa qua, các họa sĩ của chương trình lại được mời giúp trang trí một số phòng khánh tiết của Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, trụ sở mới của UBND quận Hoàn Kiếm tại Hàng Trống… Bà Liên Hương cho biết, sắp tới, một triển lãm tranh về Hồ Gươm sẽ được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán với tham gia của 14 họa sĩ hàng đầu của Hà Nội. Sau triển lãm này, các bức tranh đẹp nhất sẽ được chọn lựa để treo trong trụ sở Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và UBND quận Hoàn Kiếm…
Thời gian tới, Chương trình “Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa” sẽ kết hợp với Tổng Cục Du lịch và Ủy ban Quốc gia UNESCO tổ chức cho các họa sĩ đi vẽ các di sản tiêu biểu của Việt Nam trên khắp đất nước. Bộ tranh di sản Việt Nam sẽ được tặng cho cơ quan đại diện ở nước ngoài hoặc làm quà tặng của các Đại sứ, cán bộ khi ra nước ngoài công tác.
Về hướng đi lâu dài, theo bà Liên Hương, Bộ Ngoại giao cần phải xây dựng một quỹ tranh làm quà tặng và có địa điểm trưng bày để các Đại sứ khi về nước có thể lựa chọn. Những tác phẩm này cần có sự chọn lọc và có tính nghệ thuật cao. Đây cũng là mong mỏi của các họa sĩ và họ sẵn sàng hỗ trợ để đóng góp cho quỹ tranh quà tặng của Bộ.
“Trong điều kiện kinh phí nhà nước dành cho quà tặng còn hạn hẹp, các họa sĩ có thể vẽ và cho Bộ Ngoại giao mượn tranh lâu dài. Làm ngoại giao văn hóa nhất định phải cần những người có chuyên môn vào cuộc. Nếu mình kêu gọi được lòng yêu nước và khơi dậy được tinh thần tự hào dân tộc trong họ thì một cách tự nhiên mọi người sẵn sàng cống hiến vì đất nước của mình”, bà Liên Hương chia sẻ.
"Làm ngoại giao văn hóa, đừng đặt nặng vấn đề mua - bán, xin - cho" Theo họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ... |
Ước mơ của “người quyên tranh” Trong công tác ngoại giao văn hóa, với những người đã có lòng đam mê thì khó nói hết sự nhiệt thành của họ, đặc ... |
Bước chuyển mới trong ngoại giao văn hóa Có thể nói, Nghị quyết và Chương trình hành động của Hội nghị Ngoại giao 28 (năm 2013) có vai trò như một cú hích ... |