📞

Khi nào thế giới hết 'vật lộn' với Covid-19?

Thế Linh 17:29 | 06/11/2020
TGVN. Đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục đe doạ sự an toàn của con người trên toàn thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Nga vẫn đang ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm mỗi ngày, còn châu Âu thì đang “vật lộn” với làn sóng thứ hai.
Có thể đến đầu năm 2021, thế giới mới thực sự có được một loại vaccine phòng Covid-19 đạt hiệu quả tối thiểu.

Trong bối cảnh đó, các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang điên cuồng làm việc để phát triển một loại vaccine phòng căn bệnh quái ác này nhanh nhất có thể. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 40 “ứng viên vaccine” được thử nghiệm trên toàn thế giới. 10 trong số đó đang ở giai đoạn cao nhất, với tính hiệu quả được đo lường trên quy mô hàng chục nghìn tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.

Thế nhưng, một số chuyên gia cho rằng, dù vaccine có hoạt động hiệu quả đi chăng nữa cũng không có nghĩa là loài người đã chiến thắng trong cuộc chiến chống loại virus SARS-CoV-2. Bà Gagandeep Kang, nhà vi sinh vật học và giáo sư tại Đại học Y khoa Christian ở Vellore (Ấn Độ) nhận định hiện nay thế giới chưa rõ liệu các vaccine sẽ hoạt động hiệu quả đến đâu.

Thậm chí, chúng ta cũng không thể biết được liệu ai đã được tiêm phòng và hoàn toàn miễn dịch với loại virus nguy hiểm này. Chính vì vậy, thế giới vẫn chưa chắc chắn sẽ hoàn toàn trở lại bình thường ngay khi vaccine được ra mặt, chúng ta vẫn cần chú trọng việc thực hành giãn cách xã hội và đeo khẩu trang khi ra đường, chí ít đến khi nào WHO thông báo rằng đại dịch đã qua đi.

Hơn nữa, bà Kang chỉ ra không có loại vaccine nào đạt hiệu quả 100%. Vaccine phòng sởi được coi là hiệu quả nhất trên thế giới cũng chỉ đạt mức hiệu quả có 90%, trong khi vaccine phòng sốt rét chỉ đạt 30%.

Vì vậy, nếu vaccine Covid-19 chỉ đạt hiệu quả khoảng 50% cũng đã là rất thành công để đối chọi với các chủng virus gây viêm đường hô hấp và liên tục đột biến này.

Trong khi đó, một nhà nghiên cứu tại bệnh viện nhi Cincinnati (Mỹ) thì cho rằng, việc làn sóng Covid-19 thứ hai đang quét qua thế giới sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine. Tuy nhiên, có thể đến đầu năm 2021, thế giới mới thực sự có được một loại vaccine phòng Covid-19 đạt hiệu quả tối thiểu.

(theo Financial Express)