Nhỏ Bình thường Lớn

Khi người trẻ sống nhạt

Sống nhạt, cũng tốt, khi đó là sự kiếm tìm bình yên, ổn định kiểu dĩ hòa vi quý, là trạng thái "tạm chấp nhận được" trong những thời điểm cần "chậm lại nhịp sống, để ta lắng nghe".

Nhưng nhìn về phía khác, thì sống nhạt, với người trẻ, cũng đồng nghĩa với sự ngưng tụ, lững thững của sáng tạo, nhiệt huyết. Nhựa sống bị vón cục sẽ tạo ra một xã hội chậm chạp, thiếu sinh khí.

Công thức đơn giản Ăn - Ngủ - Chơi hay căn "bệnh than" của giới trẻ Việt gần đây với những cụm từ quen thuộc như "Chán quá!", "Tuổi 20 mà chưa làm được gì!" rất gần gần với cuộc sống nhẹ tênh, dễ dãi, lỏng trơn.

Còn sáng tạo hay đưa ra sản phẩm tinh thần, vật chất nào đó có giá trị ít nhiều là một cái gì đó hơi xa vời và dường như là đặc quyền của một vài người có nền tảng văn hóa cao hơn hoặc thực sự có óc cầu tiến, không chỉ ở chuyện thăng tiến nghề nghiệp mà còn là tăng cường vốn sống và tri thức.

Mở đầu chuyên đề "Người trẻ sống nhạt" - chắc sẽ có nhiều góc nhìn phản biện, phản đề khác nhau - là “tự sự” của những người tự cho là mình "nhạt" trong giới trẻ - lớp người mà những người thực hiện chuyên đề này luôn hiểu rằng họ là thế hệ tương lai được chờ đợi, với vốn sống đang cần đắp bồi và bản thân cần bóc tách, để vượt lên và hoàn thiện chính mình.

"Tự sự" sống nhạt

* Trần Thanh Duyên (Viện Dinh dưỡng Quốc gia): Cuộc sống của tôi thiếu muối!

Quãng thời gian ngồi trên ghế giảng đường đại học thực sự là mảng màu đen tối của đời sinh viên như tôi. Học ngán như nhai bã trầu. Giờ đi làm đã được 6 năm, kiếm đồng tiền trên vũng mồ hôi, nước mắt của mình mới thấm thía những ngày xưa bỏ hoang, bỏ phí thời gian trôi qua.

Học ngành xuất bản lên lớp chỉ nghe thầy thao thao đọc, trò ngẩn ngơ chép. Tay chép cật lực theo tốc độ thày đọc, miệng liên thiên cong phải, cong trái nói chuyện riêng, còn bộ óc thì thảnh thơi điều khiển cây bút sao cho nhanh và “sản xuất” ra chuyện để đối đáp người bên cạnh. 

Chính lối giảng dạy nhàm chán ấy mà ngồi lớp nhưng tinh thần treo ngược cành cây. Khi động lực duy nhất của 4 năm đại học bị tê mê trong vòng luẩn quẩn của tư duy dạy học “cấp 4” thì những công việc vệ tinh cho việc học tập cũng “đơ” theo.

Tôi phát thèm một cuộc họp nhóm đúng nghĩa trên lớp, để được bày tỏ chính kiến của mình trước bạn bè, thầy cô; nhưng có họp cũng như không, không có còn hơn có.

Học nhóm phần nào giúp ta phá sức ì trong giao tiếp kiến thức, tránh được lối học thụ động một chiều từ giảng viên. Thế nhưng, khi tổ chức được một buổi học như vậy thì chúng tôi lại bị sức ì ạch nằm cuộn trong người bấy lâu nay cuốn rít.

Người hăng say phát biểu, ghi chép thì chỉ có vài người được phong cái chức hờ là “trưởng nhóm”, còn lại góp vui cho đủ quân số. Bảo phát biểu, “không biết”, bảo viết sơ lược vào giấy để lát trình bày trước lớp, bảo: “Cậu làm đi, tớ biết quái gì mà trình với bày”.

Cứ thế, cứ thế, không khí học tập trùng xuống, ngồi học như dự giờ, chẳng thèm đoái hoài thầy nói, bạn phát biểu gì hết. Chỉ như cục đất lăn lên giảng đường, toe toe chuông gieo lại cắp cặp lăn về cái vỏ bọc của mình. Nhạt sinh ra từ đó, nhạt từ việc học, việc đi lại lẫn việc nghĩ gì cho mình và cho người khác.

Tôi cũng có mấy người bạn cùng “ra lò” một lứa người nhạt như vậy. Làm xuất bản mà chẳng bao giờ cầm tới cuốn sách, huống chi đọc những cuốn sách dày. Làm mãi một công việc nhàm chán mà không biết chán nhưng rất đỗi tự hào vì việc đó ra tiền. Chưa bao giờ có nhu cầu tìm hiểu về điều gì và dường như không có ước mơ.

Những giờ lên lớp của thầy cô chưa từng in dấu vào đầu họ. Họ nói nhiều tới việc đi chơi ở đâu đó hơn là làm việc gì cho có nghĩa hoặc cải thiện cuộc sống của chính mình không phải bằng cách tự trau dồi kiến thức để sau này kiếm cơm trên cái nền ấy mà là tự thoả mãn với thú vui đi mua sắm trên chính đồng tiền ngửa tay bố mẹ cho.

Bạn ấy chưa từng tới thư viện đọc sách hoặc tới hiệu sách mua bất cứ một cuốn sách nào. Vào phòng bạn ấy có giá sách nhưng trống trơn, vỏn vẹn vài ba cuốn giáo trình, vài quyển truyện tranh... Bạn ấy không bao giờ ước mơ sau này làm gì vì ra trường bạn đã có người xếp việc. Vậy là bạn ấy cứ từ từ tiến thôi, chẳng ngồi trên thì ngồi dưới hưởng lương cao.

Bạn ấy rất hài lòng với cuộc sống của mình với chân biên tập viên xuất bản sách. Không hiểu rằng bạn ấy sẽ biên tập bản thảo của người khác như thế nào.

Chẳng bao giờ các bạn ấy thấy có ước mơ và khao khát gì ngoài kiếm tiền và yên ổn cả. Họ chưa từng nghĩ sẽ cống hiến hoặc dám dang tay ra giúp đỡ ai trong cộng đồng của họ.

Có phải vì họ quá đầy đủ về vật chất lẫn sự sắp xếp công việc sẵn mà không cần phấn đấu gì không, làm việc cho vui và duy trì cuộc sống như bao người khác là vẫn đi làm, nhưng không có chí hướng phấn đấu gì cả?

Mỗi người có cách lựa chọn cách sống cho mình. Và ai phản tỉnh được sớm thì sẽ có cuộc sống tốt hơn. Giới trẻ thường bị dính cái mác “tuổi trẻ bồng bột” nhưng có người vẫn khát khao cháy bỏng gây dựng nền tảng tương lai cho chính mình chỉ vì họ là chính họ chứ họ không phải là miếng ghép của những tính cách đơn điệu, xác già đội lốt tâm hồn trẻ con.

* Nhân vật Thái trong phim "Vòng nguyệt quế"

Thái đại diện cho thế hệ nhà thơ 8X có tài năng, có hoài bão với nghiệp văn thơ. Thơ anh được tập hợp thành sách do ông chủ nhà xuất bản Lam Điền – Quang, đỡ đầu.

Sự đời éo le, khúc khuẩy trong bộ phim thiên tình sử tay tư này khiến Thái từ một anh chàng yêu thơ đến cuồng si, lang thang khắp phố chợ để tìm cảm ứng thơ, sau đó eo sẹp thành kẻ nghiện ngập đầu với ma nâu, tình ái lăng nhăng.

Cảnh phim "Vòng nguyệt quế" - VFC thực hiện


Xem phim, chúng ta rất dễ nhận ra ý đồ của đạo diễn muốn xây dựng Thái thành một anh chàng bị rơi vào bi kịch tình yêu, dẫn đến sống nhạt với bản thân và để cuộc đời trôi nổi lênh đênh. Phút yếu hèn, nhìn đời trống rỗng như ống đồng của Thái khiến anh mất hết lý trí, bản ngã dần lụi theo những cuộc men nồng ma tuý.

Yêu Hân không được, đi bụi với tấm thân tàn úa, bộ óc đăm chiêu thơ thẩn. Thái cùng một lúc hứng hai cuộc đổ vỡ là thất tình và bất mãn vì tập thơ của mình bị vứt xó trên các sạp sách, anh lao vào con đường nghiện ngập, bụi đời.

Thái vô tình gặp Mai, một cô gái làm nghề cave nhưng giàu tình cảm. Mai hết lòng yêu thương Thái, sẵn sàng bán mình để kiếm tiền nuôi người yêu với hy vọng sẽ có một mái ấm thực sự. Nhưng trong một lần ẩu đả với những tên xã hội đen để cứu Hân, Thái bị bọn chúng trả thù và không may mắn, Mai bị đâm chết.

Thái “chết” trong khi đang sống, một cái “chết” lâm sàng trong cơn bĩ cực của dòng đời. Bàng quang với tất cả, chịu nhấn mình dìm trong cái vỏ bọc của định kiến, của sự ư nhàn đến phát ngán.

Thực tế, Thái vẫn có những khát vọng sống cho ra sống, kể cả trong những hoàn cảnh “sống tầm gửi” vào thuốc, vào gái bán hoa. Sự nhạt của anh đã được tưới tắm bằng “muối” của tình yêu thương từ Mai nhưng luật đời rẽ cong đưa anh trở lại con đường mòn cũ cùng với ma tuý và bụi đời khi Mai chết. Để rồi cái nhạt cứ bám diết lấy Thái.

Anh sống bất định, không chí hướng, rất ít lần trong phim anh tâm sự rằng sau này tôi phải trở thành nhà thơ lớn hay một người làm trong lãnh vực nghệ thuật có tiếng.

Có thể từ những nốt trầm ấy trong cuộc đời Thái khiến phim có sức công phá mạnh vào lối sống nhạt của thế hệ trẻ 8X.

Lời bàn

 Giáo dục nhồi nhét tất yếu dẫn đến sự nông cạn và hời hợt. Cần có cách dạy làm sao để người học thấy những điều họ tiếp thu được là một quà tặng quý giá chứ không phải một nhiệm vụ ngán ngẩm.

 Thành công hay hạnh phúc, với người trẻ, chưa phải là kiếm ra nhiều tiền hay làm gì đó cho oai mà đó là việc tôi tự tìm xem tôi là ai, ước mơ của tôi là gì và tôi có thể làm gì mà người khác không thể làm được.

Qủa thực, chúng ta phải hay đứng trước những lựa chọn nào đó, chắc chắn hữu hạn lắm mới có một cuộc đời mà hoàn toàn không có chút hối hận nào vì sự lựa chọn của mình.

 Mỗi năm 365 ngày, khi người ta sống vì lý tưởng và tình yêu thương, chúng ta mới nhận ra con tàu thời gian chạy vun vút. Khoảnh mặt lại mới thấy mình đã qua những phút giây hèn yếu. Nhìn về phía trước, thấy con đường vẫn rộng, gồ ghề, có điều ta có dám bước tiếp hay không...

Theo Tuần Việt Nam