Đại sứ Hà Huy Thông từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIII nhiệm kỳ 2011-2016 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Nguồn: NVCC) |
Khi toàn dân đang nô nức hướng tới ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, phóng viên TG&VN đã thực hiện phỏng vấn Đại sứ Hà Huy Thông – người từng có duyên với cả nghề ngoại giao lẫn "nghề nghị sỹ".
Xin Đại sứ cho biết đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm về đối ngoại cần có những tiêu chuẩn gì?
Đại sứ Hà Huy Thông: Để ĐBQH làm về đối ngoại, thì trước hết phải đáp ứng các tiêu chuẩn về ĐBQH đã được qui định trong Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020. Điều 22 Chương II của Luật này đề ra 5 tiêu chuẩn của ĐBQH, tóm tắt là:
(i) Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu Dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh;
(ii) Có phẩm chất đạo đức tốt;
(iii) Có trình độ văn hoá, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khoẻ, kinh nghiệm công tác và uy tín;
(iv) Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm; và
(v) Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
ĐBQH Khoá XV nhiệm kỳ 2021-2026 còn đáp ứng Tiêu chuẩn được cụ thể hoá hơn trong Hướng dẫn HD-36/BTCTW ngày 20/1/2021, phân ra tiêu chuẩn chung cho ĐBQH và tiêu chuẩn cụ thể cho ĐBQH chuyên trách.
Từng trải qua vai trò là một nhà ngoại giao và một ĐBQH chuyên trách - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Đại sứ cho biết những điểm giống và khác nhau giữa hai vai trò này? Thời gian làm ngoại giao có bổ trợ gì cho việc làm ĐBQH của ông sau này?
Đại sứ Hà Huy Thông: Lẽ dĩ nhiên, làm ngoại giao hay làm đối ngoại của Quốc hội đều có những điểm chung nhất định.
Trước hết, trong thể chế của nước ta, dù làm ngoại giao ở Bộ Ngoại giao thuộc Chính phủ hay ĐBQH về đối ngoại của Quốc hội hay một số nước gọi là làm “Ngoại giao nghị viện” đều có một điểm chung là phải đáp ứng yêu cầu đối ngoại chung, nhất là nắm vững và thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết.
Thứ hai, cán bộ làm đối ngoại cần có kiến thức nhất định về tình hình thế giới, quan hệ quốc tế, kinh tế quốc tế, luật pháp quốc tế, chính sách đối ngoại của các nước, ngoại giao song phương và đa phương, các tổ chức và diễn đàn quốc tế, công tác biên giới - hải đảo và công tác người Việt Nam ở nước ngoài mà Điều 18 của Hiến pháp 2013 coi là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc.
Đồng thời, để làm công tác đối ngoại của Chính phủ hay của Quốc hội hiệu quả cao đều đòi hỏi kỹ năng và nghiệp vụ nhất định về tiếp xúc đối ngoại, lễ tân đối ngoại, báo chí đối ngoại, ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh, thứ ngôn ngữ làm việc phổ thông nhất trong tiếp xúc song phương hay tại các diễn đàn đa phương), kỹ năng công nghệ thời đại 4.0...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Đại hội đồng IPU-132, phát biểu thông qua Tuyên bố Hà Nội ngày 1/4/2015, ông Hà Huy Thông (bên phải). (Nguồn: TTXVN) |
Điểm khác biệt có lẽ nằm ở chức năng, nhiệm vụ khác nhau của Bộ Ngoại giao và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Việc làm đối ngoại ở Quốc hội hay Bộ Ngoại giao (thuộc Chính phủ) cần căn cứ theo thẩm quyền được hiến định cho cho Quốc hội, theo Điều 69 Hiến pháp năm 2013 là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân và cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Công tác đối ngoại của Quốc hội nhằm phục vụ Quốc hội thực hiện 3 chức năng cơ bản được quy định tại Điều 70 của Hiến pháp 2013 là: Làm và sửa Hiến pháp và luật; Giám sát tối cao và xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước và các cơ quan do Quốc hội thành lập; Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; các chính sách cơ bản về tài chính - tiền tệ, ngân sách nhà nước, thuế; các chính sách cơ bản về dân tộc, tôn giáo, chiến tranh và hoà bình, đối ngoại; phê chuẩn các chức danh lãnh đạo Nhà nước...
Trong khi đó, công tác đối ngoại ở Bộ Ngoại giao phục vụ cho Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, được quy định tại Điều 94 của Hiến pháp 2013 là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.
Có thể nói thời gian học và làm về ngoại giao đã đem lại kiến thức cơ bản, kinh nghiệm và cơ sở quan trọng cho tôi làm công tác đối ngoại của Quốc hội sau này. Một trong những việc tôi làm đầu tiên ngay sau khi được bầu làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại (UBĐN) của Quốc hội tháng 8/2011 là cùng UBĐN đề xuất Quốc hội chủ trì Đại hội đồng (ĐHĐ) Liên nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU - 132) trong năm 2015.
Đại sứ hãy chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian là ĐBQH khóa XIII nhiệm kì 2011-2016 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên - Huế?
Đại sứ Hà Huy Thông: Thời gian công tác ở Quốc hội để lại nhiều kỷ niệm trong tôi, nhưng ở đây tôi chỉ xin nêu hai kỷ niệm liên quan đến công tác đối ngoại mà tôi nhớ mãi.
Kỷ niệm thứ nhất là khi tôi được cử làm đồng Chủ tịch nhóm đối thoại (kênh 2) với Mỹ về chất độc da cam/dioxin từ năm 2012. Khi đó, tôi đã kết hợp dịp đi các công tác khác của Quốc hội để đi thăm làm việc ở 58 trong tổng số 63 tỉnh - thành, để hiểu hơn thực tế và làm từ thiện nhân đạo với một số người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở những tỉnh - thành bị rải chất độc da cam cam nhiều nhất hay có nhiều người đi bộ đội, thanh niên xung phong…
Đây là vấn đề quan trọng nhưng phức tạp trong quan hệ Việt - Mỹ mà tôi đã có dịp tham gia. Đặc biệt, cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai Chính phủ nhạy cảm đến mức không thống nhất tổ chức được ở Mỹ hay Việt Nam, mà phải tổ chức ở nước thứ ba là Singapore vào tháng 12/2000.
Vấn đề này cũng là mối quan tâm của hàng triệu cử tri, đặc biệt ở các tỉnh bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, trong đó có vùng A Lưới của tỉnh Thừa Thiên-Huế mà tôi ứng cử ĐBQH.
Kỷ niệm thứ hai liên quan đến công tác đối ngoại của tôi đó là dịp được cử làm Trưởng tiểu ban Nội dung ĐHĐ IPU-132.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng CTQH các nước và các đại biểu tham dự IPU-132. (Nguồn: TTXVN) |
Đại sứ có thể nói rõ hơn kỉ niệm khi làm Trưởng Tiểu ban Nội dung ĐHĐ IPU 2015 vì không chỉ liên quan công tác đối ngoại của Quốc hội, mà còn liên quan việc đề xuất và thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc (LHQ) cho đến năm 2030?
Đại sứ Hà Huy Thông: Thành lập từ năm 1889, IPU được coi là một trong những tổ chức quốc tế đầu tiên trên thế giới, trước cả Hội quốc liên (1919) và LHQ (1945).
Sau Hiệp định Geneva về Đông Dương (1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa vấn đề Việt Nam gia nhập IPU ra để Quốc hội bàn và thống nhất. Nhưng do chiến tranh, nên phải đến tháng 4/1979, mong muốn này mới được thực hiện.
IPU-132 là ĐHĐ đầu tiên và các cuộc họp liên quan của IPU được tổ chức ở Việt Nam từ ngày tel:26/3-1/4/2015 với sự tham gia của 51 Chủ tịch Quốc hội (CTQH) và 49 Phó CTQH của 166 Quốc hội thành viên, với hơn 70 phiên họp tại hơn 20 diễn đàn, hơn 90 cuộc tiếp xúc song phương với nước chủ nhà, 7 đoàn CTQH - Phó CTQH các nước thăm chính thức song phương Việt Nam.
Dưới dự điều hành của CTQH Nguyễn Sinh Hùng, đồng thời là Chủ tịch ĐHĐ IPU-132, tại Phiên bế mạc ngày 1/4/2015, IPU đã thông qua “Tuyên bố Hà Nội” tại phiên thảo luận chung, với tiêu đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” do Việt Nam đề xuất IPU thông qua cùng các Nghị quyết về: Chiến tranh mạng: Mối đe doạ đối với hoà bình và an ninh toàn cầu; Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy Nghị viện hành động về nước và vệ sinh; Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia và quyền con người; Một số kiến nghị để nâng cao hiệu quả của IPU và LHQ (tại cuộc họp Ủy ban các vấn đề của LHQ).
"Tuyên bố Hà Nội" và các Nghị quyết IPU thông qua đã được gửi đến IPU và LHQ, góp phần chuẩn bị cho Hội nghị các CTQH thế giới lần thứ 4 ở New York (31/8-2/9/2015) và ĐHĐ LHQ khóa 70 thông qua "Chương trình các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030".
IPU -132 là một trong những sự kiện đối ngoại đa phương lớn nhất mà Việt Nam đăng cai tổ chức kể từ năm 1945, về một số phương diện, số lãnh đạo chủ chốt (100 CTQH và Phó CTQH) các nước tham gia, số ngày (5 ngày chính thức và 3 ngày trù bị), hơn 80 hoạt động đa phương và gần 100 hoạt động song phương, về số văn kiện thông qua.... với kinh phí tiết kiệm, bảo đảm hiệu quả và mục đích, yêu cầu đề ra.
Sau đó, tôi cũng đã phát biểu ở Quốc hội, đề nghị ta lồng ghép hợp lý các nội dung được IPU-132 thông qua vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội định kỳ.
ĐHĐ IPU-132 là kết quả của sự đóng góp quan trọng, không chỉ của nước ta mà của 166 Quốc hội thành viên. Đây là sự đóng góp chung vào đời sống chính trị - kinh tế - xã hội quốc tế vào thời điểm 2015 chuyển giao giữa kết thúc giai đoạn 15 năm (2000-2015) thực hiện “Chương trình các mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs)" và góp phần định hình chương trình nghị sự các Mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 15 năm (2015-2030) tiếp theo.
Việc lồng ghép hợp lý kết quả ĐHĐ IPU-132 và Chương trình 17 Mục tiêu phát triển bền vững SDGs 2030 (là kết quả đóng góp của 193 thành viên LHQ) vào Chiến lược phát triển Việt Nam tới, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của nước ta, thể hiện tinh thần “Biến lời nói thành hành động” của “Tuyên bố Hà Nội” do ta đề xuất và được IPU-132 thông qua, và chủ trương đối ngoại của ta là độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, hội nhập quốc tế, là “thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, góp phần tạo môi trường hoà bình và phát triển bền vững ở nước ta.
Xin cảm ơn Đại sứ.