📞

Khi phụ nữ làm lãnh đạo

13:02 | 08/11/2018
Bà là Thủ tướng ba nhiệm kỳ liên tiếp, bà đã “chiến đấu” không mệt mỏi để được bầu là Tổng Giám đốc chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và giữ vị trí này suốt 8 năm... Bà là Helen Clark và bà có mặt tại Hà Nội để chia sẻ câu chuyện “Khi phụ nữ làm lãnh đạo”.

Bà là cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark được mời làm diễn giả tại cuộc tọa đàm giao lưu với chủ đề “Phụ nữ làm lãnh đạo” do Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội chủ trì tổ chức tối 7/11.

Cùng tham dự cuộc tọa đàm về phía Việt Nam có Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga với tư cách là đồng diễn giả; Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga và đại diện nữ của các Bộ/ngành; các tổ chức trong nước và quốc tế như: Liên hiệp Phụ nữ, Hội nữ doanh nhân, Học viện Phụ nữ...

Từ trái qua: Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, cựu Thủ tướng Helen Clark và Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Wendy Matthews. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trao đổi tại buổi giao lưu, cựu Thủ tướng New Zealand và Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga đã chia sẻ về kinh nghiệm bản thân trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là những khó khăn khi họ là những phụ nữ gánh vác trọng trách lớn.

Người phụ nữ của những thành công

Nói đến Helen Clark là nói đến nữ Thủ tướng giữ ba nhiệm kỳ liên tiếp trong lịch sử New Zealand (9 năm liền từ 1999 đến 2007). Bà cũng là nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của UNDP và bà giữ vị trí này trong suốt 8 năm. Bà được coi là một trong những chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn và là một trong những vị Tổng giám đốc chương trình Liên hiệp quốc có uy tín nhất trong tổ chức có tuổi đời hơn 70 năm này.

Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark chia sẻ quá trình phấn đấu để trở thành Tổng Giám đốc chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP). (Ảnh: Tuấn Anh)

Helen Clark được sinh ra trong một gia đình làm nông tại Waikato, một khu vực có niềm tự nào mạnh mẽ về “iwi” (hay là bản sắc) của người Maori, người bản địa New Zealand tại đảo Bắc. Bố của bà là một nông dân và mẹ của bà là một giáo viên. Helen Clark luôn tự hào về sự gắn bó trong gia đình của bà, cũng như sự trung thực và tận tụy đã thành truyền thống trong gia đình.

Lớn lên, bà chịu ảnh hưởng của Nelson Mandela, bà đã tham gia trong nhiều hoạt động xã hội và biểu tình chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trên thế giới khi còn trẻ.

Vào năm 37 tuổi, bà trở thành Phó Thủ tướng New Zealand và sau đó là Thủ tướng New Zealand trong ba nhiệm kỳ liên tiếp. Dưới sự lãnh đạo của bà, New Zealand trở thành một trong những quốc gia đi đầu về các chính sách ngoại giao độc lập, công bằng và mang tính xây dựng cao. Bà là người quyết định chính về việc New Zealand thành lập Hiệp định Thương mại tự do với Trung Quốc, là hiệp định đầu tiên được ký kết trong khối OECD.

Helen Clark là một người ủng hộ và đấu tranh không ngừng nghỉ cho quyền bình đẳng giới. Bà đấu tranh để Nội các Chính phủ dưới thời bà trở nên cân bằng hơn về giới và về sắc tộc. Chính phủ dưới thời bà đã chính thức công nhận ngôn ngữ ký hiệu là một trong ba ngôn ngữ chính thức của New Zealand.

Đông đảo cán bộ nữ các bộ/ngành của Việt Nam đã đến nghe bà nói chuyện. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng

Nhấn mạnh đến vai trò và giá trị mà phụ nữ mang lại cho một tổ chức, một cộng đồng, một quốc gia, bà Helen Clark khẳng định, phụ nữ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong lãnh đạo các tổ chức đó.

Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nhiều thế hệ lãnh đạo của New Zealand. Có ba phụ nữ từng đứng đầu New Zealand và còn có nhiều phụ nữ đứng đầu trong những lĩnh vực, nhiều bộ ngành. Hiện New Zealand có nữ thủ tướng “vừa trẻ, vừa tài năng”. “Chúng tôi là một trong những quốc gia đầu tiên mà phụ nữ có quyền đi bầu cử. Năm nay New Zealand kỷ niệm 125 năm ngày phụ nữ có quyền bầu cử”, bà chia sẻ.

“Tôi luôn mong muốn phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hơn vào vị trí lãnh đạo. Ở nước tôi có phụ nữ làm thủ tướng và tôi tự hào vì điều đó”, bà nói.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga chia sẻ về những áp lực mà người lãnh đạo nữ phải trải qua. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tuy nhiên, ở New Zealand, khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ vẫn còn 9,2% và “chúng tôi hướng đến xóa bỏ khoảng cách đó”.

Helen Clark cho rằng, phụ nữ có thể làm được bất cứ điều gì. “Trong cuộc sống, tôi luôn phá vỡ mọi rào cản”.

Bà kể lại: Những năm 1950, khi đó mẹ tôi là một giảng viên. Bà là một điển hình trong nền giáo dục New Zealand. Tuy nhiên, phụ nữ làm chính trị trong thời gian đó rất hiếm. Thời trước, phụ nữ tham gia vào chính trị rất ít. Khi tôi tổ chức chiến dịch để tranh cử ở Orland, nhiều người bảo tôi đây là chỗ cho nam giới, chứ không phải cho phụ nữ.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, không có nhiều người phụ nữ muốn tiếp tục theo học chương trình đại học. “Đây là thời điểm tôi đã phá vỡ rào cản và hạn chế đó. Tôi quyết tâm tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình”.

Cùng chung nhận định, Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga cho rằng, bà Helen Clark là một minh chứng sống về phụ nữ làm lãnh đạo và ở đâu có phụ nữ tham gia thì ở đó đạt được nhiều thành tựu.

(Ảnh: Tuấn Anh)

“Họ là những nhân tố tạo sự thay đổi. Vì vậy, cần tạo cơ hội để có nhiều phụ nữ làm lãnh đạo hơn. Tuy nhiên, phụ nữ cũng cần sự hỗ trợ của nam giới”, Thứ trưởng nói.

Phụ nữ là một nguồn lực dồi dào và mạnh mẽ. Ngay trong từng gia đình, phụ nữ đưa ra những quyết định sáng suốt. Phụ nữ sinh ra có những phẩm chất nhẹ nhàng nên họ có thể là tác nhân giảm mức độ căng thẳng và đóng góp nhiều cho xã hội chúng ta.

Phụ nữ có nhiều rào cản từ những quan điểm lỗi thời cho rằng hình ảnh phụ nữ là chỉ làm công việc gia đình, trong bếp núc. Nhiều người nhìn phụ nữ như một người mẹ trong gia đình hơn là một lãnh đạo.

“Có nhiều người cho phụ nữ như đồ trang sức của họ nhưng đôi khi họ muốn làm điều gì đó mà không thành công thì họ bảo rằng đó là phụ nữ nên chỉ đạt đến vậy”.

Quan niệm về phụ nữ còn hạn chế, còn rào cản về hành chính, hình ảnh, tuổi về hưu hay thủ tục hành chính khác liên quan đến phụ nữ. “Phụ nữ hãy dũng cảm đứng lên và gỡ bỏ những rào cản”, Thứ trưởng chia sẻ.

Cũng tại buổi giao lưu, các diễn giả đã trả lời các câu hỏi liên quan và cùng xem lại phim tài liệu “My year with Helen” giới thiệu về quá trình vận động tranh cử vị trí Tổng thư ký Liên hợp quốc của bà Helen Clark.

Một số hình ảnh tại buổi giao lưu (ảnh: Tuấn Anh):