TIN LIÊN QUAN | |
DNNVV vay vốn: “Van” không xong, “xin” chẳng được | |
Doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường tìm hiểu thị trường Việt Nam |
Theo thông tin từ Cổng thông tin doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), dự luật gồm 7 chương, 49 điều, được xây dựng nhằm đưa ra hệ thống các biện pháp hỗ trợ toàn diện cho DNVVN thông qua thiết lập đồng bộ các chính sách. Các nội dung hỗ trợ gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh; Tiếp cận tín dụng; Hỗ trợ thuế thu nhập DN; Hỗ trợ năng lực công nghệ; Đào tạo, tư vấn và thông tin; Mua sắm công; Xúc tiến mở rộng thị trường… Ngoài ra, dự luật cũng xác định các biện pháp hỗ trợ mang tính chuyên biệt hướng tới những DNVVN có tiềm năng phát triển trong một số ngành, lĩnh vực là lợi thế của Việt Nam… Có 5 chương trình hỗ trợ gồm: Hỗ trợ khởi nghiệp; tư vấn nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển liên kết ngành và chuỗi giá trị; đổi mới sáng tạo và hỗ trợ hội nhập.
Nhiều băn khoăn
Nói như Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Luật Hỗ trợ DNVVN ban hành chậm ngày nào thiệt thòi cho đất nước ngày đó. Tuy nhiên, con đường đến bàn Quốc hội của dự luật được cho là rất quan trọng này không được hanh thông, nếu không muốn nói là khá chật vật.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock) |
Khởi động từ năm 2014, chính thức bắt tay soạn thảo năm 2015, nhưng đến những ngày cuối cùng khi trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự luật Hỗ trợ DNVVN vẫn vướng lỗi. May mắn, dự luật này đã được châm chước, gia hạn thêm 4 ngày để cơ quan soạn thảo hoàn thiện nội dung, dù đã chậm nhiều ngày so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn, là chất lượng dự luật bị các đại biểu Quốc hội phê chưa đủ thuyết phục, nội dung chung chung và còn nhiều điểm mâu thuẫn. Vượt qua thử thách cuối cùng, dự án Luật Hỗ trợ DNVVN đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Dự kiến, ngày 27/10 tới, dự luật Hỗ trợ DNVVN sẽ chính thức được Chính phủ trình Quốc hội và đưa ra thảo luận.
Tuy nhiên, chính việc có cần thiết ban hành Luật này hay không cũng đã gây tranh cãi giữa các Bộ, ngành. Theo báo cáo góp ý cho dự luật của các Bộ, ngành, Bộ Tư pháp cho rằng, hầu hết các vướng mắc, bất cập trong hỗ trợ phát triển DN nằm ở khâu triển khai thực hiện, chứ không phải do thiếu cơ chế, chính sách. Do đó, Chính phủ chỉ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định mà không cần thiết ban hành Luật này. Bộ Tài chính bác bỏ các điều khoản liên quan đến hỗ trợ về thuế và đề nghị rà soát lại để dự thảo Luật này không có các điều khoản ưu đãi về thuế. Ngân hàng Nhà nước đề nghị bỏ các quy định hỗ trợ thông qua việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ. Theo Bộ Công Thương, nếu áp dụng các quy định như dự luật, trên thực tế có thể bị các nước thành viên kiện ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì có thể vi các phạm quy định về chống trợ cấp, chống bán phá giá của WTO và các hiệp định thương mại tự do khác.
Cần luật không chung chung và khẩu hiệu
Vai trò động lực tăng trưởng của DNVVN được công nhận ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia có nền kinh tế phát triển với hàng trăm tập đoàn kinh tế và công ty đa quốc gia, nhưng khu vực DNVVN (chiếm hơn 99% tổng số DN) vẫn có vai trò quan trọng, được coi là động lực, là xương sống của các nền kinh tế này.
Các chính sách hỗ trợ DNVVN của Nhật Bản, Hàn Quốc đều được luật hóa tại các đạo luật cơ bản về DNVVN. Nhiều tập đoàn tầm cỡ thế giới hiện nay của hai quốc gia này xuất phát từ các DNVVN và phát triển thành công nhờ kết nối và ứng dụng các thành quả, sản phẩm sáng tạo của hàng ngàn DNVVN trong chuỗi cung ứng.
Luật Cơ bản DNVVN của Nhật Bản được xây dựng năm 1963 là bước ngoặt thứ hai trong việc hỗ trợ, phát triển khu vực DNVVN. Trước đó, bước ngoặt đầu tiên là việc thành lập Cục DNVVN. Luật Cơ bản DNVVN đã chỉ ra hai định hướng cho chính sách phát triển DNVVN. Định hướng thứ nhất là nâng cấp cấu trúc DN gồm hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao công nghệ, hợp lý hóa quản lý kinh doanh, tối ưu hóa quy mô DN. Định hướng thứ hai là khắc phục các bất lợi của DNVVN gồm các chính sách như phòng chống cạnh tranh quá mức, hợp lý hóa các giao dịch với nhà thầu phụ…
Còn Luật Xúc tiến DNVVN tại Hàn Quốc là nhằm hỗ trợ cơ cấu hoạt động của DNVVN ở những lĩnh vực kinh doanh khác nhau và chuyển đổi hoạt động DN. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng thành lập tập đoàn DNVVN nhằm có những chương trình hỗ trợ cụ thể DNVVN.
Như vậy, vấn đề của Luật mới ở đây là cần làm thế nào để luật thật sự đi vào cuộc sống, “tránh vết xe đổ” – Việt Nam đã triển khai những chính sách hỗ trợ DNVVN từ năm 2001, nhưng chỉ có 20% được thực hiện có hiệu quả nhất định. Thậm chí, có chuyên gia cho rằng, để thật sự có thay đổi, phải có bước đột phá giúp thay đổi tư duy, tránh tình trạng xin - cho vốn đã tồn tại trong quan hệ giữa cơ quan quản lý và DN.
Trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 6/10, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trong các quy định của pháp luật đã có rất nhiều nội dung liên quan tới hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa nhưng chúng ta triển khai chậm, không quy định chi tiết dẫn đến thực hiện khó khăn. Điều đó cho thấy rằng, giữa chính sách và thực thi, giữa chủ trương của Chính phủ và kỳ vọng của DN vẫn còn nhiều khoảng cách nhất định.
Trong một cuộc tham vấn ý kiến DN về dự Luật Hỗ trợ DNVVN, Chủ tịch Hội các nhà quản trị Việt Nam Hàn Mạnh Tiến thẳng thắn cho rằng: “Đây là một luật mới, khác với các luật thông thường, vì thực chất đây là một chương trình đầu tư quan trọng vào khu vực DN, tới mức cần phải luật hóa. Nhưng cũng bởi sự khác biệt đó, các nội dung của luật phải được quy định theo hướng thực thi được ngay, không chung chung, khẩu hiệu.”
DNNVV vay vốn: “Van” không xong, “xin” chẳng được Chia sẻ trên là của GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại hội thảo báo chí về dự ... |
Doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường tìm hiểu thị trường Việt Nam Tiếp Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp thúc đẩy quan hệ quốc tế (BCIU) của Hoa Kỳ Peter Tichansky, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ... |
Doanh nghiệp Uzbekistan cần nhập khẩu trái cây và nông sản Công ty TNHH Sweet Global International (Uzbekistan) cần mở rộng thị trường và tìm đối tác tin cậy cung cấp sản phẩm khoai tây và ... |