Nhỏ Bình thường Lớn

Khóa chân con ở lớp học hè?

Cứ hè đến là trẻ lại “rồng rắn” đi học. Từ những lớp luyện chữ, ngoại ngữ cho đến các khóa học kỹ năng cấp tốc được mở ra nhan nhản ở khắp các tỉnh thành...
TIN LIÊN QUAN
khoa chan con o lop hoc he Bao giờ có đủ sân chơi cho trẻ?
khoa chan con o lop hoc he Vừa là lớp học vừa là sân chơi

Đồng ý rằng những lớp học này bổ sung cho những lỗ hổng kiến thức và kỹ năng. Nhưng ai dám chắc trong vài tuần ngắn ngủi sẽ giúp các em trưởng thành từ những khóa học ấy?

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện xoay quanh vấn đề học hè với Tiến sĩ Trần Thành Nam - Giảng viên chuyên nghành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

khoa chan con o lop hoc he
Tiến sĩ Trần Thành Nam. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Lâu nay chúng ta nói nhiều đến chuyện học sinh quá tải trong học chính, học thêm và thiếu kỹ năng sống. Dưới góc độ một chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ nhìn nhận vấn đề này ra sao?

Các chương trình học hè hiện nay mà các bậc phụ huynh tìm kiếm cho con em mình có thể chia thành hai loại là “trường hè” và “trại hè”. Trường hè chủ yếu là những lớp học mang tính bổ sung hoặc nâng cao kiến thức và thành tích học tập ở trường (ví dụ như Toán, Tiếng Anh…). Còn trại hè thì chú trọng nhiều hơn đến rèn luyện kỹ năng, thái độ trong sinh hoạt nhóm, và cung cấp không gian hoạt động thể chất. Tất nhiên ở đây tôi đang nhấn mạnh đến giai đoạn tiểu học và phổ thông.

Bản chất việc học hè theo quan điểm cá nhân tôi là tích cực. Thời gian hè là cơ hội để bổ sung kiến thức hổng và ôn lại kiến thức để tránh “rơi rụng” trước khi vào năm học mới. Học hè là cơ hội giúp thu hẹp khoảng cách giữa các học sinh, tạo ra những cơ hội nâng đỡ cho các em bị thiệt thòi, gặp các sự việc không may trong năm học (như nằm viện dài ngày hoặc người thân mất) đã ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Nói theo góc độ này, trường hè đã giúp thực hiện quyền bình đẳng giữa các học sinh; không để bất cứ học sinh nào bị tụt lại phía sau (như mục tiêu của chương trình No Child left behind).

Ngoài ra, với trại hè, thời gian này là cơ hội để phụ huynh và người lớn dạy cho con cách sống tự lập và phục vụ cộng đồng. Chính vì vậy, nội dung của trại hè thường tập trung vào các kỹ năng giải quyết vấn đề, năng động nhóm và kỹ năng quản lý hành vi bản thân.

Tuy nhiên, học hè cũng có thể có những ảnh hưởng không có lợi. Điều mà nhiều phụ huynh băn khoăn là liệu học hè trong thời gian ngắn như vậy có thực sự nâng cao năng lực cho con mình hay không? Liệu việc học hè có gửi gắm cho trẻ một thông điệp là “con vẫn còn quá dốt, bố mẹ vẫn chưa hài lòng về những gì con đạt được trong năm học nên con phải học hè”? Liệu học hè có cướp mất tuổi thơ của con tôi?

Các em học cấp tốc trong vài tuần liệu có cải thiện được nhiều như kỳ vọng của phụ huynh không, thưa Tiến sĩ?

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng học hè chỉ có tác dụng làm giảm mức độ quên kiến thức và duy trì một thói quen học tập thôi chứ không nâng cao năng lực học tập là bao nhiêu với học sinh bình thường hoặc học sinh giỏi. Nếu có, thì chỉ nâng cao năng lực học tập cho những học sinh có nhu cầu đặc biệt như có vấn đề về trí tuệ, rối loạn học tập như khó đọc, khó làm toán…

Trẻ nhìn nhận việc phải học hè theo sắp đặt của bố mẹ (với các môn văn hóa) là do trẻ đã không đáp ứng được kỳ vọng, làm hài lòng bố mẹ. Cũng có nhiều trẻ diễn giải việc học hè là do bố mẹ lúc nào cũng chỉ quan tâm đến công việc mà không quan tâm đến trẻ. Việc bắt trẻ đi học hè là để cha mẹ “rảnh tay” làm việc. Những cách thức nhìn nhận này không có lợi cho sự gắn bó cha mẹ - con cái và sức khỏe tinh thần của bản thân trẻ.

Luyện chữ, học bổ túc các môn văn hóa, học những kỹ năng sống và các môn năng khiếu trong kỳ nghỉ hè liệu có là hình thức tra tấn trẻ, khiến trẻ chịu quá nhiều áp lực?

Việc học bất kể là học văn hóa hay học kỹ năng sống, năng khiếu đều trở thành áp lực nếu bản thân trẻ không hứng thú và đam mê nó. Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh “đua con” nên có bất cứ một khóa học nào được truyền thông ca tụng, được bạn bè đồng nghiệp sử dụng là cũng tất tả cho con đi học bằng được mà không cần biết mục tiêu khóa học đó có phù hợp với nhu cầu của trẻ, thậm chí sức khỏe và đặc điểm nhân cách của trẻ hay không?

Nhiều cha mẹ tin rằng lịch học hè của con cái họ đã kết hợp rất hài hòa giữa học kiến thức văn hóa và học kỹ năng nên các vùng não của trẻ được thay phiên nhau hoạt động. Điều này sẽ làm cho bộ não của trẻ không mệt mỏi. Đây là một quan điểm sai lầm vì dụng tâm chú ý học bất cứ một điều gì mới cũng khiến não tổn hao rất nhiều năng lượng. Đấy là chưa kể sự giao thoa của các môn học làm cho vết nhớ của môn học trước chưa có thời gian để củng cố đã bị nhiễu vì kiến thức môn học sau ghi đè lên. Tóm lại, phụ huynh cần nhớ rằng  trẻ nào cũng cần nhiều khoảng thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn không cần phải lo lắng hay nghĩ ngợi gì cả.

khoa chan con o lop hoc he
Học hè liệu có giúp các con trưởng thành, bản lĩnh? (Nguồn: afamily)

Có ý kiến cho rằng: “Sân chơi cũng là một dạng của nhà trường, con đường giúp trẻ thoát khỏi việc mê game, nghiền facebook, ti vi?”. Tiến sĩ có đồng ý với quan điểm này không?

Chắc bạn đang muốn nói về trại hè. Tôi đồng ý với quan điểm trại hè cũng là một dạng nhà trường. Đó là nhà trường thực hành, một nhà trường trải nghiệm thực tế rèn luyện và bổ khuyết những kỹ năng, thái độ, giá trị đối với bản thân, với lao động, với người khác và với thế giới mà không gian chật hẹp và thời gian giới hạn của nhà trường truyền thống đã không cho phép thực hiện.

Một nghiên cứu về hứng thú gần đây cho thấy trẻ hứng thú nhất với những hoạt động mà trẻ có năng lực hoặc làm thành thạo được tổ chức theo nhóm. Qua đó trẻ có cơ hội thể hiện năng lực và được nhóm thừa nhận. Vì vậy, nếu phụ huynh tìm và cho phép trẻ tham gia một hoạt động trại hè phù hợp với năng lực, điểm mạnh của trẻ sẽ giúp trẻ thoát khỏi việc mê game, tivi hay facebook.

Ông thấy rằng chuyện học hè ở Việt Nam giống và khác như thế nào so với các nước trên thế giới?

Quan điểm cá nhân, tôi thấy điểm khác cơ bản nhất giữa việc học hè của Việt Nam và các nước Phương Tây mà tôi đã có cơ hội đến thăm chính là mục đích và hình thức của việc học hè.

Ở Phương Tây, các lớp học được mở ra với mục tiêu là giúp đỡ, hỗ trợ các bạn có khó khăn đặc biệt (như có vấn đề về trí tuệ, rối loạn học tập), những bạn vì hoàn cảnh đặc biệt đã không thể tham dự đầy đủ thời gian học trong năm (bị bệnh). Vì vậy mà họ thiết kế các lớp nhỏ, phù hợp với nhu cầu chuyên biệt của các nhóm. Thậm chí cũng có những trại hè cho trẻ chậm phát triển được tổ chức với các hoạt động thiết kế phù hợp để giúp tăng vốn xã hội, tự nhìn nhận bản thân, lòng tự trọng... Tóm lại, mục tiêu là kéo những bạn kém hơn trung bình lên, không để học sinh nào tụt lại.

Còn ở Việt Nam, mục tiêu của học hè phần nhiều là đẩy thành tích, đẩy năng lực. Giống như một cuộc đua, các bậc cha mẹ luôn có xu hướng so sánh con với những chuẩn mực cao hơn để tạo áp lực cho con mình phải ở top đầu nếu không muốn nói là thứ nhất. Chính vì vậy, nhiều khóa học hè mà phụ huynh cho con theo học còn học trước kiến thức của năm tiếp theo. Điều này đã trực tiếp làm suy giảm động cơ và thái độ học tập của trẻ trong năm học mới.

Thưa Tiến sĩ, trong những ngày hè, các em nên học những gì? Lời khuyên của Tiến sĩ dành cho các bậc phụ huynh?

Lời khuyên của tôi là hãy cân nhắc những điểm mạnh và hạn chế của việc học hè mà chúng ta đã bàn luận ở trên. Ngoài ra, trước khi chọn một khóa học cho con, hãy cân nhắc nhu cầu của cha mẹ là gì, nhu cầu của con là gì, ai dạy khóa học này (nhà trường hay một tổ chức tư nhân, giáo viên có kinh nghiệm và hứng thú hay không, điều gì chứng minh là họ có kinh nghiệm, không phải cứ Tây là giỏi). Hơn nữa, khóa học đáp ứng nhu cầu của cha mẹ, con cái và kế hoạch du lịch, nghỉ ngơi của gia đình thế nào, khóa học có chất lượng không (cân nhắc đề cương nội dung, giáo trình, số học sinh/lớp và tần suất tương tác giữa giáo viên/ học sinh).

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

khoa chan con o lop hoc he “Trẻ em vui đọc” - giúp trẻ thêm yêu sách

“Trẻ em vui đọc” là dự án được Hội đồng Anh xây dựng và thực hiện, nhằm khuyến khích trẻ em đọc sách cả trong ...

khoa chan con o lop hoc he Khép lại một khóa học bổ ích

Sau bốn ngày bồi dưỡng kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm, ngày 24/4 vừa qua, khóa Bồi dưỡng kỹ năng quản lý đối ngoại ...

khoa chan con o lop hoc he Trang bị kỹ năng phòng tránh thiên tai cho trẻ em

Sáng 31/3, tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) và Quỹ Prudence - Công ty Prudential Việt Nam đã triển khai dự án ...

Yến Nguyệt