📞

Khoảng 1.000 tỷ USD đã bị dùng vào việc hối lộ mỗi năm

15:16 | 20/12/2018
Đó là con số được đưa ra tại tọa đàm về công tác phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNODC) tổ chức ngày 20/12 tại Hà Nội.  

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, cuộc tọa đàm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng nhằm giới thiệu về UNCAC. Qua đó, cập nhật kết quả thực thi UNCAC tại Việt Nam, nhất là kết quả tham gia chu trình đánh giá thứ hai việc thực thi UNCAC. Cùng với đó, giới thiệu Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 mới được Quốc hội thông qua thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, với quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Ông Trần Ngọc Liêm kỳ vọng, với kết quả tọa đàm, với quyết tâm chính trị cao và hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ đạt hiệu quả cao nhất, hướng tới xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, ổn định và phát triển.

Theo ông Francessco Checchi, Cố vấn khu vực về phòng chống tham nhũng UNODC Đông Nam Á - Thái Bình Dương cho biết, mỗi năm, ước tính khoảng 1.000 tỷ USD bị dùng vào việc hối lộ, cùng với 2.600 tỷ USD bị đánh cắp bởi hành vi tham nhũng. Con số ấy tương đương với 5% GDP toàn cầu.

Ông Francessco Checchi dẫn đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, tại các nước đang phát triển, ước tính số ngân sách bị mất đi do tham nhũng lớn gấp 10 lần tổng giá trị viện trợ phát triển chính thức. “Đây là một con số rất lớn, nhưng cái giá của tham nhũng trên thực tế còn lớn hơn nhiều”, ông Checchi nhận định.

Ông Checchi cũng cho rằng, chính những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên và tồi tệ nhất bởi tham nhũng, chẳng hạn như biển thủ công quỹ hay viện trợ nước ngoài nhằm tư lợi. Từ đó, ông Francessco Checchi nhận định, tham nhũng là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: HV)

Theo ông Francessco Checchi, việc Việt Nam phê chuẩn Công ước Phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC) vào ngày 30/6/2009 thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng. Từ đó đến nay, Việt Nam đã có những thay đổi tích cực trong hoàn thiện thể chế và triển khai thực hiện UNCAC. Đặc biệt, gần đây nhất, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng mới.

“Tôi chúc mừng Chính phủ Việt Nam và đặc biệt là Thanh tra Chính phủ với những nỗ lực rất lớn nhằm sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng cũng như hoàn thành bản Báo cáo Quốc gia tự đánh giá trong khuôn khổ chu trình đánh giá thứ hai của UNCAC”, ông Francessco Checchi nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Francessco Checchi cũng đề cao việc phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội, khu vực tư nhân. Đặc biệt, báo chí đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng.

“Chúng tôi khuyến khích Chính phủ tạo điều kiện và đẩy mạnh sự tham gia hiệu quả của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và giới báo chí vào chu trình đánh giá UNCAC. Chúng tôi cũng khuyến khích Chính phủ đẩy mạnh sự tham gia của xã hội dân sự và các cộng đồng vào quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách ảnh hưởng đến cuộc sống của họ”, ông Francessco Checchi cho biết thêm.

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, dù đạt một số kết quả tích cực nhưng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.

Nguyên nhân bởi Luật phòng, chống tham nhũng còn nhiều bất cập, như quy định về công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp đảm bảo thời gian thực hiện, đặc biệt chưa rõ nguyên tắc, hình thức, nội dung, trách nhiệm thực hiện công khai. Trong khi đó, quy định về trách nhiệm giải trình còn hẹp, chưa phù hợp, chưa mang tính khả thi.

Trong khi đó, Luật phòng, chống tham nhũng trước đây cũng chưa quy định một cách đầy đủ, toàn diện về kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ công vụ. Luật cũng chưa khắc phục được những biện pháp thiếu hiệu quả như việc tặng và nhận quà đối với người thân của người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến công vụ, chưa kiểm soát được hoạt động và thu nhập ngoài của người có chức vụ quyền hạn.

Bên cạnh đó, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập, còn vướng mắc về trình tự, thủ tục công khai bản kê khai, giải trình, xác minh tài sản khi có yêu cầu.