📞

Khoảng 4,4 triệu trẻ em Việt Nam bị gián đoạn giáo dục mầm non do đại dịch Covid-19

Chu An 16:43 | 24/07/2020
TGVN. Theo một nghiên cứu tóm tắt do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện vừa được công bố, đại dịch Covid-19 khiến ít nhất 40 triệu trẻ em trên toàn thế giới lỡ mất cơ hội tham gia giáo dục mầm non trong giai đoạn phát triển quan trọng đối với các em.
Khoảng 4,4 triệu trẻ em Việt Nam bị gián đoạn giáo dục mầm non do đại dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Bản nghiên cứu trình bày thực trạng về chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non trên toàn cầu cũng như đưa ra phân tích về tác động của việc đóng cửa các dịch vụ thiết yếu cho các gia đình này trên diện rộng do đại dịch Covid-19.

Nghiên cứu chỉ ra, việc cách ly xã hội đã khiến nhiều bậc cha mẹ phải xoay xở để cân bằng giữa việc chăm sóc con cái và công việc, trong đó, người phụ nữ phải chịu một gánh nặng lớn hơn do phụ nữ thường dành thời gian cho các công việc gia đình và chăm sóc bình quân nhiều hơn gấp ba lần so với đàn ông.

Bên cạnh đó, việc đóng cửa các dịch vụ cũng khiến các gia đình có trẻ nhỏ có nguy cơ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình; nhiều trong số các gia đình này vốn đã không thể tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội.

Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF cho rằng: “Sự gián đoạn trong giáo dục do đại dịch Covid-19 gây ra đang khiến trẻ em không thể được hưởng sự khởi đầu về giáo dục tốt nhất. Chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non tạo dựng nền tảng cho mọi khía cạnh phát triển của trẻ. Đại dịch đang đe dọa nghiêm trọng tới nền tảng này".

Ở Việt Nam, ước tính có 4,4 triệu trẻ em bị gián đoạn giáo dục mầm non do đại dịch Covid-19. Một đánh giá nhanh về tác động của Covid-19 đến giáo dục mầm non do Viện Khoa học giáo dục thực hiện gần đây cho thấy, 41% người tham gia đánh giá nhanh, đại diện cho các nhà quản lý và giáo viên mầm non ở tất cả các tỉnh thành, cho rằng, cha mẹ trẻ lo lắng về đại dịch và những tác động cả đại dịch đối với cuộc sống, công việc, thu nhập cũng như đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cho con em họ khi trẻ em nghỉ học ở nhà.

Bà Simone Vis, Trưởng Chương trình Giáo dục của UNICEF cho biết: “Trong thời gian các trường học đóng cửa, Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc tạo cơ hội học tập trực tuyến cho trẻ mầm non. Tuy nhiên, do thiếu thiết bị và kết nối với internet, kỹ năng kỹ thuật số của cha mẹ còn hạn chế, phần lớn giáo viên mầm non chưa quen với việc sử dụng kỹ thuật số, việc giúp trẻ học qua vui chơi trực tuyến trở nên khó khăn. Điều này tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có trẻ nhỏ”.

“Trong thời kỳ này, các bằng chứng cho thấy trẻ em có nguy cơ bị bạo lực gia đình cao hơn. Sự cô lập, cảm giác bị tụt hậu trong học tập, ít tiếp xúc với bạn bè và các mạng lưới hỗ trợ đã góp phần làm tăng tăng những lo ngại về tinh thần cho trẻ em, tất cả các yếu tố này cần phải được tính đến khi chúng ta tư duy lại về các cách tiếp cận tốt hơn cho trẻ em Việt Nam”, bà Simone nói.

Bản nghiên cứu tóm tắt cũng đưa ra hướng dẫn về cách thức các chính phủ và người sử dụng lao động có thể cải thiện các chính sách về chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non, bao gồm việc giúp cho tất cả trẻ em có thể tiếp cận các cơ sở chăm sóc trẻ em chất lượng cao, phù hợp với lứa tuổi, chi phí phải chăng và tiếp cận được, bất kể hoàn cảnh gia đình.