Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Swansea và Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh, khối băng khổng lồ này có kích thước 5.800 km2, đã tách khỏi thềm băng Larsen C ở Nam Cực trong khoảng thời gian từ ngày 10-12/7. Từ vài tháng trước, khối băng đã có dấu hiệu chuẩn bị tách khỏi thềm băng Larsen C.
Trong suốt mùa Đông tại Nam Cực, các nhà khoa học đã theo dõi quá trình nứt của thềm băng bằng vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Băng tan do hiện tượng El Nino. (Nguồn: Wall Street Journal) |
Theo ESA, tảng băng này có chiều dài 175km, rộng khoảng 50km và độ sâu của lớp băng ở dưới mực nước biển lên tới 210 m. Đây là một trong 5 khối băng lớn nhất thế giới trong 30 năm qua.
Theo Giáo sư Adrian Luckman thuộc Đại học Swansea và là nhà nghiên cứu hàng đầu dự án MIDAS theo dõi thềm băng này trong nhiều năm, khối băng này là một trong những núi băng lớn nhất thế giới và khó có thể dự báo "số phận" của nó trong tương lai.
Giáo sư Luckman cho rằng, khối băng trôi này được gọi là A68 có thể sẽ vẫn là một núi băng nguyên khối nhưng có khả năng nó sẽ vỡ ra thành nhiều mảnh.
Một số mảnh sẽ vẫn ở trong khu vực trong hàng thập kỷ trong khi các phần khác của núi băng sẽ di chuyển theo hướng Bắc tới vùng nước ấm hơn và cần từ 2 đến 3 năm để tan chảy hoàn toàn.
Thềm băng bị tách rời là một hiện tượng tự nhiên, nhưng sự nóng lên toàn cầu được cho là đã đẩy nhanh quá trình này. Nước biển nóng lên làm xói mòn bên dưới trong khi nhiệt độ không khí tăng làm các tảng băng suy giảm từ phía trên.
Khối băng trôi vốn luôn nổi trên bề mặt đại dương, nên khi bị tách khỏi thềm băng không ảnh hưởng ngay tới mực nước biển.
Tuy nhiên, việc này làm diện tích thềm băng Larsen C giảm hơn 12%.
Sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra đã làm nhiệt độ Trái Đất tăng trung bình khoảng 1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp.
Trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký vào năm 2015, các quốc gia trên thế giới đã cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu trung bình ở mức "thấp hơn" 2 độ C.