Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến công du châu Á vào cuối tháng Năm. Ngày 9/5, Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Koji Tomita tiết lộ, khi thực hiện chuyến thăm Nhật Bản sắp tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ chính thức khởi động Chiến lược kinh tế mới của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Chiến lược kinh tế mới được nhấn mạnh ở đây chính là Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Chính quyền của ông Joe Biden đề xuất.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến công du châu Á vào cuối tháng Năm này. (Nguồn: AP) |
Cam kết rộng rãi chưa từng có với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ngày 27/10/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra ý tưởng về IPEF tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 16, tuyên bố sẽ triển khai hợp tác và xác định mục tiêu chung với các đối tác trên nhiều lĩnh vực như thuận lợi hóa thương mại, kinh tế số và tiêu chuẩn công nghệ, sức bền chuỗi cung ứng, phát thải carbon, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn lao động…
Phạm vi bao phủ của khuôn khổ này rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực lĩnh vực kinh tế mới nổi và phi truyền thống.
Trước đây, Mỹ chú trọng xây dựng năng lực an ninh-quốc phòng trong chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chẳng hạn thiết lập các liên minh an ninh, như cơ chế an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS), cơ chế đối thoại Bộ tứ (Quad), liên minh tình báo Ngũ nhãn (Five Eyes)… cũng như thường xuyên tiến hành diễn tập quân sự với các nước Philippines và Singapore… nhưng tương đối thờ ơ trong lĩnh vực kinh tế.
Tin liên quan |
Mỹ sắp công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới |
Đặc biệt, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, chiến lược kinh tế của Mỹ ở khu vực này thể hiện rõ sự trống trải.
Việc Mỹ thông qua công cụ địa kinh tế IPEF để tăng cường ảnh hưởng đối với khu vực này, kiềm chế và làm suy yếu sức ảnh hưởng của Trung Quốc, thì điều đó phù hợp với chiến lược Ấn Độ Dương và chiến lược toàn cầu của Washington.
Trong các khu vực liên quan đến khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nhật Bản và Hàn Quốc trong khu vực Đông Á là các nước đồng minh, thuộc “phạm vi ảnh hưởng” quan trọng của Mỹ.
Ấn Độ chính là một cường quốc Nam Á có tham vọng trở thành cường quốc toàn cầu, đồng thời cũng là đối tác lớn nhất mà Mỹ đang ra sức tranh thủ ở châu Á. Đồng thời là một trong những trụ cột quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hơn hết, có thể cho rằng, ở mức độ đáng kể, thái độ và mức độ tham gia của các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đối với IPEF sẽ quyết định Khuôn khổ này có thành công hay không.
Ngày 9/5, khi tham dự Hội thảo Đối thoại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương xuyên Đại Tây Dương do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức, điều phối viên các vấn đề khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell nhấn mạnh, thông điệp quan trọng nhất mà ông Joe Biden muốn chuyển tải trong chuyến công du châu Á vào cuối tháng Năm là cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine là một nhiệm vụ cấp bách cần phải giải quyết, nhưng phải nhận thức được rằng, thách thức cơ bản lớn hơn của thế kỷ XXI nằm ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo ông Kurt Campbell, trong thời kỳ đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chủ yếu tập trung vào hợp tác với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hiện nay Mỹ và các đối tác châu Âu cũng có những cuộc tiếp xúc và đối thoại về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Sau khi khủng hoảng Ukraine bùng phát, các giới bên ngoài phổ biến dự đoán sự quan tâm của Mỹ chuyển hướng sang châu Âu, phần không nhiều còn lại là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tuy nhiên thực tế ngược lại.
Cam kết rộng rãi chưa từng có của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng đã phản ánh “câu chuyện cảnh báo” không muốn hành động quân sự tương tự như Ukraine xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời đã khởi động nhiều suy xét chiến lược.
Điều đáng quan tâm là, ông Kurt Campbell nhấn mạnh, với tư cách là điều phối viên các vấn đề khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trách nhiệm quan trọng nhất của ông là bảo đảm khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các nhà lãnh đạo châu Á, châu Âu và Mỹ, đồng thời xem xét kế hoạch hành động thực hiện.
Ông Kurt Campbell hy vọng sẽ nắm cơ hội Mỹ và châu Âu tăng cường đồng tâm hiệp lực hiện nay trong hai năm tới, bởi vì “không biết tình trạng này có thể kéo dài bao lâu”.
Hiện nay, Mỹ muốn hợp tác với châu Âu để làm những việc có kết quả, không chỉ về vấn đề Ukraine, mà còn về các chiến lược và chiến thuật ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai.
Các chuyên gia của tổ chức nghiên cứu ANBOUND nhấn mạnh, cuộc xung đột Ukraine đã mở rộng định nghĩa của Mỹ đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ đang nỗ lực tận dụng cuộc xung đột ở Ukraine để củng cố quan hệ Mỹ-châu Âu, đưa các quốc gia đối tác châu Âu thuộc quan hệ đối tác Đại Tây Dương về mặt địa lý vào phạm trù chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bằng cách này, Mỹ có thể đoàn kết càng nhiều đồng minh và quốc gia đối tác hợp tác càng tốt, tác động và thậm chí chủ đạo các vấn đề chính trị và kinh tế quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từ đó có thể kiềm chế hiệu quả hơn đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất của mình là Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden chụp ảnh chung cùng các nhà lãnh đạo ASEAN nhân Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN 2022. (Nguồn: AP) |
Vai trò của ASEAN
Các chuyên gia của ANBOUND cũng cho rằng, IPEF là một cách biểu đạt của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên lĩnh vực kinh tế, tìm cách thông qua hợp tác kinh tế để thiết lập sự kết nối và hợp tác đa dạng hơn với khu vực Tây Thái Bình Dương.
Tin liên quan |
Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Mỹ |
Trong bố cục này, các nước ASEAN sẽ phát huy vai trò vô cùng quan trọng. Điều có thể khẳng định là, trong quá trình thúc đẩy IPEF, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành đọ sức xoay quanh ASEAN.
Thậm chí, trong tương lai, chìa khóa của cuộc đọ sức rộng lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giữa Mỹ và Trung Quốc nằm ở ASEAN.
Đối với Trung Quốc, ASEAN không chỉ ở gần Trung Quốc về mặt địa lý, hơn nữa ASEAN còn là đối tác thương mại lớn nhất toàn cầu của Trung Quốc, quan hệ kinh tế-thương mại ngày càng chặt chẽ.
Nếu Mỹ không có được sự ủng hộ của ASEAN, thì Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cả Khuôn khổ IPEF đều sẽ xuất hiện một “lỗ hổng” lớn.
Đối với Trung Quốc cũng tương tự như vậy, nếu Trung Quốc không thể duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ và quan hệ địa chính trị ổn định với ASEAN, thì sẽ rất bị động trong tương lai.
Trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ nằm ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đối thủ cạnh tranh chiến lược lâu dài lớn nhất là Trung Quốc. Trong thời gian tới, chìa khóa của cuộc đọ sức địa chính trị và địa kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ triển khai xoay quanh các nước ASEAN.
| Mỹ muốn 'gạt' Trung Quốc khỏi 'bàn cờ lớn' Với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ hy vọng có thể kiềm chế Trung Quốc cả về an ninh và kinh tế tại ... |
| Quy mô kinh tế tương đương 77%, liệu Trung Quốc sẽ 'vượt mặt' Mỹ trong vòng 10 năm tới? Ngày càng nhiều nhà quan sát và chuyên gia nghiên cứu cho rằng, việc nền kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ sẽ không còn là ... |