Ngày 28/3, Mỹ và Trung Quốc bắt đầu tiến hành vòng đàm phán thương mại mới tại Bắc Kinh khi hai cường quốc kinh tế thế giới nỗ lực hướng tới một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại song phương kéo dài, vốn đã và đang tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu.
Đây là vòng đàm phán đầu tiên kể từ khi các biện pháp mới của Trung Quốc được ban hành thành luật như một "cành ô liu" để thúc đẩy tiến trình đàm phán giải quyết tranh chấp.
Phái đoàn Mỹ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer (thứ nhất, trái) đứng đầu trong cuộc đàm phán với phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc (thứ nhất, phải) đứng đầu tại Washington DC., ngày 21/2/2019. (Nguồn: AFP) |
Các quan chức Mỹ cho biết, nước này và Trung Quốc đã đạt tiến triển trong tất cả các lĩnh vực đang thảo luận trong tiến trình đàm phán, với sự biến chuyển chưa từng có về vấn đề chuyển giao công nghệ ép buộc, song vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
Một quan chức giấu tên của Mỹ nói rằng, Trung Quốc đã đưa ra các đề xuất đàm phán cụ thể hơn so với trước đây, mang tới hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận mà Mỹ vẫn khá cứng rắn, bao gồm những thay đổi cấu trúc trong nền kinh tế Trung Quốc.
Theo quan chức này, các quan chức Mỹ - Trung đang thảo luận về vấn đề chuyển giao công nghệ ép buộc theo cách mà trước đây họ chưa bao giờ muốn đề cập tới, cả về phạm vi và nội dung chi tiết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt thuế quan lên lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc năm 2018, nhằm buộc Trung Quốc thay đổi cách thức kinh doanh với phần còn lại của thế giới và mở cửa nền kinh tế cho các công ty Mỹ.