Vòng đàm phán thảo luận về sáng kiến tự do thương mại khu vực được cho là có thể thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đây là vòng đàm phán đầu tiên kể từ sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định Mỹ rút khỏi TPP vào tháng 1 vừa qua và Washington hiện đang thúc đẩy các thỏa thuận thương mại song phương thay vì đa phương.
Các nước tham gia đàm phán nói trên gồm 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Trong số này có 7 nước tham gia đàm phán TPP.
Quan chức các nước thành viên RCEP tại vòng đàm phán mới ở Kobe, Nhật Bản, ngày 27/2. (Nguồn: Kyodo) |
Các nước tham gia đàm phán mong muốn hoàn tất đàm phán về RCEP sớm nhất có thể. Tuy nhiên, các cuộc thương lượng dự kiến sẽ khó khăn do những bất đồng trong các vấn đề chủ chốt, như phạm vi áp thuế quan trong khuôn khổ thỏa thuận RCEP giữa Nhật Bản, nước đi đầu trong đàm phán TPP và các cường quốc kinh tế mới nổi Trung Quốc và Ấn Độ là những nước không tham gia đàm phán TPP.
Theo hãng thông tấn Kyodo, một số quan chức Nhật Bản vẫn hy vọng Mỹ sẽ trở lại TPP và cảnh báo chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe không nên quá chú trọng các cuộc đàm phán RCEP mà cũng nên tập trung vào cuộc đối thoại kinh tế song phương cấp cao mới được khởi động trong các cuộc đàm phán gần đây giữa ông Abe và ông Trump.
Các cuộc đàm phán RCEP bắt đầu từ năm 2013. Đến nay, các nước tham gia đã đạt một thỏa thuận trong lĩnh vực hợp tác công nghệ kinh tế và đóng góp cho các doanh nghiệp nhỏ. Vòng đàm phán mới nhất này dự kiến kết thúc vào ngày 3/3 tới.