Đang học năm hai tại một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh, sinh viên Phan Hoài Thu cho biết, luôn có nhiều hoạt động phong trào tại trường được tổ chức với hình thức sân khấu hóa, thu hút sự quan tâm, đón nhận của sinh viên.
Hoạt động sân khấu kịch học đường tại trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: giaoduc.edu.vn) |
Dù đến từ nhiều ngành học khác nhau và đều không phải là các ngành liên quan đến sân khấu, nhưng niềm yêu mến với sân khấu nghệ thuật trong các hoạt động của sinh viên luôn được duy trì.
Tuy vậy, cùng chung ý kiến với nhiều sinh viên, Phan Hoài Thu thừa nhận, tại một số chương trình, nội dung sân khấu hóa chưa được như mong đợi, do các sinh viên còn gặp nhiều khó khăn trong việc lên ý tưởng.
Ngoài ra, việc dàn dựng còn nhiều hạn chế, nhất là khâu xây dựng kịch bản. Thực trạng này đã được giới chuyên gia nhìn nhận.
Chia sẻ trong buổi hội thảo “Kỹ năng xây dựng kịch bản sân khấu đối với hoạt động sinh viên” tại Trường Đại học Văn Hiến vào đầu tháng 5, đạo diễn, NSƯT Hạnh Thúy cho biết cách thức xây dựng kịch bản, từ ý tưởng đến kịch bản hoàn chỉnh là một trong trong nội dung quan trọng của chương trình giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP. Hồ Chí Minh.
Theo chị, để nâng cao chất lượng xây dựng kịch bản sân khấu đối với sinh viên, cần đẩy mạnh công tác tập huấn. Ở các trường đại học không chuyên về sân khấu, có thể tổ chức các hoạt động như talkshow, workshop, các khóa tập huấn để sinh viên có cơ hội trao dồi thêm chuyên môn về viết kịch bản, dàn dựng. Sinh viên cần có ý thức chuẩn bị cho mình những vốn liếng về xây dựng kịch bản, để chương trình sân khấu hóa được chỉn chu nhất có thể. NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ: “Các bạn có thể theo học các khóa tập huấn ngắn tại các sân khấu kịch, Nhà văn hóa thanh niên, Nhà văn hóa sinh viên”.
Là người chuyên tổ chức các chương trình nghệ thuật văn hoá truyền thống, đạo diễn Nguyễn Lan Vy – Giám đốc Công ty cổ phần Vkstar cho rằng tiềm năng để phát huy nghệ thuật ứng dụng tại các giảng đường đại học là rất lớn, nhất là các chương trình tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống.
Theo đó, các bạn sinh viên có sự trẻ trung, tràn đầy năng lượng. Đây chính là ưu điểm để tăng sự bứt phá, sáng tạo cho nghệ thuật truyền thống gần gũi với giới trẻ. Tuy vậy, các trường học cần tổ chức tập huấn, chia sẻ, giúp sinh viên tổ chức bài bản, chuyên nghiệp hơn.
NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ tại Đại học Văn Hiến, TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tăng Hữu Phúc) |
Bên cạnh đó, NSƯT Hạnh Thúy khuyên sinh viên dành nhiều thời gian đọc sách, đặc biệt là các tác phẩm văn học. Bản thân chị tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn điện ảnh truyền hình khóa I của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh (khóa 2015-2019) với bộ phim ngắn Đi bụi, chuyển thể từ truyện ngắn Bà già đi bụi của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Nữ nghệ sĩ cho biết, chị có được bộ phim tốt nghiệp ưng ý là nhờ vào thói quen ham đọc sách nói chung và niềm đam mê văn chương nói riêng. Chị tin rằng, văn chương luôn là mảnh đất màu mỡ có thể khai thác thành những kịch bản có chất lượng.