Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung. |
Kể từ khi Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư về ngoại giao phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 được ban hành, đối với các Đại sứ mới được bổ nhiệm như Đại sứ Lý Đức Trung, ngoại giao kinh tế, một cách rất tự nhiên trở thành ưu tiên hay trọng tâm công tác nhiệm kỳ.
Xác định mục tiêu và triển khai trên mọi mặt trận
Theo Đại sứ Lý Đức Trung, việc liên tục và không ngừng quán triệt triển khai nhất quán đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, xây dựng hình ảnh Việt Nam là một người bạn tốt, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trên tinh thần không chọn bên mà chọn lẽ phải, chọn lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc chính là bệ phóng để đẩy công tác ngoại giao kinh tế lao về phía trước với một gia tốc của chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Chỉ vài ngày sau khi chính thức nhận nhiệm vụ Đại sứ Việt Nam tại Israel (8/5/2022), Đại sứ Lý Đức Trung đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong xúc tiến thương mại và đầu tư tại sở tại.
Đáng chú ý, Đại sứ quán cũng tích cực hỗ trợ Phòng thương mại Israel - Việt Nam mới khai trương tháng 3/2022 triển khai các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai nước. Tiêu điểm của các hoạt động kết nối doanh nghiệp là Hội nghị xúc tiến thương mại do Thương vụ Việt Nam tại Israel phối hợp với Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Liên đoàn các Phòng thương mại Israel tổ chức tại Israel ngày 3/11/2022, mang lại cho doanh nghiệp hai bên nhiều thỏa thuận thương mại quan trọng.
Đồng thời, Đại sứ tham gia rất nhiều hoạt động quảng bá địa phương online như Lễ hội mở cửa du lịch TP. Hồ Chí Minh, quảng bá các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; tích cực thu xếp chuyến thăm cho các đoàn công tác của các địa phương của Việt Nam tới Israel tìm hiểu và triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch, thương mại và đầu tư với các đối tác sở tại.
Bên cạnh các hoạt động tiếp xúc với các cơ quan Chính phủ, Quốc hội của Israel, Đại sứ Lý Đức Trung cùng cán bộ sứ quán cũng tích cực làm việc với các tổ chức, Viện nghiên cứu, trường Đại học và thăm các địa phương để quảng bá hình ảnh đất nước và trao đổi các cơ hội hợp tác song phương về kinh tế, thương mại.
Ngoài ra, Đại sứ cũng dành thời gian tham dự hầu hết các Hội chợ triển lãm lớn của Israel về nông nghiệp thông minh, công nghệ y tế, công nghệ thông tin để tìm hiểu thông tin và kết nối hợp tác ngay khi có cơ hội.
Trong mọi sự kiện, Đại sứ quán đều chú trọng tận dụng tất cả các cơ hội để lồng ghép, quảng bá ẩm thực Việt Nam, đây là một điểm cực kỳ thu hút đối với người dân Israel.
Phòng trưng bày các sản phẩm hàng hóa Việt Nam tại Đại sứ quán. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Israel) |
Điểm nhấn hợp tác nông nghiệp công nghệ cao
Đánh giá nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực hợp tác không thể để uổng phí giữa hai nước, Đại sứ Lý Đức Trung chỉ ra rằng, các thành tựu về công nghệ giống, nuôi trồng, tưới tiêu, bảo quản sau thu hoạch và thương mại hóa của Israel rất đáng để học tập.
Theo Đại sứ, thời gian tới, tiềm năng trong hợp tác nông nghiệp sẽ được khai thác mạnh hơn để phục vụ cho xuất khẩu khi hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên được đưa vào thực thi và nỗ lực tìm tiếng nói chung trong hợp tác đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Israel theo hợp đồng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đại sứ cũng đề xuất, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần tập trung đầu tư cho nghiên cứu và phát triển về giống, kỹ thuật canh tác để ứng dụng tại Việt Nam phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác, sinh hoạt của nông thôn, đặc biệt là kỹ thuật và công nghệ canh tác trong các điều kiện khắc nghiệt như đại dương và sa mạc mà Israel có thế mạnh vượt trội. Đại sứ tin tưởng, chỉ có như vậy, hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Israel mới có thể vươn tới đạt được các bước đột phá trong tương lai.
“Các nhà ngoại giao, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện và tham tán thương mại ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, trong đó có công tác ngoại giao kinh tế, trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong”. (Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế và những trọng tâm ngoại giao kinh tế năm 2023 ngày 9/3). |
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, sáu trọng tâm cho công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2023 gồm: tiếp tục đẩy mạnh triển khai, cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ; xác định hợp tác kinh tế là trọng tâm trong các hoạt động của lãnh đạo cấp cao; đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu, đầu tư, du lịch, lao động, khoa học-công nghệ... với tinh thần lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập và liên kết quốc tế; chú trọng tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu và đổi mới mạnh mẽ, đẩy mạnh sáng tạo, nâng cao hiệu quả để tạo chuyển biến thực chất trong triển khai ngoại giao kinh tế. |