TIN LIÊN QUAN | |
Những du khách Mỹ cuối cùng đến thăm Triều Tiên | |
Quan hệ Trung - Triều “tăng nhiệt” |
Sau khi Triều Tiên thử thành công bom nhiệt hạch (ngày 3/9) và phát tín hiệu chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa tầm xa mới, thị trường tài chính toàn cầu đã chào tuần mới bằng một tâm lý cảnh giác cao độ và lo sợ về những rủi ro mới. Lo lắng về căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington đang kéo nhà đầu tư khỏi chứng khoán và đến với những nơi trú ẩn an toàn hơn như tiền mặt, vàng, trái phiếu...
Một du khách đi qua màn hình đang phát chương trình tin tức về một cuộc thử tên lửa Triều Tiên tại Seoul. (Nguồn: AP) |
Lo sợ bao trùm
Giới phân tích cho rằng, bình thường, phản ứng của thị trường tài chính chỉ là tức thời và không kéo dài quá lâu. Nhưng nay, khi cường độ tiến hành thử hạt nhân của Triều Tiên ngày một thường xuyên hơn và Mỹ cũng liên tục đáp trả bằng những hành động đe dọa mạnh mẽ, cho thấy, giai đoạn sợ rủi ro của thị trường có thể sẽ kéo dài lâu hơn.
Khi Bình Nhưỡng công khai “ăn mừng” về những thành quả quân sự, Washington tuyên bố quyết không tha nếu Mỹ và đồng minh bị đe dọa, thì thị trường thế giới đã bắt đầu bị chi phối. Những ngày qua, chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh, các thị trường châu Á cùng chung số phận, từ Tokyo đến Sydney các sàn chứng khoán đều đỏ lửa. Giới đầu tư đổ xô tìm kiếm những “bến đỗ an toàn”, khiến trái phiếu tăng mạnh nhất trong 10 năm, vàng vượt ngưỡng cao nhất một năm trở lại đây…
Mức độ rủi ro càng tăng cao sau khi Mỹ, Nga và Trung Quốc thiếu sự đồng thuận về cách thức gây sức ép buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Tổng thống Nga Putin và Trung Quốc đều cho rằng, bổ sung biện pháp trừng phạt không phải là giải pháp hiệu quả. Nhưng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc không nghĩ như vậy. Tổng thống Donald Trump mới đây đã đồng ý hỗ trợ hàng tỷ USD bán vũ khí mới cho Hàn Quốc, đồng thời phát tín hiệu “không ngại” đưa ra những biện pháp trừng phạt mạnh nhất.
Chuyên gia Nader Naeimi của quỹ AMP Capital (Australia) thậm chí còn tuyên bố gần như chắc chắn về việc căng thẳng Triều Tiên sẽ “châm ngòi” cho một đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán thế giới.
Mỹ - Trung chia rẽ
Vài nền kinh tế lớn hiện vẫn đang làm ăn với cả Mỹ và Triều Tiên, như Ấn Độ, Nga, Pakistan và lớn nhất vẫn là Trung Quốc. Trung Quốc được gọi là một đồng minh tương trợ của Triều Tiên, là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm tới 85% tổng kim ngạch thương mại của nước này. Chính vì thế, với mục tiêu cô lập Bình Nhưỡng khỏi hệ thống tài chính, hồi tháng Tám, Mỹ đã ra lệnh trừng phạt một loạt các tổ chức, cá nhân Trung Quốc và Nga mà nước này cho là đã hỗ trợ Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Phản ứng với vụ thử bom mới đây, Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng, Mỹ đang xem xét ngừng mọi hoạt động thương mại với bất kỳ quốc gia nào giao thương với Triều Tiên. Giới phân tích cho rằng lời cảnh báo này chủ yếu nhằm vào Trung Quốc. Có ý kiến còn cho rằng, trừng phạt các ngân hàng lớn của Trung Quốc sẽ là cách hiệu quả nhất để gây sức ép với Triều Tiên.
Trên truyền thông, mới đây tờ China Daily không ngần ngại chỉ trích yêu cầu điều tra kinh tế nhắm vào Trung Quốc của Tổng thống Trump là hành động chính trị hóa thương mại và cho rằng, ông Trump đã lồng ghép vấn đề Triều Tiên với quan hệ thương mại của hai cường quốc hàng đầu thế giới. Tờ báo này chỉ trích việc Washington đặt quá nhiều trách nhiệm lên Bắc Kinh trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Có vẻ như chẳng hề né tránh, chính Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ nương tay với Trung Quốc về vấn đề thương mại, nếu Bắc Kinh gây sức ép hơn nữa nhằm kiềm chế Triều Tiên. Dù giới chức trong Chính quyền Trump khẳng định, vấn đề Triều Tiên và cuộc điều tra kinh tế hoàn toàn không liên quan.
Bình luận về vấn đề này, Giám đốc châu Á Scott Seaman của hãng Tư vấn Eurasia Group cho rằng, một trong những lý do mà Washington vẫn lưỡng lự trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm vào các doanh nghiệp nhà nước hay các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc là vì ngại Bắc Kinh sẽ phản ứng rất tiêu cực. Bắc Kinh có thể áp dụng các biện pháp ăn miếng trả miếng và quan hệ Mỹ - Trung sẽ bị chia rẽ vào thời điểm quan trọng. Hệ quả của nó đối với thị trường tài chính quốc tế còn khó dự đoán hơn nhiều.
Tuy nhiên, không ai có thể dám chắc rằng, Mỹ sẽ không sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn trong thời gian tới.
Hàn Quốc ngấm đòn
Về phần Hàn Quốc, từ lâu, chiến tranh không phải là yếu tố mà các nhà đầu tư vào nước này phải “đặt lên bàn cân”. Nhưng đến giờ phút này, kinh tế Hàn Quốc đã thực sự chịu nhiều tác động tiêu cực, từ các động thái của láng giềng Triều Tiên.
Chính phủ Hàn Quốc vẫn dự báo GDP sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay, tuy nhiên, trong thời gian dài hơn, bất ổn địa chính trị sẽ tác động mạnh lên nền kinh tế nước này. Không chỉ ngành du lịch, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Kim Dong-yeon vừa khẳng định, thị trường tài chính chắc chắn sẽ phải chịu tác động lâu dài, bởi một giải pháp cho vấn đề Triều Tiên không dễ sớm tìm ra. Căng thẳng khó chấm dứt, niềm tin người tiêu dùng cũng sẽ sụt giảm mạnh.
Bloomberg đăng tải số liệu của Tổ chức du lịch Hàn Quốc cho thấy, trong tháng Bảy, số lượng khách du lịch đến Hàn Quốc đã giảm khoảng 40% so với tháng trước. Riêng lượng khách Trung Quốc giảm sâu nhất, gây thất thu khoảng 4,7 tỷ USD. Nguyên nhân trực tiếp là do Bắc Kinh cấm du khách mua tour đến Hàn Quốc, sau khi nước này quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ mặc dù Trung Quốc chỉ trích THAAD sẽ phá vỡ thế cân bằng chiến lược ở khu vực châu Á.
Giữa bối cảnh căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên leo thang, bất ổn đang tiếp tục tăng cao, từ tiêu dùng cá nhân, đến đầu tư doanh nghiệp đều sụt giảm, xếp hạng tín dụng cũng vì thế mà có nguy cơ bị đánh tụt hạng. Các mối lo ngại về triển vọng tăng trưởng tiếp tục gia tăng. Theo đánh giá sức tăng trưởng trong quý II/2017 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đã bị tụt 10 bậc so với quý trước đó, chỉ đạt 0,6%. Kết quả này đã đẩy Hàn Quốc từ vị trí thứ 8 xuống vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng sức tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên OECD.
Gia tăng áp lực với Triều Tiên?
Triều Tiên, với vị trí khá nhỏ bé trong dòng chảy thương mại quốc tế, đứng thứ 119 trong bảng xếp hạng các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Mỗi năm nước này xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD hàng hóa, chủ yếu là than đá, xăng dầu và các mặt hàng bán lẻ. Tổng kim ngạch nhập khẩu của Triều Tiên vào khoảng 3,5 tỷ USD/năm.
Triều Tiên là quốc gia bị cô lập về kinh tế nhất thế giới, đặc biệt sau những lệnh trừng phạt được Liên hợp quốc đưa ra hồi cuối tuần qua. Việc áp dụng sâu hơn phương án này đòi hỏi sự hợp tác tốt hơn từ phía Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh lại lo ngại gây ra sự sụp đổ của Triều Tiên. Tuy nhiên, vẫn không có gì đảm bảo trừng phạt kinh tế sẽ khiến Triều Tiên thay đổi, bởi từ lâu Bình Nhưỡng đã chuẩn bị sẵn tư thế tự cường. Như vậy, giới phân tích nghi ngờ liệu gia tăng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên có giúp ổn định tâm lý cho thị trường tài chính toàn cầu?
Căng thẳng Triều Tiên đẩy giá vàng cao nhất trong gần một năm Trong phiên giao dịch ngày 4/9, giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong gần một năm qua do giới đầu tư “đổ ... |
Vòng xoáy luẩn quẩn Động thái phóng tên lửa của Triều Tiên ngang qua Nhật Bản là một nước cờ đầy tính toán của Chủ tịch Kim Jong-un nhằm ... |
Triều Tiên có thể sẽ phóng thêm nhiều tên lửa khác Ngày 30/8, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kêu gọi tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa mới vào Thái Bình Dương, ngay sau ... |