Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định điều này tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đây là vụ việc được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước rất quan tâm. Có thể khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của toàn đảng, toàn dân từ người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến cả hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, cả hệ thống vào cuộc, chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ các vi phạm của Trịnh Xuân Thanh để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. |
Việc chạy trốn của Trịnh Xuân Thanh đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý, như Bộ Công an đã khởi tố bị can và có lệnh truy nã quốc tế.
Như vậy, “chúng ta khẳng định rằng, các cơ quan chức năng, người có thẩm quyền không có hiện tượng bao che, dung túng, che đậy tội phạm và bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh chạy trốn. Việc Trịnh Xuân Thanh chạy trốn ra nước ngoài là ngoài ý muốn của chúng ta.
Chúng ta cũng nghĩ rằng, với cương vị, tư cách là người lãnh đạo ở thời điểm đó, Trịnh Xuân Thanh lại chạy trốn cơ quan pháp luật, tránh né khỏi tổ chức Đảng, cơ quan đang sinh hoạt ở đó. Chúng ta không mong muốn như thế. Chúng ta khẳng định rằng không có sự bao che, tiếp nối, dung túng để Trịnh Xuân Thanh chạy trốn” – Bộ trưởng nói.
Liên quan đến vụ việc, tại cuộc tiếp xúc cử tri Đà Nẵng ngày 4/10, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết, trước khi trốn đi, quy trình xử lý kỷ luật Trịnh Xuân Thanh chỉ mới ở mức xem xét khai trừ Đảng.
Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn ra nước ngoài. |
Cơ quan, Nhà nước đang xem xét thì Trịnh Xuân Thành trốn đi nước ngoài, sang châu Âu. “Khai trừ Đảng đối với ông Thanh - một tỉnh ủy viên thì Ban Bí thư quyết định. Thời điểm đó quy trình chưa đến mức khởi tố nên chưa tổ chức lực lượng giám sát và có quyền giám sát”, Thường trực Ban Bí thư nói.
Trả lời cử tri TPHCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Chúng ta kiên quyết làm sáng tỏ vụ việc này. Dù có lẩn trốn đi đâu chăng nữa, những đối tượng tham nhũng, vi phạm pháp luật sớm muộn cũng bị đưa ra ánh sáng, truy tố trước pháp luật”.
Chủ tịch nước dẫn chứng, trước đây từng có trường hợp lẩn trốn ở nước ngoài 5-7 năm nhưng cuối cùng vẫn bị bắt, vẫn bị đưa ra xét xử như vụ Dương Chí Dũng, sắp tới là Giang Kim Đạt.
Ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46 (P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam. Ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự. Đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh. Hiện nay, Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn. Ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh. |