📞

Không có người thầy, ta sẽ 'đuối' trong bể thông tin nhưng vẫn 'đói' về tri thức

PGS.TS Trần Thành Nam 13:50 | 30/11/2021
Trong bối cảnh CMCN 4.0, nếu không có những người thầy, chúng ta sẽ 'đuối' trong bể thông tin của thời đại số nhưng vẫn 'đói' về tri thức. Vì vậy, xã hội vẫn cần sự tôn sư trọng đạo, trân trọng người thầy và dành cho họ những vị thế xứng đáng.
PGS. TS. Trần Thành Nam nêu quan điểm, người thầy trong xã hội hiện nay phải thực hiện nhiều vai hơn.

Người thầy phải thực hiện nhiều vai hơn

Những ngày qua, dư luận có những ý kiến trái chiều liên quan đến khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Vậy trong thời đại mới thì chữ “lễ” nên được hiểu thế nào cho đúng?

Trong một thời gian dài, các nhà khoa học giáo dục đã nghiên cứu và công bố rất nhiều công trình có giá trị. Chỉ có điều, những công bố đó được viết bằng ngôn ngữ chuyên ngành rất khó hiểu.

Điều này khiến cho những kết quả nghiên cứu không được hiểu và áp dụng trong cuộc sống thực.

Mỗi nhà khoa học lại tự diễn giải khái niệm của mình theo cách riêng, gây ra nhiều tranh luận không cần thiết từ việc hiểu khái niệm của nhau không đúng, gây ra lãng phí rất lớn.

Vì thế, tôi cho rằng, khi đề xuất với cộng đồng, các nhà khoa học cần dùng khái niệm dung dị, theo cách hiểu chung của cộng đồng trí thức nói chung.

Theo cách hiểu của cộng đồng thì “lễ” ở đây là đạo đức, là cách đối nhân xử thế làm người, là các giá trị sống phổ quát của nhân loại, còn “văn” ở đây là “tài”, là dạy chữ, là các kỹ năng để hội nhập cuộc sống.

Mặc dù khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” có từ thời phong kiến nhưng giá trị và sự đúng đắn của nó vẫn đúng. Trong thời đại hiện nay, chúng ta chỉ cần hiện đại hóa nội hàm của nó, không cần thiết phải phủ nhận sạch trơn.

Thực ra, khi theo dõi cuộc tranh luận giữa các bên về việc bỏ hay không bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường phổ thông, tôi phát hiện hai vấn đề thú vị.

Nhiều người ủng hộ xóa bỏ khẩu hiệu này vì muốn giải phóng tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo của người học nhưng bản thân họ lại là người giữ “lễ” nghiêm cẩn nhất.

Họ ủng hộ quan điểm này chẳng qua vì những người “thầy” của họ ủng hộ. Đó là những người thầy có uy tín khoa học, mang tầm ảnh hưởng quốc gia nên họ tin thầy nói là phải, là đúng.

Tất nhiên, cũng có những người rất ủng hộ việc xóa bỏ khẩu hiệu này để khai phóng sức sáng tạo cho học trò. Tuy nhiên, họ vẫn không cảm thấy thoải mái từ bỏ vị trí độc tôn về tri thức trong nhà trường của mình.

Các thầy không thể thoải mái thừa nhận mình cũng có lúc sai, cũng có những lúc hạn chế về mặt nhận thức và chưa chấp nhận được, đôi lúc mình chính là nguyên nhân của vấn đề. Họ chưa cởi mở tiếp thu những ý kiến khác mình, coi những quan điểm phản biện trái chiều của học trò là tích cực.

Thứ hai, tôi thấy một số thành viên ủng hộ việc xóa bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ - hậu học văn” chỉ vì hiện nay giáo dục nên tập trung vào người học, vai trò của người thầy không còn là trung tâm nữa. Quan điểm này lại càng sai lầm, bởi người thầy trong xã hội hiện nay phải thực hiện nhiều vai hơn.

Không chỉ là người truyền tải nội dung tri thức mà còn là người định hướng dẫn dắt, là người truyền cảm hứng, người gieo khát vọng cho học trò.

Mặc dù không còn nắm giữ vị trí bề trên với quyền lực như vua - tôi, cha - con (Quân – Sư – Phụ) mà thầy trở thành huấn luyện viên của học trò. Nhưng xin nhớ, các vận động viên sẽ chẳng thể nào giành được huy chương vàng nếu thiếu huấn luyện viên.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, nếu không có những người thầy, chúng ta sẽ "chết đuối" trong bể thông tin của thời đại số nhưng vẫn "chết đói" về tri thức.

Vì vậy, xã hội vẫn cần sự “tôn sư trọng đạo”, trân trọng người thầy và dành cho họ những vị thế xứng đáng.

"Tiên học lễ..." là nền tảng để con người tiến tới sự hoàn thiện

Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” chính là nền tảng để con người tiến tới sự hoàn thiện. Nhưng chữ “Lễ” thì có gì mâu thuẫn với những khẩu hiệu mới đây của ngành giáo dục như “Trường học thân thiện, học sinh sáng tạo” hay “Trường học hạnh phúc” hay không?

Tôi có được may mắn đồng hành với Công đoàn Giáo dục Việt Nam biên soạn tài liệu về mô hình trường học hạnh phúc. Trong đó, khái niệm trường học hạnh phúc được định nghĩa là nơi học sinh, giáo viên và cán bộ nhân viên cảm thấy được yêu thương, được an toàn, được tôn trọng, được hiểu và được cảm thấy có giá trị.

Nền tảng để tạo ra những giá trị đó là chuẩn mực lời ăn, tiếng nói, thái độ, hành vi của các bên.

Một quan điểm khác, UNESCO đã định nghĩa: Trường học hạnh phúc là nơi có quan hệ con người tích cực, có phương pháp dạy và học phù hợp, có môi trường học tập an toàn và thân thiện.

Hay khác đi, trường học hạnh phúc là nơi thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp, dạy ra dạy, học ra học. Mỗi người cư xử theo các chuẩn mực, theo đúng vai trò của mình, với thái độ tôn trọng và lễ độ, lịch sự. Đó chẳng phải là “lễ” hay sao?

Vì những lý do đó, những chủ trương lớn của ngành giáo dục như xây dựng trường học hạnh phúc, xây dựng trường học an toàn không có mâu thuẫn và phủ định giá trị của “Tiên học lễ, hậu học văn”, thậm chí còn lấy nó làm căn cốt để xây dựng. Vậy việc khai mở tư duy phản biện cũng như khuyến khích sự sáng tạo phải bắt đầu từ đâu?

Để thúc đẩy được tư duy phản biện và văn hóa sáng tạo thì thầy trò đều cần phải có một tư duy mở. Cần phải ý thức được trong bối cảnh hiện tại, tri thức nhân loại sáng tạo ra luôn luôn vượt quá khả năng tiếp nhận và xử lý của từng cá nhân. Vậy nên, mỗi người phải tự ý thức rằng bản thân mình luôn có những hạn chế về mặt nhận thức.

Từ đó, xây dựng một thái độ sẵn sàng tiếp thu mọi ý kiến, kể cả ý kiến phê bình. Cá nhân cần chấp nhận rủi ro để kêu gọi cộng đồng tham gia ý kiến cho những luận điểm của mình và tin tưởng rằng những phản hồi của người khác về cơ bản là tích cực.

Để khuyến khích sự sáng tạo, cần xây dựng ở cá nhân thái độ coi thất bại là một cơ hội để học hỏi và phát triển, một tinh thần luôn muốn thử nghiệm cái mới vì không bằng lòng với những thứ hiện đang có.

Chúng ta đã nhận ra trong một thời gian dài, việc dạy người chưa được cân đối với việc dạy chữ. Để tạo ra được những công dân toàn cầu thành công trong xã hội nghề nghiệp của thế kỷ XXI, từng học sinh cần tự ý thức về trách nhiệm làm chủ của mình trong việc lan tỏa các giá trị văn hóa, bản sắc của dân tộc hội nhập với thế giới.

Vì vậy, vai trò giáo dục đạo đức, lễ nghĩa lại càng trở nên quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ sinh thái bao quanh đứa trẻ từ nhà trường, gia đình đến xã hội.

Việc giáo dục đạo đức, lễ nghĩa sẽ cần phải thông qua nhân cách của người thầy nên chúng ta sẽ cần nhiều tấm gương thực sự gần gũi để chuyển hóa toàn diện nhận thức đạo đức, thái độ tình cảm, đạo đức và xây dựng hành vi, thói quen hành xử theo các chuẩn mực lễ nghĩa.

Trong 4 trụ cột giáo dục theo quan niệm của UNESCO (gồm học để biết, học để làm, học để làm người và học để chung sống), giáo dục “Lễ” giúp chúng ta đạt được 2 mục tiêu cao hơn trong 4 trụ cột. Đó là “học để làm người” và “học để chung sống”.

Tôi cho rằng, điều quan trọng không phải là hạ xuống khẩu hiệu vật lý; không phải xóa bỏ nó trong đầu óc của các thế hệ học trò, mà chỉ cần thay đổi quan điểm “trung tâm trí thức”, “thầy luôn đúng” ở những người thầy.