Chuyến thăm châu Âu từ 14-21/10 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đón tin mừng về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Đại sứ đánh giá như thế nào về kết quả chuyến thăm vừa qua liên quan tới EVFTA?
Chuyến thăm vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Bỉ cũng như cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker diễn ra rất đúng thời điểm. Hai bên khẳng định quyết tâm ký kết và phê chuẩn EVFTA và cùng thảo luận các bước tiếp theo để thực hiện các nội dung của EVFTA. Hai ngày trước cuộc gặp, Chủ tịch Jean-Claude Juncker cũng đã làm tất cả để Ủy ban châu Âu thống nhất văn kiện Hiệp định và chuyển cho các nước thành viên thông qua, “bật đèn xanh” để có thể ký kết EVFTA trong thời gian tới. Có thể nói, trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thấy phía EU cam kết rất cao trong việc thúc đẩy hiện thực hóa EVFTA.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại cuộc hội đàm, ngày 19/10. |
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Jean-Claude Junker nhấn mạnh EVFTA là ví dụ điển hình thể hiện chính sách thương mại hiện nay của EU, mang lại những lợi ích chưa từng có đối với doanh nghiệp và người dân châu Âu và Việt Nam. Đại sứ có thể chia sẻ rõ hơn về những lợi ích của EU từ hiệp định này?
Đã gần 30 năm kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990. Trước đây chúng tôi tập trung vào quan hệ đối tác đi từ viện trợ phát triển. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, EU muốn giúp đỡ Việt Nam cải thiện, nâng tầm quản trị công và cải cách tốt hơn nữa, trở thành đối tác đáng tin cậy hơn nữa của quốc tế. Chúng tôi muốn cùng Việt Nam thúc đẩy pháp quyền quốc tế và chia sẻ chương trình nghị sự chung toàn cầu.
Bên cạnh đó, chúng tôi muốn tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của ASEAN. Trong ASEAN chúng tôi đã có hai FTA, một là với Singapore vừa được ký vào tuần trước, hai là FTA với Việt Nam kỳ vọng được ký vào đầu năm 2019. Đây là cách thức chúng tôi thể hiện cam kết chặt chẽ với cả khu vực ASEAN - một đối tác quan trọng với EU. Không những vậy, EU mong muốn từ Việt Nam và ASEAN có thể mở rộng quan hệ với khu vực châu Á khi nhiều cường quốc đang có dấu hiệu lạm dụng quyền lực của mình.
Mốc đầu năm 2019 không còn xa, liệu còn có những rào cản nào cho việc phê chuẩn EVFTA, thưa Đại sứ?
Tôi không thấy có một rào cản lớn nào cho việc ký kết EVFTA theo dự kiến. Hiện nay, văn kiện EVFTA đã được trình lên Hội đồng châu Âu để các nước thành viên có thể xem xét và “bật đèn xanh” cho việc ký kết này trong vòng 3 tháng nữa. Tuy nhiên, có một thách thức cũng quan trọng, đó là Nghị viện châu Âu phải xem xét để phê chuẩn hiệp định này. EVFTA cần sự thông qua đa số trong Nghị viện châu Âu, do vậy, chúng tôi phải thuyết phục những người dân châu Âu còn đang lưỡng lự thuận theo quá trình ký kết. Họ có suy nghĩ rằng hiệp định này quá tham vọng để Việt Nam có thể thực hiện được.
Đại sứ EU tại Việt Nam Bruno Angelet. |
Nhưng trên hết, nếu như có quyết tâm và thiện chí chính trị đủ lớn, tôi nghĩ việc xem xét, phê chuẩn hiệp định sẽ có những thuận lợi và về mặt kỹ thuật mà nói thì có thể kịp thời gian đầu năm 2019.
Là người theo sát Hiệp định từ những ngày đầu tiên, Đại sứ có thể chia sẻ những nỗ lực của mình trong suốt 3 năm qua?
Sau khi văn kiện của Hiệp định được đàm phán và hoàn tất vào năm 2015, tôi đã làm việc tích cực với chính phủ Việt Nam cũng như trụ sở chính của EU tại Bỉ để xác định những lĩnh vực cần có sự chuẩn bị tốt cho việc thực thi hiệp định trong tương lai.
Các lãnh đạo EU, vào năm 2015, chỉ đạo rằng hai bên cần chuẩn bị kỹ càng thông qua việc xây dựng một lộ trình định hướng. Cho đến nay, hai bên vẫn tích cực hợp tác để xây dựng lộ trình này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp rất chặt chẽ với chính phủ Việt Nam để tạo ra một môi trường thuận lợi, đảm bảo khi hiệp định được hoàn tất, ký kết có thể tạo ra không khí tích cực để nghị viện châu Âu xem xét, phê chuẩn một cách thuận lợi cho Việt Nam. Ngoài ra, sau khi các nhà đàm phán hai bên kết thúc quá trình rà soát pháp lý hiệp định, tôi cũng đã tích cực làm việc với phía châu Âu, trong giai đoạn từ tháng 6 – tháng 9 vừa qua, để chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
“Việt Nam là quốc gia tích cực, có nhiều tham vọng và đang triển khai tốt các hoạt động ngoại giao của mình. EU mong muốn được hợp tác với các quốc gia như Việt Nam với phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối tác, phù hợp với chiến lược ngoại giao của EU. EU và Việt nam có nhiều điểm tương đồng về chính sách trong hội nhập quốc tế. Chúng tôi cũng đang theo đuổi một sự tự chủ chiến lược, tránh bị phụ thuộc, xây dựng những phương tiện ngoại giao để thực hiện mục tiêu đó”. “EVFTA là một phép thử thực sự dành cho Việt Nam, đặc biệt là trước tham vọng của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Đây là FTA thế hệ mới đầu tiên chúng tôi ký với một quốc gia có mức thu nhập trung bình và có chương thứ 13 về thương mại và phát triển bền vững mà ở đó Việt Nam thể hiện nhiều cam kết tham vọng nhất. Chúng tôi đánh giá cao và ủng hộ Việt Nam. FTA này là một cách đầu tư có lợi để nâng cao hơn nữa năng lực quản trị công của Việt Nam”. |
Mặc dù còn nhiều người vẫn nghi ngờ về năng lực thực hiện FTA của Việt Nam song tôi nghĩ hãy kiên nhẫn và cho Việt Nam một cơ hội để từng bước cải thiện mình, thực hiện cam kết. Việc cam kết đồng loạt với 28 quốc gia thành viên EU với Việt Nam là một thách thức nhưng khi thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam có thể tiếp cận với một trong những thị trường lớn nhất trên thế giới.
Gần đây, trong một cuộc trò chuyện, Đại sứ Bỉ tại Việt Nam có chia sẻ rằng ông rất ấn tượng với quả thanh long của Việt Nam và mong muốn có thể xuất khẩu thanh long sang Bỉ và EU. Thực trạng trượt giá của quả thanh long đang diễn ra ở Việt Nam thực sự tạo ra một sự tiếc nuối rất lớn. Đại sứ bình luận gì về thực trạng này và tiềm năng hợp tác nông nghiệp Việt Nam - EU?
Nguyên nhân chính cho tình trạng tụt giá là mất cân bằng trong cung cầu. Ở Việt Nam các mặt hàng nông sản rất quan trọng và tôi nghĩ cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường đơn lẻ.
Thị trường Việt Nam và EU có tính bổ sung cho nhau. Nhưng tôi nghĩ rằng, Việt Nam cần quảng bá mạnh mẽ hơn nữa các mặt hàng của mình tại châu Âu, xây dựng thương hiệu tốt cũng như có được chất lượng ổn định, bền vững trong sản xuất nông sản để có thể tiếp cận thị trường khá khắt khe này.
Theo cảm nhận của chúng tôi, chất lượng nông sản của Việt Nam chưa ổn định, chưa đạt được những tiêu chuẩn mang tính quốc tế mà EU công nhận. Nhiều nông dân còn theo đuổi những phương thức sản xuất chưa đạt yêu cầu, thậm chí còn sử dụng hóa chất độc hại, phớt lờ những yêu cầu chất lượng thực phẩm của EU. Đây là thách thức lớn đối với chính phủ Việt Nam. Chúng tôi sẽ có những hỗ trợ kỹ thuật để giúp đỡ Việt Nam, nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu sang EU.