📞

Không khí ‘nóng hừng hực’ trong tuần cuối của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Kha Ninh 16:15 | 04/11/2024
Nước Mỹ đang "sục sôi" với cuộc đua nước rút trong tuần cuối chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ giữa hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump.

Trong tuần cuối bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, cuộc đua đang diễn ra rất căng thẳng khi cả hai chiến dịch vận động đều không thể chắc chắn về ai sẽ giành chiến thắng ở 7 bang có khả năng định đoạt kết quả cuối cùng. (Nguồn: Business Today)

Nhìn vào kết quả các cuộc thăm dò dư luận ở nước Mỹ trong những ngày qua, hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump bám đuổi nhau rất quyết liệt và khoảng cách giữa họ rất sít sao. Trong ảnh: Chiếc máy bay “Air Force Two” của bà Harris và chiếc "Trump Force One" của ông Donald Trump tại sân bay quốc tế Charlotte Douglas, Bắc Carolina, ngày 2/11. (Nguồn: Reuters)

Một cuộc thăm dò cho thấy bà Harris đang dẫn trước tại Iowa, bang mà ông Trump đã giành chiến thắng dễ dàng trong hai cuộc bầu cử trước đây. Điều này đã làm dấy lên khả năng về một kết quả khó lường, mặc dù cuộc thăm dò khác lại cho thấy bà đang tụt lại phía sau. Trong ảnh: Những người ủng hộ ông Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử ở Greensboro, Bắc Carolina, ngày 2/11. (Nguồn: Reuters)

Tại East Lansing, thị trấn tập trung đông đảo sinh viên và các trường đại học vốn được coi là khu vực quan trọng mà đảng Dân chủ buộc phải thắng, bà Harris sẽ phải đối mặt với sự hoài nghi từ một bộ phận trong số 200.000 người Mỹ gốc Arab ở bang này, những người cảm thấy thất vọng vì Phó Tổng thống đương nhiệm chưa làm đủ để thúc đẩy việc chấm dứt xung đột ở Gaza và giảm viện trợ cho Israel. Trong ảnh: Người ủng hộ bà Kamala Harris tại cuộc vận động tranh cử ở Atlanta, Georgia, ngày 2/11.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump ngày 1/11 đã đến thăm Dearborn, trung tâm của cộng đồng người Mỹ gốc Arab, trong đó ông đã đưa ra cam kết sẽ chấm dứt các cuộc xung đột ở Trung Đông. Trong ảnh: Ông Donald Trump gặp gỡ cử tri tại Dearborn, Michigan, thành phố có đông người Arab sinh sống nhất nước Mỹ. (Nguồn: AP)

Trong chặng đua nước rút, Phó Tổng thống Harris cố gắng thuyết phục cử tri rằng bà có thể giảm chi phí sinh hoạt - một trong những mối quan tâm hàng đầu sau nhiều năm lạm phát. Bà kêu gọi người Mỹ từ bỏ cách tiếp cận chính trị gây chia rẽ của đối thủ Trump. Trong ảnh: Bà Kamala Harris trong chiến dịch vận động tranh cử tại Detroit, Michigan, ngày 3/11. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump đã phản bác rằng bà Harris, với tư cách là Phó Tổng thống đương nhiệm, phải chịu trách nhiệm cho sự gia tăng giá cả và số lượng người nhập cư cao trong những năm qua, điều mà ông xem như một mối đe dọa đối với quốc gia. Trong ảnh: Tỷ phú Donald Trump vận động tranh cử tại Lititz, Pennsylvania, ngày 3/11. (Nguồn: Reuters)

Theo số liệu mới nhất, ít nhất 75 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm, tương đương gần một nửa số phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2020. Dù vậy, người chiến thắng có thể sẽ không được xác định ngay lập tức, khi các bang như Pennsylvania sẽ cần thời gian để kiểm phiếu bầu qua đường bưu điện. Trong ảnh: Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (phải) cùng diễn viên Maya Rudolph tham gia chương trình phát sóng trực tiếp Saturday Night Live của đài NBC News tối 2/11. Đây là hoạt động không có trong lịch trình trước đó của bà. (Nguồn: Reuters)

Mức độ tốn kém của “cuộc đua” năm nay cũng là tâm điểm chú ý của công chúng. Người Mỹ đã quen với thực tế rằng cuộc đua tổng thống của họ kéo dài gần hai năm, với chi phí lên đến hàng tỷ USD. Trong ảnh: Ông Donald Trump nhún nhảy theo nhạc tại cuộc vận động tranh cử ở Greensboro, Bắc Carolina, ngày 2/11. (Nguồn: Reuters)

Theo Open Secrets, nhóm phi đảng phái theo dõi kinh phí cho các chiến dịch tranh cử, sự kiện này có khả năng là cuộc bầu cử tốn kém nhất lịch sử, với khoảng 15,9 tỷ USD được chi cho tất cả các cuộc đua liên bang, vượt qua mức 15,1 tỷ USD vào năm 2020. Trong ảnh: Đạo diễn người Mỹ Spike Lee phát biểu trong chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris tại Atlanta, Georgia, ngày 2/11. (Nguồn: Reuters)

Ngày 5/11, nước Mỹ sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60. Cử tri ở Mỹ sẽ lựa chọn giữa cựu Tổng thống Donald Trump thuộc phe Đảng Cộng hòa và Phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris thuộc phía Đảng Dân chủ để bầu chọn ra tổng thống thứ 47.

Trong ảnh: Ông Donald Trump ký tên lên máy bay trước khi cuộc vận động tranh cử ở Gastonia, Bắc Carolina. (Nguồn: Reuters)

Cùng với cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 5/11 còn có cuộc bầu chọn lại toàn bộ 435 thành viên Hạ viện, 34 trong số 100 thành viên Thượng viện, thống đốc ở 15 bang và trưng cầu dân ý về một số nội dung cụ thể ở 7 bang. Trong ảnh: Nữ ca sĩ Cardi B tham dự cuộc vận động tranh cử của bà Kamala Harris tại Wisconsin, ở Milwaukee, Wisconsin. (Nguồn: Reuters)

Tính tới thời điểm này, công tác chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này đã hầu như hoàn tất, trong đó, đáng chú ý là việc ứng phó với rối ren hậu bầu cử gồm thông tin sai lệch, thuyết âm mưu, đe dọa và thậm chí là cả nguy cơ xảy ra bạo lực tại những bang “chiến trường” cạnh tranh nhất. Trong ảnh: Tỷ phú Donald Trump chào đón “Những cô gái Bắc Carolina” tại cuộc vận động tranh cử của ông ở Greensboro, Bắc Carolina. (Nguồn: Reuters)

Mỹ triển khai một loạt biện pháp nhằm bảo đảm tính an toàn và minh bạch của cuộc bầu cử. Các hệ thống kiểm phiếu điện tử hiện đại và bảo mật mạng đang được thử nghiệm và cập nhật liên tục. (Nguồn: Reuters)

Các cơ quan chức năng như Bộ An ninh nội địa (DHS), Cục Điều tra liên bang (FBI) và các bang đã cùng phối hợp để phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra. Trong ảnh: Bà Kamala Harris và diễn viên Maya Rudolph xuất hiện tại chương trình Saturday Night Live. (Nguồn: Reuters)

Tại các điểm bỏ phiếu, lực lượng cảnh sát và bảo vệ đã được huy động để phòng ngừa nguy cơ bạo lực, cũng như ứng phó kịp thời với các sự cố bất thường.Trong ảnh: Ông Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử ở Salem, Virginia, ngày 2/11. (Nguồn: Reuters)

Cuộc bầu cử năm nay chứng kiến cuộc bám đuổi sát nút giữa hai ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân chủ và Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa tại 7 bang chiến địa ngay trước giờ G. (Nguồn: Getty Images)

Nếu chiến thắng, bà Harris sẽ làm nên lịch sử cho nước Mỹ khi trở thành nữ Tổng thống đầu tiên và lại còn là người da màu và có nguồn gốc xuất thân nước ngoài. (Nguồn: Reuters)

Ông Trump cũng sẽ làm nên lịch sử nếu lại đắc cử tổng thống lần 2 trong ba lần liên tiếp ứng cử vị trí chủ nhân Nhà Trắng. (Nguồn: Reuters)

(tổng hợp)