📞

Không màng trừng phạt của phương Tây, Nga 'tấp nập' đưa dầu ra thế giới, EU đang tìm cách 'chặn đường'

Linh Chi 13:15 | 17/11/2023
Nga đã tìm ra cách để lách các lệnh trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là giá trần dầu mỏ để tiếp tục duy trì nguồn thu khủng từ mặt hàng này.
Dầu Nga chính thức tăng vượt giá trần từ tháng 7/2023.. (Nguồn: RT)

Sau 18 tháng diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang mờ dần đối với nền kinh tế Nga. Nước này đã tìm ra cách để lách các lệnh trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là giá trần dầu mỏ để tiếp tục duy trì nguồn thu khủng từ mặt hàng này.

Số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Nga cho thấy, doanh thu từ dầu khí của nước này đạt 1.635 tỷ Ruble trong tháng 10, tăng gấp đôi so với tháng trước và tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dầu Nga vượt giá trần

Tờ Financial Times (Anh) trích dẫn các nguồn chính thức của Liên minh châu Âu (EU) đưa tin, hầu như không có chuyến hàng dầu thô nào bằng đường biển trong tháng 10 được thực hiện dưới mức giá trần 60 USD/thùng. Số liệu thống kê chính thức của Nga cũng cho thấy, mức giá trung bình dầu của nước này bán ra thị trường là trên 80 USD/thùng trong tháng trước.

Nhà phân tích kinh tế và năng lượng Osama Rizvi tại Primary Vision Network nhận định: "Trong ba tháng qua, nhờ giá dầu tăng mạnh, lượng dầu xuất khẩu từ Nga giảm 3-5% mỗi tháng nhưng doanh thu vẫn đều đặn tăng".

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các đồng minh như Australia, Na Uy đã áp dụng mức giá trần 60 USD/thùng với dầu thô Nga từ ngày 5/12/2022.

Mục đích hạn chế khoản tài chính của Moscow dành cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Các công ty bảo hiểm và vận tải phương Tây bị cấm cung cấp dịch vụ cho dầu và các sản phẩm từ dầu Nga, trừ phi chúng được mua bằng hoặc dưới giá trần.

Tại Liên minh châu Âu (EU) cũng có lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn đối với dầu thô xuất khẩu qua đường biển của Nga.

Tuy nhiên, giá thị trường của dầu thô Urals Nga đã vượt mức trần 60 USD vào tháng 7/2023. Sau đó, giá dầu tiếp tục tăng cao, bất cấp lệnh cấm nghiêm ngặt của phương Tây.

Ông Christopher Weafer, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn kinh doanh Macro-Advisory Ltd nhận thấy, đất nước của Tổng thống Putin đã phát triển các phương pháp khiến việc giám sát hoạt động thương mại trở nên bất khả thi.

Theo truyền thống, hoạt động buôn bán dầu mỏ trên biển của Nga sẽ được xử lý bởi các công ty dầu mỏ lớn và các công ty sản xuất hàng hóa. Những doanh nghiệp này sẽ phải tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nhưng trong năm qua, Nga đã thay thế bằng những con tàu cũ hơn để xuất khẩu khối lượng lớn dầu thô sang châu Á.

Tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels cho hay, một đội "tàu chở dầu bóng tối" cũng xuất hiện trên thị trường toàn cầu. Đội tàu này bao gồm hàng trăm nhà khai thác tàu chở dầu nhỏ, chỉ sở hữu một hoặc hai tàu chở dầu. Đây thường là những con tàu cũ kỹ, gây ra nhiều rủi ro về an toàn, mang cờ của các quốc gia như Liberia hay Cameroon.

Đội tàu này thường xuyên vận chuyển hàng triệu thùng dầu và thường thiếu bảo hiểm tiêu chuẩn ngành hoặc được bảo hiểm bởi các công ty Ấn Độ, Trung Quốc hoặc Nga. Trong khi đó, 90-95% doanh nghiệp bảo hiểm tàu ​​chở dầu toàn cầu có trụ sở tại London.

Công nhân sắp xếp các thùng dầu tại một nhà máy ở Chennai, Ấn Độ. (Nguồn: AFP)

"Ai" đang mua dầu của Nga?

Dầu Nga gần như hoàn toàn hướng tới các thị trường châu Á, Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, có một lượng lớn dầu được vận chuyển tới các điểm đến chưa được tiết lộ.

Ông Weafer thông tin: "Khoảng 1,5 triệu thùng mỗi ngày rời các cảng của Nga với các điểm đến không được tiết lộ. Sau đó, những thùng dầu này có thể đến các cảng của Trung Quốc, Ấn Độ hoặc được chuyển sang một tàu chở dầu khác trên đại dương và hòa nhập vào thị trường toàn cầu".

Một số sản phẩm dầu và dầu thô của Nga cũng đã tìm đường quay trở lại châu Âu - nơi việc nhập khẩu mặt hàng này qua đường biển bị cấm (ngoại trừ một lượng nhỏ sang Bulgaria).

Ông Weafer nói rằng, khi mùa Đông đang đến gần, châu Âu sẽ phải mua dầu diesel và các sản phẩm khác từ Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Thực tế là dầu Nga đã xuất hiện khắp nơi.

Nhà kinh tế và phân tích năng lượng Osama Rizvi cũng xác nhận, dầu Nga được gửi tới châu Á sẽ quay trở lại châu Âu.

Nhà kinh tế này nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã nhập khẩu rất nhiều dầu của Nga và phần lớn trong số đó đã quay trở lại châu Âu dưới dạng các sản phẩm dầu mỏ”.

Cách để lệnh trừng phạt hiệu quả

Các nhà phân tích nhận định, việc kiểm soát một thị trường dầu mỏ phân mảnh, với đầy rẫy các công ty thương mại ít được biết đến đã trở nên rất khó khăn.

Ông Weafer khẳng định: “Thực tế là EU không thể kiểm soát thị trường này".

Nhà kinh tế Osama Rizvi cho rằng, điều thực sự khiến mức giá trần dầu Nga không hiệu quả là sự gia tăng chưa từng có trong đội "tàu chở dầu bóng tối" - vốn không được các tổ chức quốc tế theo dõi.

Theo nhà kinh tế này, cách duy nhất để các lệnh trừng phạt đạt hiệu quả là những người mua dầu Nga hiện tại đồng ý tuân theo các lệnh trừng phạt.

Ông Weafer nhấn mạnh: “Tất cả những khách hàng lớn mua dầu Nga đã nói rõ rằng, họ không có ý định tuân theo lệnh trừng phạt. Trước đó, Ấn Độ đã công khai xác nhận rằng, đất nước đã tiết kiệm được khoảng 2,7 tỷ USD nhờ nhập khẩu dầu Nga giá rẻ trong 9 tháng đầu năm 2023".

Tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể còn mờ nhạt hơn nữa vào tháng 1/2024 - khi Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) chính thức kết nạp thành viên mới. Khi đó, Nga có thêm cơ hội để bắt đầu các hiệp định thương mại song phương mới và các giải pháp tài chính, bao gồm cả lĩnh vực bảo hiểm, vận tải, hậu cần.

Về gói trừng phạt thứ 12 của EU, ông Weafer cho rằng, nên “có một dấu hỏi về mức độ sẵn sàng của chính quyền Mỹ hoặc châu Âu trong việc thực thi giới hạn giá dầu".

"Nếu khối lượng dầu của Nga bị cắt giảm do biện pháp áp trần giá dầu hiệu quả hơn, hàng triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu mỏ sẽ bị đẩy ra khỏi thị trường toàn cầu. Điều này sẽ khiến giá dầu tăng đột biến và gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu", ông Weafer nhấn mạnh.

Ngày 15/11, Uỷ ban châu Âu (EC) đã công bố các đề xuất trong gói trừng phạt thứ 12 đối với Nga. Ưu tiên hàng đầu trong gói trừng phạt mới của EC là cấm các hoạt động buôn bán xuất nhập khẩu kim cương của Nga với châu Âu.

Theo đó, EU sẽ cấm tất cả các loại kim cương tự nhiên, tổng hợp hay được sử dụng làm đồ trang sức có nguồn gốc Nga từ đầu năm 2024. Đối với kim cương thô của Nga được gia công tại các quốc gia khác thì lệnh cấm sẽ được áp dụng từ tháng 9/2024.

(theo Euro News)