Nhiều chuyên gia kinh tế cũng thừa nhận rằng, FDI vào Việt Nam chủ yếu đến từ các nước Đông Bắc Á. (Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp) |
Khi châu Âu, Mỹ chưa thể là nhà đầu tư số 1
Đoàn doanh nghiệp gồm hơn 50 tên tuổi hàng đầu của Mỹ vừa tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư một lần nữa cho thấy tiềm năng và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Ông Ted Osius, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho biết, USABC “chưa bao giờ bận rộn thế”, bởi rất nhiều công ty quan tâm đến Việt Nam.
Thậm chí, ông Ted Osius chia sẻ, gần đây, ông đã có những cuộc trò chuyện mà trước đây “không thể tưởng tượng được”. Lý do là vì, đại diện các nước ASEAN khác nói rằng, họ phải nhanh lên, vì phải cạnh tranh với Việt Nam.
“Vài thập kỷ trước, họ không nói vậy, nhưng giờ đây, họ đang nhìn vào Việt Nam như một điểm đến cho sự phát triển và cơ hội”, ông Ted Osius nói.
Những câu chuyện này là có thật. Song còn có một câu chuyện khác, được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc tới. Đó là 30 năm trước, ông đã nghe nói về việc Mỹ sẽ là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam. Thế nhưng, cho đến bây giờ, Mỹ vẫn đang xếp thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 13 tỷ USD.
Tin liên quan |
FDI - Lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam |
Bởi thế, dù đánh giá cao đến mấy và quyết tâm đến mấy, thì Mỹ cũng chưa thể sớm “san bằng” khoảng cách với các đối tác đầu tư lớn khác của Việt Nam là Hàn Quốc (trên 81 tỷ USD), Singapore (72 tỷ USD), hay Nhật Bản (69 tỷ USD)… để vươn lên top đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam.
Các nhà đầu tư châu Âu cũng vậy, cho dù trong Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị và trong Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam đặt mục tiêu tăng tốc thu hút đầu tư của Mỹ và châu Âu.
Trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam, ngoại trừ Hà Lan bứt tốc khá nhanh 2 năm trở lại đây và British Virgin Islands (thuộc Anh) thì 8 đối tác còn lại đều thuộc khu vực châu Á.
Đánh giá về các đối tác đầu tư của Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cũng thừa nhận rằng, FDI vào Việt Nam chủ yếu đến từ các nước Đông Bắc Á và gần đây là Trung Quốc. Trong khi đó, chỉ có một số ít nhà đầu tư của Mỹ và châu Âu.
Trong một bài viết được công bố cách đây ít ngày, ông Joonsuk Park, Giám đốc Khối Kinh doanh quốc tế, Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp (HSBC Việt Nam) thậm chí còn dùng cụm từ “tiếp lửa” để nói về vai trò của dòng FDI nội khối châu Á đối với Việt Nam.
“Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam là điện thoại di động, hàng điện tử, máy móc nói chung, hàng may mặc, giày dép, sản phẩm gỗ… và đối với tất cả các lĩnh vực này, các công ty đa quốc gia châu Á, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Thái Lan và Singapore đóng vai trò không thể thiếu”, ông Joonsuk Park bày tỏ quan điểm.
Ông cho rằng, việc thu hút các doanh nghiệp đa quốc gia trong nội khối châu Á cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam không chỉ nâng tầm giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu, mà đồng thời có lợi cho việc mở rộng cả chiều sâu và chiều rộng của thị trường tiêu thụ nội địa.
Cơ hội lớn từ nội khối
Dù FDI từ Mỹ và châu Âu luôn là đích ngắm của Việt Nam, nhưng có lẽ, trước mắt, đặc biệt là trong giai đoạn FDI toàn cầu đang suy giảm do ảnh hưởng của Covid-19 và xung đột địa - chính trị toàn cầu, thì Việt Nam vẫn phải “trông” vào FDI nội khối châu Á.
Chính ông Joonsuk Park cũng đã nói rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút trở lại dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam có tầm quan trọng thiết yếu đối với cả tăng trưởng xuất khẩu và thị trường tiêu thụ nội địa.
“Trong bối cảnh đó, không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của dòng vốn từ nội khối châu Á. Các nhà đầu tư trong khu vực châu Á có hiểu biết sâu sắc về thị trường Việt Nam từ cả góc độ văn hóa và cách thức kinh doanh. Sự thuận lợi về khoảng cách địa lý cũng giúp những người quyết định việc đầu tư tại các trụ sở chính của doanh nghiệp dễ dàng di chuyển đến thị trường”, ông Joonsuk Park nói.
Tin liên quan |
Dấu ấn M&A của nhà đầu tư Hàn Quốc |
Cũng theo chuyên gia này, các nhà đầu tư hàng đầu trong khu vực châu Á vẫn đang tiếp tục duy trì sự tập trung vào Việt Nam. “Bước sang năm 2023, chúng tôi đã chứng kiến một số công ty đa quốc gia toàn cầu ở châu Á thể hiện quan tâm đến Việt Nam, tham gia nhiều lĩnh vực, bao gồm bán lẻ, chất bán dẫn, điện tử, linh kiện di động, nhựa, năng lượng tái tạo, logistics… Họ đang tìm cách mở rộng hoặc đầu tư mới vào đây”, ông Joonsuk Park cho hay.
Thực tế là, trong những năm gần đây, các nhà đầu tư châu Á đã liên tục dốc vốn vào Việt Nam. Mặc dù các khoản đầu tư mới và đầu tư mở rộng của Intel (Mỹ), Lego (Đan Mạch), De Heus (Hà Lan)… là rất đáng kể và đáng ghi nhận, song chính sự tăng tốc của Samsung, LG, rồi Foxconn, Pegatron, Goertek… mới đóng vai trò quan trọng nhất trong thúc đẩy kinh tế và các ngành sản xuất của Việt Nam phát triển.
Trong cuộc làm việc mới đây với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Foxconn cho biết, Tập đoàn sẽ tiếp tục dốc thêm vốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Và chắc chắn, không chỉ là Foxconn, các khẳng định của Apple thời gian gần đây cũng cho thấy, họ sẽ dịch chuyển sản xuất nhiều sản phẩm tới Việt Nam.
Có lẽ, đó là lý do mà mới đây, Compal quyết định đầu tư 260 triệu USD vào Thái Bình. Trong khi đó, Tập đoàn Goertek, sau khi đầu tư 2 dự án ở Bắc Ninh, với tổng vốn đăng ký 625 triệu USD, đã quyết định thuê 62,7 ha đất tại Khu công nghiệp (KCN) Nam Sơn - Hạp Lĩnh để đầu tư thêm 1 dự án mới. Cả Foxconn, Compal và Goertek đều là đối tác sản xuất của Apple.
Trong khi đó, Tập đoàn Sunny (Hong Kong) hồi đầu tháng 3/2023 cũng đã ký biên bản ghi nhớ về việc triển khai đầu tư Dự án Trung tâm Công nghiệp Sunny Group tại KCN Yên Bình (Thái Nguyên). Dự án có vốn đầu tư khoảng 2 - 2,5 tỷ USD, doanh thu dự kiến 5 tỷ USD/năm, thu hút 15.000 lao động thường xuyên.
Mới đây, một đoàn gồm 27 doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) cũng vừa tới Bà Rịa - Vũng Tàu để tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới. Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông Michael Lu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghệ Tripod cho biết, các doanh nghiệp Trung Quốc và Đài Loan dự kiến đầu tư các nhà máy sản xuất bo mạch điện tử tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của thị trường…
Rõ ràng, cơ hội thu hút đầu tư nội khối là rất lớn. Tuy nhiên, một điều cũng cần lưu ý, đây vừa là đối tác, đồng thời cũng là đối thủ của Việt Nam trong cạnh tranh thu hút FDI. Làm sao để thắng trong cuộc đua này là bài toán mà Việt Nam buộc phải giải thành công!
| Việt Nam ‘đẹp hơn’ trong mắt nhà đầu tư Sức hút của Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn đã được khẳng định suốt thời gian qua, tuy nhiên để “đẹp ... |
| Vốn FDI đăng ký mới 'ào ào chảy' vào Việt Nam Trong tổng 3,1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, vốn đăng ký mới ... |
| Ứng phó với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, đâu là cánh cửa cho Việt Nam? Để ứng phó với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, đề xuất áp dụng các ưu đãi đầu tư bổ sung, bao gồm cả ... |
| Lộ diện những 'đối thủ đáng gờm' của Việt Nam trên chặng đua FDI Không chỉ phải cạnh tranh thu hút FDI với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…, giờ đây, Việt Nam còn ... |
| 2023 sẽ là năm sôi động trong thu hút FDI Đi xa để trở về là điều chẳng hẹn… nhưng dường như đã được định trước trong tâm hồn mỗi người con đất Việt. |