Ảnh minh họa. |
Thắng lớn ở “chợ toàn cầu”
Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022 ghi nhận nhiều điểm sáng nổi bật, với những con số ấn tượng. Số liệu của Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, trong 11 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt cả năm ngoái. Xuất siêu đạt hơn 10 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 0,6 tỷ USD.
Theo thông tin của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), đến ngày 15/12, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2022 đã đạt hơn 700 tỷ USD, tăng trên 15% so với năm ngoái. Con số này xác lập một cột mốc mới sau kết quả của năm 2021 (668,5 tỷ USD).
Năm 2022, Việt Nam được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) xếp hạng thứ 23 toàn cầu về xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 20 về nhập khẩu hàng hóa. Trong ASEAN, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đứng vị trí thứ hai, chỉ sau Singapore. Với kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 700 tỷ USD trong năm nay, thứ hạng của Việt Nam dự báo sẽ được nâng cao hơn trên phạm vi toàn cầu.
Song song với đó, những ngày cuối năm 2022, nhiều tín hiệu tích cực đến từ nông sản Việt. Nhiều nhóm hàng chủ lực nông sản đã hoàn thành mục tiêu xuất khẩu, thậm chí thiết lập kỷ lục mới.
Các chuyến bưởi, sầu riêng, gạo, cá, tôm... vẫn nối đuôi nhau lên đường sang các thị trường, thậm chí cả các thị trường “khó tính” những ngày cuối năm. Xuất khẩu nông sản 11 tháng đã chạm mốc 49 tỷ USD.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) nhận định, 2022 là “năm thắng lợi nhất” của ngành hàng rau quả ở “chợ toàn cầu”. Có được kết quả này là nhờ chanh leo, sầu riêng, chuối, khoai lang mở cửa được thị trường Trung Quốc; quả bưởi lấy được “visa” vào thị trường Mỹ; New Zealand cũng chấp thuận nhập khẩu quả bưởi và chanh của Việt Nam...
Ở ngành hàng gạo, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) Nguyễn Như Cường cũng vui mừng báo tin, sản lượng gạo xuất khẩu năm nay đạt kỷ lục 7 triệu tấn. Đáng chú ý, gạo Việt dần có hình hài tại thị trường khó tính, khi lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng gạo ST25 đến từ Việt Nam trở thành “bữa trưa đặc biệt” tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. Trong khi, ở trời Âu, thương hiệu “Cơm Việt Nam” được bày bán trên kệ 4.000 siêu thị ở Pháp.
Đặc biệt, lần đầu tiên, xuất khẩu thuỷ sản đạt 10 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021. Đây được xem là mốc kỷ lục lịch sử của ngành thủy sản Việt Nam, sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.
Bốn động lực chính
Chia sẻ với TG&VN về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam Andrea Coppola nhận định, Việt Nam có kết quả kinh tế vĩ mô tốt và dự báo, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ ở mức 7,2%. Đây là kết quả đáng chú ý, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang lộ diện ở các quốc gia khác trên thế giới.
Theo ông Andrea Coppola, Việt Nam có bốn động lực chính giúp Việt Nam đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng nói trên.
Thứ nhất, động lực xuất khẩu. Trong quá khứ, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam rất mạnh. Lĩnh vực này cũng đang cho thấy khả năng phục hồi ngay cả trong thời gian khủng hoảng do dịch Covid-19. Xuất khẩu sản phẩm chế biến chế tạo của đất nước là động lực chính của tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Chuyên gia kinh tế trưởng WB nhận định: “Dù tăng trưởng xuất khẩu có thể sẽ chậm lại do nhu cầu toàn cầu đang suy yếu nhưng lĩnh vực này sẽ tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới”.
Thứ hai, nhu cầu trong nước. Tiêu dùng trong nước và doanh số bán lẻ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2022. Điều này thể hiện qua sự phục hồi mạnh mẽ của doanh số bán lẻ, tăng 17%/năm vào tháng 10/2022, tăng mạnh so với mức 0,4%/năm vào tháng 1/2022. Lạm phát gia tăng có ảnh hưởng phần nào đến nhu cầu trong nước, dù vậy, tiêu dùng trong nước và doanh số bán lẻ vẫn sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng năm 2023.
Thứ ba, đầu tư tư nhân. Không thể phủ nhận, đầu tư tư nhân là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế. Trong 11 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Thứ tư, hiệu ứng xuất phát điểm thấp. Thực tế là đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam trong năm 2021, đặc biệt là trong quý III/2022. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm nay một phần cũng là kết quả của hiệu ứng xuất phát điểm thấp.
“Triển vọng của kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực trong trung, dài hạn và sự tìm đến của dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI là một lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam”. (Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries) |
Đối đầu với những “cơn gió ngược”
Dù vậy, ông Andrea Coppola cũng nhận thấy, kinh tế thế giới đang ở thời điểm đầy thách thức. Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thất lâu dài và sự kết hợp của nhiều cú sốc liên quan đang kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống.
Ngoài ra, có ba lực cản mạnh đã và đang tác động đến kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và có thể tác động tiêu cực trong năm 2023. Đó là áp lực lạm phát dai dẳng, điều kiện tài chính xấu đi, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác.
Trước bối cảnh đó, chuyên gia kinh tế trưởng WB cho rằng, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những “cơn gió ngược” mạnh ở cả bên ngoài và bên trong vào năm tới.
Ông Andrea Coppola nhấn mạnh: “Rủi ro bên ngoài bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu dai dẳng, tiếp tục thắt chặt tiền tệ, sự gián đoạn liên tục trong chuỗi giá trị toàn cầu và suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam. Trong nước, lạm phát cao hơn và sự không chắc chắn liên quan đến rủi ro cao trong lĩnh vực tài chính có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng”.
Đồng quan điểm, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề “Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023” diễn ra hồi tháng 12/2022, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries lưu ý rằng, những “cơn gió ngược” đang xuất hiện, bao gồm việc thắt chặt tiền tệ, nhu cầu toàn cầu suy yếu với hàng xuất khẩu của Việt Nam và những bất thường trên thị trường trái phiếu.
Những “cơn gió ngược” này khiến chuyên gia ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 từ mức 6,7% xuống 6,3%.
Giám đốc quốc gia ADB cho hay, với bối cảnh kể trên, các phản ứng chính sách của Việt Nam “cần hướng tới sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự vận hành của hệ thống tài chính. Đồng thời, Việt Nam nên cảnh giác lạm phát trong năm 2023”.
Song, ông Andrew Jeffries cũng tin tưởng rằng: “Với nền tảng kinh tế lành mạnh và khả năng lãnh đạo, Việt Nam có thể đối đầu những ‘cơn gió ngược’ trong năm 2023. Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực trong trung, dài hạn và sự tìm đến của dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI là một lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam”.
| Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được nâng xếp hạng tín nhiệm Ngày 6/9, Bộ Tài chính cho biết, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài ... |
| Doanh nghiệp FDI phải đến Việt Nam vì đây là một đất nước của khởi nghiệp, sáng tạo Đó là khẳng định của nguyên Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tại chương trình “Cà phê doanh nhân” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. ... |
| Dòng vốn FDI của Trung Quốc đang ‘đổ bộ’ vào Việt Nam Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương duy trì tốc ... |
| Phát triển xanh là trách nhiệm và cơ hội của Việt Nam Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ ... |
| Việt Nam hút gần 27,72 tỷ USD vốn FDI trong năm 2022 Đây là con số ước tính đến ngày 20/12/2022. Trong khi vốn đăng ký giảm, thì vốn giải ngân tăng mạnh, đạt gần 22,4 tỷ ... |