Nhỏ Bình thường Lớn

Phát triển xanh là trách nhiệm và cơ hội của Việt Nam

Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội...
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm tại Diễn đàn GEFE 2022,  TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm tại Diễn đàn GEFE 2022, TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) từ ngày 28-30/11 đã hoàn thành mục tiêu thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam thông qua đối thoại, phối hợp đầu tư, chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ.

Vừa là yêu cầu khách quan, vừa là cơ hội

Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu tác động rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.

Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, khi nước biển dâng cao 1m, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh là yêu cầu khách quan đối với Việt Nam.

Đáng chú ý, trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đang thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh hay “phục hồi xanh”. Việt Nam cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy phát triển sau nhiều quốc gia trên thế giới, song Việt Nam đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp thích ứng, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường. Việt Nam là một trong những nước đang phát triển tiên phong đưa nghĩa vụ thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết vào hệ thống pháp luật để toàn dân thực hiện...

Trước cộng đồng quốc tế, tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26, Việt Nam khẳng định trách nhiệm chung tay giải quyết khủng hoảng khí hậu và cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, không hy sinh môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Tại Diễn đàn GEFE 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhắc lại quyết tâm, Việt Nam cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" (net zero) vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu.

Đây là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng cũng là sống còn. Để thực hiện, Việt Nam chắc chắn gặp nhiều khó khăn vì xuất phát điểm thấp, hơn thế, lại đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nên nhu cầu tài nguyên, năng lượng rất cao.

Tuy nhiên, như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phân tích, mục tiêu này sẽ mang lại cho Việt Nam những lợi ích kép từ cơ hội tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính xanh, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đưa đất nước theo con đường xanh, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045; đồng thời mang lại lợi ích trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Mục tiêu net zero và chuyển đổi năng lượng đã và đang hình thành nên “luật chơi mới” về thương mại và đầu tư. Chẳng hạn như tới đây, các thị trường nhập khẩu quan trọng áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có “dấu chân carbon” lớn hay các định chế tài chính và tổ chức tín dụng quốc tế sẽ ngừng tài trợ tài chính cho các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nếu đi ngược dòng chảy này, sẽ khó khăn trong tiếp cận tài chính; các hàng rào kỹ thuật mới sẽ dẫn đến các sản phẩm xuất khẩu gặp khó khăn; sức cạnh tranh của nền kinh tế suy giảm mạnh…

Tất cả các bên cùng thắng

Trên thực tế, xu hướng phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam mới chỉ ở xuất phát điểm. Tuy nhiên, với lợi thế đi sau, cùng với việc tăng cường hợp tác quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển một nền kinh tế xanh toàn diện, hướng tới sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Đúng như mục tiêu chính của sự kiện GEFE 2022, Diễn đàn đã thực sự trở thành cơ hội tốt để Việt Nam tăng cường tiếp xúc với các đối tác EU. Thông qua các cuộc đối thoại thực chất, toàn diện, phối hợp đầu tư, chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ Chính phủ các bên và doanh nghiệp có thể cùng nhau tìm ra những giải pháp để tăng trưởng bền vững.

Như Chủ tịch EuroCham Alain Cany chia sẻ, mục tiêu chính của GEFE 2022 là hỗ trợ Việt Nam đáp ứng các cam kết tại COP26 và hoàn thành các mục tiêu phát triển được nêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rõ: “Chúng tôi hiểu rõ rằng, trên hành trình đi đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Việt Nam không thể đi một mình. Việt Nam đánh giá cao vai trò đi đầu của EU trong nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế xanh vì một tương lai bền vững. Việt Nam tin tưởng quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU sẽ được tiếp tục củng cố hơn nữa trong thời gian tới, với nhiều dư địa trong các lĩnh vực “xanh”, “số” và “đổi mới sáng tạo”.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì lợi ích phát triển con người, tình hữu nghị Việt Nam - EU, trên tinh thần tất cả các bên cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

“Việt Nam cần thêm sự hỗ trợ từ EU về công nghệ tiên tiến, nguồn vốn xanh và rẻ, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn vốn. Bởi các nỗ lực cuối cùng là để người dân có thể tiếp cận các dịch vụ, sản phẩm với giá thành phù hợp nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về phía EU, ông Virginijus Sinkevičius - Ủy viên EU về Môi trường, đại dương và ngư nghiệp chia sẻ, điều thuận lợi trong triển vọng hợp tác là Việt Nam và EU đều có kế hoạch tham vọng về một nền kinh tế xanh đến năm 2030, tiến tới các cam kết giảm phát thải carbon, điện hóa ngành giao thông vận tải, bảo vệ sự đa dạng hệ sinh thái... Không dừng lại đó, hai bên còn có thể hợp tác ở lĩnh vực logistics, những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ, trang thiết bị máy móc, điện thoại…

Phát triển đô thị là nhiệm vụ chung của tất cả các cấp, các ngành

Phát triển đô thị là nhiệm vụ chung của tất cả các cấp, các ngành

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để phát huy ...

Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển kinh tế xanh

Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển kinh tế xanh

Sáng 28/11, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh (GEFE) ...

Việt Nam đang thúc đẩy phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn

Việt Nam đang thúc đẩy phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam đang thúc đẩy phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy quá trình ...

Việt Nam là điểm đến hứa hẹn cho các khoản đầu tư và nguồn tài chính xanh và bền vững

Việt Nam là điểm đến hứa hẹn cho các khoản đầu tư và nguồn tài chính xanh và bền vững

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng Việt Nam là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố của một điểm đến hứa ...

Phụ nữ Việt Nam-Lào-Campuchia hợp tác vì phát triển xanh và bền vững

Phụ nữ Việt Nam-Lào-Campuchia hợp tác vì phát triển xanh và bền vững

Ngày 28/9, Diễn đàn 'Phụ nữ Việt Nam-Lào-Campuchia hội nhập, hợp tác vì phát triển xanh và bền vững trong một thế giới có Covid-19' ...