📞

Không riêng Việt Nam, Uruguay cũng vững vàng vượt qua thách thức Covid-19

Lê Ngọc 12:07 | 09/01/2021
TGVN. Bất chấp tình trạng Covid-19 vẫn diễn biến khá nghiêm trọng ở khu vực Mỹ Latinh, Uruguay là một trong số ít quốc gia chứng tỏ được "sức bền" trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nền kinh tế khi đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ. Bí quyết của Uruguay chính xây dựng nền kinh tế bền vững và định hướng phát triển con người.
Đạt được thành tựu trong nhiều lĩnh vực, Uruguay còn được mệnh danh là "Thụy Sỹ ở Mỹ Latinh". (Nguồn: Modern Diplomacy)

"Thụy Sỹ ở Mỹ Latinh"

Giảm nghèo và bất bình đẳng, phát triển nguồn nhân lực, tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế ngay cả trong những điều kiện bất lợi của khu vực và toàn cầu - đó là những thành tựu mà Uruguay đã đạt được và khiến thế giới ngạc nhiên.

Quốc gia này đã đạt được những thành công kinh tế ấn tượng trong thập kỷ qua, bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những khác biệt kinh tế mà các đối tác thương mại chính như Brazil hay Argentina đang phải đối mặt.

Trong nhiều thập kỷ, Uruguay đã có mức sống cao hơn các nước Mỹ Latinh khác với một hệ thống giáo dục và an sinh xã hội tiên tiến.

Uruquay cũng là quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên thiết lập hệ thống phúc lợi, mà ở đó phúc lợi của người dân được đảm bảo thông qua việc đánh thuế cao đối với các doanh nghiệp.

Dù chịu ảnh hưởng ít nhiều của các chế độ quân phiệt trong 15 năm cuối thế kỷ trước (từ đầu những năm 70 cho đến năm 1985), Uruguay vẫn phát triển các truyền thống dân chủ khiến quốc gia này còn được mệnh danh là “Thụy Sỹ ở Mỹ Latinh”.

Một trong những thành tựu của Uruguay trong phát triển nguồn nhân lực là giảm bất bình đẳng giới. Tỷ lệ phụ nữ có việc làm ở Uruguay vượt qua 5% so với mặt bằng mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra và cao hơn 10% so với mức trung bình của Mỹ Latinh.

Mặc dù vẫn còn tình trạng bất bình đẳng giới (trong đó có khác biệt về tiền lương), nhưng nhiều chỉ số phát triển của Uruguay vẫn cao hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Điểm sáng về phát triển

Trong thập kỷ qua, Uruguay đã tập trung vào công tác giảm nghèo, phát triển giáo dục và chăm sóc sức khỏe và coi đây là những mục tiêu chính trong chính sách cải cách kinh tế của quốc gia.

Tổng chi phí phúc lợi xã hội của Uruquay đã tăng từ 20% GDP năm 2005 lên 25% GDP năm 2012.

Để tăng mức chi trả xã hội, chính phủ Uruguay đã xây dựng một hệ thống thuế tiến bộ hơn (người giàu hơn phải trả thuế cao hơn).

Trong lĩnh vực y tế, gần như toàn bộ dân số cả nước được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Số người được hưởng các chương trình bảo hiểm y tế do Nhà nước chi trả tăng gần gấp 3 lần.

Về giáo dục, Chính phủ Uruguay đã thiết kế và triển khai các chương trình nhằm tăng khả năng tiếp cận của thanh niên với trường học và đổi mới giáo dục đại học. Chương trình tặng máy tính cho mọi học sinh tiểu học cũng được thiết lập.

Khi thực hiện cải cách giáo dục, bên cạnh việc đưa vào các hệ thống thông tin mới, Chính phủ cũng thành lập một cơ quan kiểm toán để nâng cao hiệu quả của hệ thống giáo dục và giảm tình trạng nham nhũng, tiêu cực.

Kết quả là trong vòng một thập kỷ qua, tỷ lệ người nghèo của Uruguay đã giảm gần 40% - từ 31,3% dân số năm 2003 xuống còn 19% vào năm 2009. Số hộ nghèo cùng cực đã giảm từ 3% xuống còn 1,3%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP hàng năm đạt 6,6% trong giai đoạn 2004-2008. Việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và cải thiện chính sách về ngân sách cho phép Uruguay giảm tổng nợ quốc gia từ 79,3% GDP năm 2005 xuống còn 60% năm 2009.

Truyền thống dân chủ và mức độ chênh lệch thu nhập thấp hơn so với hầu hết các nước Mỹ Latinh là một trong những lợi thế của Uruguay.

Phương châm "tăng trưởng kinh tế bao trùm" (tăng trưởng kinh tế nâng cao mức sống của đa số dân số) cũng là chủ trương chính của Uruguay trong nhiều thập kỷ.

Thành công từ sự phát triển lấy con người làm trọng tâm, hệ thống kinh tế của Uruguay đã vững vàng vượt qua những thách thức từ đại dịch.

Trong năm 2020, số ca nhiễm và tử vong ở quốc gia này thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước Nam Mỹ trong khu vực.

(theo Modern Diplomacy)