Thác K50 là một trong những thác nước đẹp nhất Tây Nguyên. (Nguồn: Du lịch Việt Nam) |
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, với tổng diện tích 413.511,67 ha, gồm 3 phân khu chức năng (vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp). Vùng lõi gồm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
Vùng lõi khu dự trữ sinh quyển là khu rừng còn tương đối nguyên vẹn với hệ sinh thái đặc trưng là rừng kín nhiệt đới thường xanh cây lá rộng, rừng kín nhiệt đới thường xanh cây lá kim, rừng thưa thường xanh cây lá rộng, rừng thưa thường xanh lá kim, thảm cây bụi, trảng cỏ.
Thiên nhiên ưu đãi
Nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao, 91 loài thực vật bậc thấp; 87 loài thú, 326 loài chim, 77 loài bò sát cùng nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt ở đây còn có một số loài đặc hữu mới phát hiện như chim khướu Kon Ka Kinh, voọc chà vá chân xám...
Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cũng đã xác định 863 loài thực vật, trong đó có 22 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 7 loài trong Sách đỏ thế giới. Về động vật hoang dã có xương sống, nơi đây ghi nhận được 380 loài; trong đó, 80 loài thú, 228 loài chim, 38 loài bò sát, 34 loài lưỡng cư. Hiện có 64 loài động vật hoang dã có xương sống nằm trong danh mục các loài cần được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế.
Không chỉ đa dạng các hệ động, thực vật, sinh thái, Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng còn chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây; hội tụ tính đa dạng sinh học của khu vực dãy Trường Sơn, lưu trữ các giá trị văn hóa, tiến hóa lâu đời, có giá trị bảo tồn, hỗ trợ sinh kế và phát triển.
Khu dự trữ sinh quyển có đóng góp rất quan trọng trong bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái, các loài và nguồn gen di truyền của Gia Lai thông qua nhiều chương trình bảo tồn nguyên vị đa dạng sinh học ở hai vùng lõi. Đồng thời, hành lang liên kết giữa hai vùng lõi sẽ mở rộng phạm vi bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên và các giá trị đa dạng sinh học chứa đựng bên trong.
Ở quy mô vùng, Khu dự trữ sinh quyển sẽ tạo nên hành lang đa dạng sinh học duy trì sự toàn vẹn và tổng thể các hệ sinh thái nhiệt đới còn lại của vùng Tây Nguyên nói riêng và của quốc gia nói chung. Khu dự trữ sinh quyển này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của khu vực Tây Nguyên và cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học bền vững
Tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra từ ngày 13-17/9/2021 tại Abuja, Nigeria, hai khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng và Núi Chúa của Việt Nam đã được tổ chức Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Như vậy, hiện số lượng các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam đã lên đến 11, trở thành quốc gia có số lượng Khu dự trữ sinh quyển đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia (19 khu). Ở Tây Nguyên, Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (2021) đứng thứ 2 sau Khu dự trữ sinh quyển Langbiang (2015).
Sự kiện khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam Kon Hà Nừng được ghi danh vào mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển thế giới mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt, thể hiện sự ghi nhận của quốc tế đối với sự phát triển đa dạng, độc đáo về giá trị tự nhiên, sinh học, động thực vật, giá trị văn hóa của cộng đồng ở khu dự trữ sinh quyển quốc gia này cũng như những nỗ lực của địa phương và người dân trong bảo tồn đa dạng sinh học bền vững.
Điều này cũng tạo điều kiện quan trọng giúp tỉnh Gia Lai bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái ở khu vực này, tạo tiền đề để xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, đồng thời thúc đẩy công tác quảng bá hình ảnh, con người, thiên nhiên và văn hóa của địa phương đến cộng đồng quốc tế.
Theo bà Lê Thị Hồng Vân, Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, việc được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng tạo nhiều cơ hội để nước ta được tiếp cận, áp dụng các sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững kinh tế xã hội, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu...; đồng thời góp phần mở rộng mạng lưới khu dự trữ sinh quyển thế giới, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thiên nhiên và văn hóa đất nước.
Các nhà chuyên môn tin rằng cao nguyên Kon Hà Nừng trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước tìm đến nghiên cứu, khám phá, phục vụ cho công tác giáo dục bảo tồn; sẽ có nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, nâng cao đời sống người dân.
Thông qua danh tiếng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, người dân trong khu vực sẽ bán được sản phẩm với giá trị cao hơn khi được gắn với các nhãn sinh thái; chuyển sang làm ngành nghề cho thu nhập tốt hơn như kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa bản địa, cộng đồng...chế tác hàng thủ công mỹ nghệ; phát triển các dịch vụ khác.
Ông Kpah Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết tỉnh cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của UNESCO, nhằm bảo đảm các tiêu chí và chức năng của một khu dự trữ sinh quyển, biến Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng thành mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ thành lập Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Đây là cơ quan thường trực, tham mưu giúp UBND tỉnh Gia Lai trong chỉ đạo, vận hành Khu dự trữ sinh quyển thế giới này tuân theo các quy định của Việt Nam và UNESCO.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới (Biosphere Reserves) là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động - thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Đó là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận. Theo quy định khu dự trữ sinh quyển thế giới cần phải đạt được 7 tiêu chí và bắt buộc phải hoàn thành ba chức năng cơ bản: Một là, bảo tồn tự nhiên, tức đóng góp cho việc bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học về nguồn gen và các loài. Hai là, chức năng phát triển, tức giúp ích cho đời sống con người về kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo phát triển bền vững. Ba là, chức năng hậu cần, tức cung cấp, hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu, kiểm tra, giáo dục và trao đổi thông tin liên quan tới các vấn đề địa phương, quốc gia và toàn cầu về bảo tồn, phát triển. |