Một nhà phân phối của P&G hồi những năm 1870 |
Đó là nội dung bài báo mới đây đăng trên tờ New York Times của tác giả Tyler Cowen, giáo sư kinh tế thuộc Đại học George Mason, bang Virginia, Mỹ.
Đầu tiên, bài báo đề cập tới chủ đề giải trí trong thời gian suy thoái kinh tế. GS. Cowen đã chỉ ra rằng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, khi khó tìm việc hơn hoặc thu nhập đi xuống, người ta thường dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc bản thân và những thú vui ít tốn kém hơn.
Chẳng hạn, trong thời kỳ Đại khủng hoảng 1930, người Mỹ thích nghe radio, chơi các trò chơi trong nhà, thay vì ra ngoài chơi bời vào buổi tối. Xu hướng ở nhà này kéo dài cho tới ít nhất thập niên 1950.
Trong lần suy thoái hiện nay, không thể loại trừ khả năng người ta trở lại với những hoạt động giải trí tiết kiệm. Tuy nhiên, những hoạt động này sẽ xuất hiện dưới dạng khác, có thể hiện đại hơn, bao gồm lướt web để sử dụng những nội dung miễn phí, đi bộ hít thở không khí… thay vì nướng tiền vào những kỳ nghỉ tốn kém và đi xem những trận đấu của các môn thể thao hạng sang.
Trong suy thoái nói chung, người nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng trong lần khủng hoảng hiện nay, người giàu ở Mỹ là những người mất nhiều nhất, đặc biệt là những người nắm giữ nhiều tài sản là địa ốc và cổ phiếu.
GS. Cowen đã trích dẫn một tài liệu của hai giáo sư tài chính Jonathan Parker và Annette Vissing-Jorgenson của Đại học Northwestern của Mỹ cho biết, thu nhập của những người thu nhập cao tại Mỹ trong lần suy thoái này giảm mạnh hơn những lần suy thoái trước, nhất là trong ngành tài chính. Do đó, những dịch vụ dành cho người giàu cũng có khả năng lao dốc theo. Chẳng hạn, người ta sẽ ít lui tới những nhà hàng sang trọng hơn, và thay vào đó, vào đọc sách trong những thư viện công cộng.
Do tính chất nghiêm trọng của lần suy thoái này, những xu hướng trên sẽ trở nên đậm nét hơn bao giờ hết.
Suy thoái và khủng hoảng thường được xem là có ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe tinh thần của con người. Tuy nhiên, theo GS. Cowen, có một thực tế ít người biết tới là ở Mỹ và một số nước giàu có khác, sức khỏe tinh thần của con người nhìn chung lại có vẻ như được cải thiện trong thời gian có suy thoái. Khi khó khăn kinh tế xảy ra, tiền đúng là một vấn đề lớn, nhưng những áp lực nặng nề trong công việc lại giảm đáng kể.
Mặt khác, do ít phải đi lại bằng xe hơi hơn, nguy cơ xảy ra tai nạn cũng giảm xuống. Ngoài ra, việc sử dụng đồ uống có cồn và thuốc lá cũng giảm đáng kể. Chưa hết, con người còn có thêm thời gian để tập thể dục và ngủ, đồng thời tự nấu ăn tại nhà thay vì ăn đồ ăn nhanh…
GS. Cowen tiếp tục trích dẫn một tài liệu mang tên “Sống khỏe trong thời khó” (Living Healthy in Hard Times) xuất bản năm 2003 của nhà kinh tế học Christopher Ruhm thuộc Đại học Bắc Carolina, Mỹ, cho thấy, tỷ lệ tử giảm ở những thời kỳ tỷ lệ thất nghiệp tăng. Riêng tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp cứ tăng 1% thì tỷ lệ tử lại giảm bình quân 0,5%.
Một cuốn sách khác được GS. Cowen trích dẫn là cuốn “Bí ấn của Đại khủng hoảng” (The Myth of the Great Depression) của tác giả David Potts xuất bản năm 2006. Viết về lịch sử xã hội Australia ở thời kỳ khủng hoảng thập niên 1930, cuốn sách này cho biết, tỷ lệ tự tử ở Australia tăng mạnh vào năm 1930, nhưng sức khỏe nói chung của người dân được cải thiện và tỷ lệ tử giảm đáng kể. Sau năm 1930, tỷ lệ tự tử ở nước này cũng giảm xuống.
Không ai có thể cho rằng, suy thoái là những thời kỳ hạnh phúc trong đời người, nhưng một số tài liệu mà GS. Cowen đề cập tới đã cho thấy nhiều người thường nhắc lại những giai đoạn suy thoái mà họ đã trải qua với một thái độ rất vui vẻ và sôi nổi.
Nhà tâm lý học Daniel Gilbert thuộc Đại học Harvard đã chỉ ra trong cuốn sách bán chạy “Suy giảm hạnh phúc” (Stumbling on Happiness) rằng, người ta thường có những ký ức đẹp về những ngày tháng gian khó nhất, như những thời kỳ nghèo khổ hoặc chiến tranh. Nếu đúng vậy, người dân ở nhiều nơi trên thế giới đang chịu đựng khó khăn với sự an ủi phần nào rằng, trong tương lai, họ sẽ có được những ký ức đẹp!
Tuy nhiên, có không ít ý kiến cho rằng, thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ khủng hoảng này sẽ là một thế hệ khôn ngoan hơn.
Một tài liệu của hai giáo sư Ulrike Malmendier thuộc Đại học California và Stefan Nagel thuộc Đại học Standford được trích dẫn trong bài báo của GS. Cowen cho rằng, thế hệ lớn lên trong thời kỳ đầu tư cổ phiếu chỉ đem lại mức lợi nhuận thấp có thể sẽ có những cách đầu tư thận trọng hơn, thậm chí trong cả nhiều thập kỷ về sau. Tương tự, thế hệ lớn lên trong thời kỳ lạm phát cao sẽ thận trọng hơn trong việc đầu tư vào trái phiếu!
Nói cách khác, thế hệ thanh thiếu niên hiện nay rất có thể sẽ đưa ra ít quyết định bị xem là ngớ ngẩn trong tương lai. Rất có thể, họ sẽ bỏ lỡ một vài cơ hội kinh doanh tốt, nhưng cũng sẽ mắc ít sai lầm hơn.
Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam