Khủng hoảng khí hậu: Khi Mẹ thiên nhiên 'nổi giận'
Kha Ninh
08:23 | 31/07/2021
Thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng khí hậu, khi các thảm hoạ thiên nhiên liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng của người dân.
|
Ngày 20/1, ảnh hưởng của bão Christoph khiến mưa lớn xuất hiện trên khắp nước Anh. Mực nước lũ dâng cao kỷ lục tại một số khu vực khiến giao thông đình trệ. Diễn biến thời tiết phức tạp đã buộc Anh ban bố gần 200 cảnh báo lũ. Trong ảnh: Nước lũ ngập quá nửa bánh xe chiếc ô tô sau khi cơn bão Christoph đi qua Shrewsbury, địa phương nằm ở phía Tây nước Anh. (Nguồn: Getty Images) |
|
Đầu tháng 2/2021, miền Tây Nam nước Pháp đã bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt lớn sau nhiều ngày mưa xối xả. Cơ quan khí tượng quốc gia Pháp đã tuyên bố 7 khu vực trong tình trạng báo động lũ lụt, bao gồm Charente-Maritime, 2 khu vực dọc sông Loire, các vùng Somme và Oise ở miền Bắc nước Pháp và khu vực Seine-et-Marne ở phía Đông Paris. Trong ảnh: Nhân viên cứu nạn sử dụng thuyền nhỏ để đưa người dân tại vùng bị ngập úng gần sông Charente, đoạn chảy qua Saintes tới nơi an toàn. (Nguồn: Reuters) |
|
Thành cổ Acropolis ở Athens, Hy Lạp bị bao phủ một màu trắng xóa trong trận tuyết rơi hiếm hoi vào giữa tháng 2/2021. Cơ quan Khí tượng Quốc gia Hy Lạp Theodoros Kolydas cho biết, đợt tuyết rơi này dữ dội nhất về cường độ và khối lượng trong vòng 12 năm qua. Ở Hy Lạp, mỗi năm thường có khoảng 300 ngày nắng ấm. Việc tuyết phủ dày đặc thực sự là cảnh tượng khó tin. (Nguồn: AP). |
|
Tháng 3/2021, trận mưa 5 ngày liên tiếp đã gây ra đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong vòng hơn 50 năm qua tại Australia, làm vỡ các bờ sông, gây ngập lụt nhà cửa, đường sá, cầu cống và trang trại, cắt đứt toàn bộ các thị trấn ở phía Đông Australia. Hơn 40.000 người đã buộc phải di chuyển đến các khu vực an toàn, hai người đàn ông đã thiệt mạng sau khi xe ô tô của họ bị mắc kẹt trong nước lũ. Ước tính có tới 40% dân số Australia bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ nghiêm trọng nói trên. Trong ảnh: Khu ngoại ô Windsor ở Sydney bị bao phủ bởi nước lũ sau trận mưa lớn trên diện rộng ở New South Wales. (Nguồn: Reuters) |
|
Ngày 5/4, cơn bão nhiệt đới Seroja tấn công Indonesia và Timor Leste đã làm trầm trọng thêm thảm họa lũ lụt và sạt lở đất ở hai nước này. Thảm hoạ đã khiến 119 người thiệt mạng, hàng ngàn ngôi nhà bị phá huỷ, hơn 1.300 người phải sơ tán khỏi nhà. Trong ảnh: Người dân Jakarta phải giữ các sợi dây để di chuyển, tránh bị lũ cuốn trôi. (Nguồn: Getty Images) |
|
Tháng 4/2021,Trung Quốc và Mông Cổ chìm trong đợt bão cát lịch sử. Bầu trời Bắc Kinh trong những ngày này chuyển màu vàng nâu và ô nhiễm không khí trầm trọng. Trước đó, một trận bão cát lớn từ phía Nam Mông Cổ đã lan khắp Đông Á vào giữa tháng 3, quét qua một khu vực rộng lớn ở phía Bắc Trung Quốc và ảnh hưởng cả bán đảo Triều Tiên. Đến ngày 25/7, một cơn bão cát đã nuốt chửng thành phố cổ Đôn Hoàng ở phía Tây Bắc Trung Quốc, bao phủ mọi thứ trong bức tường cát bụi cao đến 100m. Trong ảnh: Cơn bão cát đã phủ hoàn toàn lên một ngôi làng ở Zhangye, Cam Túc, Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images) |
|
Ngày 17/5, cơn bão Tauktae, một trong những cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập niên quét qua miền Tây Ấn Độ đã khiến ít nhất 33 người thiệt mạng và 90 người mất tích, hơn 16.500 ngôi nhà bị thiệt hại, 40.000 cây cối bị ngã đổ và gần 6.000 ngôi làng mất điện. Trong ảnh: Sóng ập vào bờ biển ở Mumbai khi cơn bão Tauktae đổ bộ vào đất liền. (Nguồn: Getty Images) |
|
Ngày 26/5, bão Yass đã tràn vào các bang ở miền Đông Ấn Độ, gây mưa lớn và gió giật mạnh. Hơn 300.000 ngôi nhà bị hư hại, 1,2 triệu người đã phải sơ tán khẩn cấp, cuộc sống của hơn 10 triệu người bị ảnh hưởng. Bão Yaas đổ bộ Ấn Độ chỉ một tuần sau khi siêu bão Tauktae tràn vào bờ biển miền Tây nước này, khiến ít nhất 155 người thiệt mạng. Trong ảnh: Người phụ nữ ngồi bên ngôi nhà tan hoang sau khi bão Yaas đổ bộ vào Kolkata, Ấn Độ. (Nguồn: Shutterstock) |
|
Trái ngược với Ấn Độ, ngày 19/5, 20 km2 rừng thông gần thành phố Corinth, Schinos, Hy Lạp đã bị thiêu trụi bởi đám cháy lớn. Gần 300 lính cứu hỏa với sự hỗ trợ của 15 máy bay trực thăng chở nước làm việc suốt đêm để giữ cho đám cháy không vượt ra ngoài dãy núi Geraneia, cách thủ đô Athens khoảng 90 km. (Nguồn: Reuters) |
|
Đầu tháng 6/2021, 88% khu vực miền Tây nước Mỹ chứng kiến đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Các bang Washington và Oregon cũng như các vùng ở Idaho, Wyoming và California đều trong tình trạng cảnh báo nắng nóng quá mức khi nhiệt độ dự kiến tăng trong thời gian này. Trong ảnh: Cư dân thành phố Portland (Oregon) tập trung trong một trung tâm làm mát để tránh cái nóng 40 độ C bên ngoài. (Nguồn: Getty Images) |
|
Tình trạng nắng nóng là một trong những nguyên nhân gây cháy rừng. Trong ảnh: Khói lửa bao trùm một góc trời khi đám cháy rừng Bootleg tại phía Nam bang Oregon lan rộng trên khu vực có diện tích khoảng 1.210 km2 hôm 18/7. Thời tiết nóng khô và gió thổi mạnh khiến ngọn lửa càng thêm dữ dội. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ thông báo khu vực miền Tây sẽ còn phải hứng chịu những vụ hỏa hoạn trong thời gian tới. (Nguồn: Shutterstock) |
|
Quốc gia láng giềng của Mỹ là Canada trải qua đợt nắng nóng kỷ lục trong tháng 6/2021, nhiệt độ tại một số khu vực ở nước này luôn trên 40 độ C. Tại thành phố Vancouver, British Columbia, nắng nóng lên tới 46,6 độ C, tạo nên một màn khói mờ mịt chắn tầm nhìn. Trưởng Văn phòng điều tra British Columbia Lisa Lapointe cho biết, đã có 719 ca đột tử trong đợt nắng nóng tại bang này, cao gấp 3 lần con số trung bình cùng kỳ các năm trước. Trong ảnh: Một người đàn ông đứng ở trạm phun sương được chính quyền Canada lắp đặt để giải nhiệt. (Nguồn: Reuters) |
|
Không chỉ ở Mỹ và Canada, những ngày cuối tháng 6/2021, nhiều khu vực tại Nga, đặc biệt là vùng Thủ đô Moscow như đang tan chảy trong đợt nắng nóng lịch sử chưa từng có trong vòng 120 năm qua. Không những thế, các khu vực này cũng chứng kiến mức độ bức xạ tia cực tím cao lên tới mức nguy hiểm, có thể gây bệnh ung thư và các vấn đề về sức khỏe khác. (Nguồn: Reuters) |
|
Quốc gia khác ở châu Âu là Czech lại hứng chịu một trận lốc xoáy kinh hoàng đã quét qua nhiều khu làng ở phía Nam nước này vào tối muộn ngày 24/6 (theo giờ địa phương). Trận lốc xoáy đã làm 4 người chết và hơn 200 người bị thương. Đây có thể được coi là cơn lốc xoáy mạnh nhất trong lịch sử của quốc gia Trung Âu này. Trong ảnh: Trận lốc xoáy đã phá huỷ nhiều ngôi nhà ở thị trấn Hrusky. (Nguồn: Shutterstock) |
|
Ngày 3/7, sau nhiều ngày mưa lớn kéo dài, thành phố Atami, Shizuoka đã xảy ra trận lở đất kinh hoàng với ít nhất 3 người thiệt mạng và 113 người mất tích. Nhật Bản là nơi thường xảy ra các trận lở đất với trung bình 1.500 vụ/năm trong thập kỷ qua, tăng gần 50% so với 10 năm trước. Trong ảnh: Đội cứu hộ của cảnh sát và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cùng lính cứu hỏa kiểm tra khu vực chung quanh nơi xảy ra lở đất tại Atami. (Nguồn: Getty Images) |
|
Trái ngược với tình hình mưa lũ ở Nhật Bản, ngày 3/7, quận Larnaca, Cyprus đã chứng kiến một đám cháy rừng tối tệ nhất trong gần 50 năm qua. Ngọn lửa được tác động bởi gió lớn và nền nhiệt cao đã ảnh hưởng đến ít nhất 10 khu dân cư trải dài trên diện tích khoảng 50m2 dọc bên sườn và quanh dãy núi Troodos - khu vực có hệ sinh thái rừng thông và cây bụi rậm rạp. Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades gọi vụ cháy rừng là "thảm họa" lớn nhất kể từ năm 1974. Trong ảnh: Nhân viên cứu hỏa nỗ lực kiểm soát đám cháy. (Nguồn: Getty Imges) |
|
Hồi giữa tháng 7, trận lũ tồi tệ nhất trong nhiều thập niên đã gây thiệt hại nặng nề cho Đức và các nước lân cận. Những ngôi nhà ở Erftstadt-Blessem (Đức) bị nhấn chìm và số khác bị sập sau trận lũ lớn. Nhiều tờ báo của Đức gọi đây là "cơn lũ chết chóc" khi xảy ra bất ngờ ở nhiều nơi, gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Đây cũng là trận lũ lụt kinh khủng nhất suốt 200 năm qua ở Đức. Theo The Guardian, ước tính, con số tử vong đã lên đến hơn 120 người. Trong ành: Lũ lụt nhấn chìm những ngôi nhà ở Erftstadt, Đức. (Nguồn: EPA) |
|
Không chỉ có Đức, nhiều khu vực ở Bỉ cũng chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Trong ảnh: Xe ô tô chồng lên nhau tại một bùng binh sau trận mưa lớn và lũ lụt tại lVerviers, Bỉ. (Nguồn: Getty Images) |
|
Chung số phận với hai nước láng giềng, hàng nghìn người sống tại tỉnh Limburg phía Nam Hà Lan, giáp biên giới Đức và Bỉ đã phải sơ tán khi nước lũ bắt đầu tấn công tỉnh này và gây ra các thiệt hại nghiêm trọng. Ngay trong chiều 16/7, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia tại tỉnh Limburg. (Nguồn: Shutterstock) |
|
Cũng trong giữa tháng 7/2021, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã phải hứng chịu một trong những trận lũ lụt kinh hoàng nhất nước này. Các nhà khí tượng cho biết, hiện tượng mưa lớn xảy ra ở tỉnh Hà Nam là kỷ lục kể từ khi các số liệu được ghi nhận cách đây 60 năm và là hiện tượng hiếm đến mức trong 1.000 năm mới xảy ra một lần. Trong ảnh: Nhiều tuyến đường ở thành phố Trịnh Châu bị bao phủ trong biển nước. (Nguồn: Reuters) |
|
Những ngày vừa qua, 63 đám cháy gần như bùng phát đồng thời ở 21 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ, tập trung ở khu vực ven biển Địa Trung Hải. Ít nhất 3 người thiệt mạng, gần 140 người bị thương, hàng chục khu dân cư bị ảnh hưởng trong đó một thị trấn nghỉ mát vùng cao bị thiêu rụi. Ngày 29/7, Cơ quan Quản lí Thảm họa và tình trạng Khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) cho biết, 3 người đã thiệt mạng do hỏa hoạn, 138 người bị bỏng và ngạt khói, trong đó 58 người vẫn đang nằm viện. Cùng với rừng và thảm thực vật, hệ sinh thái và động vật hoang dã đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong ảnh: Thị trấn nghỉ dưỡng Manavgat ở Antalya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ sau khi vụ cháy quét qua. (Nguồn: HA) |
|
Từ ngày 26/7, mưa xối xả đã trút xuống và tàn phá khu vực dọc biên giới Bangladesh với Myanmar - nơi có gần một triệu người tị nạn Rohingya từ Myanmar đang tạm trú trong các lán trại. Các nhà chức trách Bangladesh cho biết, lũ lụt và sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của 20 người, đồng thời cô lập hơn 300.000 cư dân tại nhiều ngôi làng ở miền Đông Nam nước này. Trong ảnh: Mưa lớn gây ngập lụt tại trại tị nạn Kutapalong, ở Cox's Bazar, Bangladesh ngày 27/7. (Nguồn: Reuters) |
(theo The Guardian)