Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Mỹ phải 'bó tay', Pháp đành lựa chọn 'đau đớn'. Một số tổ chức khí hậu cho rằng, sự phát triển bùng nổ của LNG là giải pháp không thích hợp để giải quyết khủng hoảng năng lượng. (Nguồn: Getty Images) |
Nhu cầu đối với khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của châu Âu đang tăng lên mức chưa từng có, trong bối cảnh "lục địa già" đang dần độc lập khỏi nguồn năng lượng của Nga sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra.
Tại sao Mỹ không thể là "cứu tinh" của châu Âu?
Châu Âu có thể đang cảm thấy bế tắc, bởi họ không thể di chuyển nhanh như đã từng cam kết trong tiến trình dịch chuyển khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy nhiều quốc gia tại lục địa này dựa nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch trong ngắn hạn, dù tiếp tục cam kết rời xa chúng nhanh hơn trong tương lai. Nhưng giờ đây, một cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc, một đợt nắng nóng toàn cầu, giá cả tăng vọt, chuỗi cung ứng khó khăn và cả những lo lắng về suy thoái kinh tế đang đe dọa trì hoãn những lời hứa chuyển đổi dài hạn sang các nguồn năng lượng có phát thải thấp hơn. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng trước viễn cảnh thiếu nhiên liệu trầm trọng trong mùa Đông này.
Cao điểm, giá năng lượng đã tăng 25% trong tuần trước thời điểm Nga thông báo giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) đến Đức xuống còn 20% công suất. Hiện các quốc gia châu Âu đang vật lộn để dự trữ đủ lượng khí đốt cho mùa Đông tới.
Tuy là nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, nhưng Mỹ lại đang “bó tay” trước nhu cầu của “lục địa già”. Ngoài yếu tố công suất thấp, các giới hạn về chính trị, kinh tế và kỹ thuật đã cản trở nước này trở thành “vị cứu tinh” toàn diện. Mặc dù, ngành công nghiệp LNG đang phát triển bùng nổ, song tình trạng thiếu năng lực xuất khẩu đang làm tắc nghẽn nguồn cung sang châu Âu và các nước khác trên thế giới.
Trong khi đó, một số tổ chức khí hậu cho rằng, sự phát triển bùng nổ của LNG là giải pháp không thích hợp để giải quyết khủng hoảng năng lượng. Tổ chức phi lợi nhuận Texas Campaign for the Environment khẳng định: “Đây là một giải pháp đầy rủi ro đối với nhu cầu năng lượng cũng như chính sách khí hậu của chúng ta”.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), để đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu, Mỹ đã tăng cường vị thế là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2022. Với xuất khẩu trung bình hàng ngày của nước này tăng 12% trong 6 tháng qua lên gần 3,8 tỷ m3/ngày.
Hiện Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã vượt châu Á, trở thành nhà nhập khẩu LNG hàng đầu của Mỹ, chiếm 71% và đang phải trả một khoản tiền lớn cho LNG. Một số nhà sản xuất thậm chí đã phá vỡ hợp đồng với các nước đang phát triển để chuyển hướng cung cấp nhiên liệu sang châu Âu nhằm thu về lợi nhuận cao hơn bất chấp các khoản phạt.
Theo ông Eugene Kim, Giám đốc nghiên cứu chính sách khí đốt của châu Mỹ thuộc Wood Mackenzie, Mỹ đã nổi lên như một trong những nhà cung cấp LNG an toàn duy nhất cho châu Âu.
Tuy nhiên, vấn đề năng lực đang hạn chế khả năng đóng vai trò “siêu anh hùng” của Mỹ. Trong bối cảnh tăng đáng kể công suất khai thác sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng Ba vừa rồi cam kết sẽ xuất khẩu LNG nhiều hơn sang châu Âu, phần lớn châu Âu thiếu cơ sở hạ tầng để nhập khẩu đầy đủ ngay cả khi Mỹ có thể xuất khẩu nhiều LNG hơn do trước đó “lục địa già” phụ thuộc vào đường ống khí đốt từ Nga.
Chưa kể, trong ngắn hạn, xuất khẩu LNG của Mỹ dự kiến sẽ giảm đáng kể do một trong những nhà máy lớn nhất của Mỹ sản xuất LNG gặp sự cố vào tháng Sáu ở bờ Vịnh Texas.
Theo nhà phân tích Eugene Kim, năng lực sản xuất LNG của Mỹ hiện phần lớn bị ràng buộc trong các hợp đồng dài hạn với các nước ngoài châu Âu và việc đầu tư cơ sở hạ tầng tiếp theo sẽ chưa thể thực hiện cho đến năm 2024 hoặc muộn hơn. Ngay cả khi đó, Mỹ vẫn không đủ năng lực để cung cấp nhiên liệu cho châu Âu. Ngoài những hạn chế về năng lực khai thác LNG, các nhóm người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ đang phải chịu mức giá cao hơn do xuất khẩu LNG của nước này tăng mạnh.
Trả lời phỏng vấn Wall Street Journal, Giám đốc điều hành tập đoàn Industrial Energy Consumers of America, Paul Cicio khẳng định: “Người tiêu dùng Mỹ, nền kinh tế Mỹ, an ninh quốc gia Mỹ có thể gặp rủi ro nếu chúng ta không duy trì một lượng dự trữ”. Ngoài ra, việc mở rộng năng lực khai thác LNG của Mỹ cũng vấp phải sự phản đối từ các nhà hoạt động môi trường trong nước và quốc tế. Các tổ chức môi trường cho rằng việc mở rộng cơ sở hạ tầng LNG cần thiết để tăng xuất khẩu đồng nghĩa với việc thay đổi các mục tiêu hiện tại nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khi LNG chiếm 1/3 lượng khí thải carbon của Mỹ, bao gồm gần 1/2 lượng khí thải metan.
Pháp đành tự lo
Trong khi đó, để thực hiện kế hoạch tiết kiệm năng lượng trước nguy cơ châu Âu bị cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt vào mùa Thu, chính phủ Pháp đã thành lập nhiều nhóm điều phối thực hành, đồng thời kêu gọi người dân nâng cao nhận thức về hiệu quả của hành vi tiết kiệm.
Cả châu Âu đã phải trải qua những đợt nắng nóng, khô hạn bất thường kể từ đầu mùa Hè, khiến lượng tiêu thụ điện ở nhiều nước thành viên tăng đột biến. Các nhà chức trách châu Âu đang lo lắng mặc dù mùa Đông năm nay còn chưa tới. Viễn cảnh bị Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt khiến cả châu Âu phải thấp thỏm với câu hỏi thời tiết mùa Đông năm nay sẽ như thế nào?
Tại Pháp cũng vậy, hiếm có khi nào vào giữa mùa Hè, câu hỏi này lại làm khổ chính phủ đến vậy. Cái lạnh dữ dội có thể khiến nước Pháp, dù phụ thuộc khí đốt Nga thuộc diện ít nhất châu Âu, phải đối mặt với những lựa chọn mà nhiều chuyên gia gọi là “đau đớn”.
Cuộc xung đột ở Ukraine thực sự đã làm nổi bật, nhưng theo một cách tàn nhẫn, sự mong manh của nguồn cung năng lượng của Pháp, buộc chính phủ nước này phải xem xét các biện pháp phân bổ năng lượng trong kịch bản xấu nhất.
Theo Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp, “khó khăn trong mùa Đông này phụ thuộc vào ba yếu tố chính: khí đốt của Nga có sẵn hay không, thời tiết và sự sẵn sàng của các nhà máy điện hạt nhân”.
Trong bài phát biểu nhân ngày Quốc khánh (14/7), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gióng lên hồi chuông báo động và khẳng định ông sẽ yêu cầu “các cơ quan hành chính nhà nước và các tập đoàn lớn chuẩn bị một kế hoạch” thực hành tiết kiệm. Trước đó, đầu tháng Hai, ông cũng từng nêu chi tiết lộ trình hướng tới độc lập về năng lượng, đặt ra mục tiêu tập thể là giảm tiêu thụ 40% vào năm 2050. Để đạt được điều này, về cơ bản nước Pháp sẽ tiến hành cải tạo nhà ở, phát triển xe điện và khử carbon công nghiệp trên quy mô lớn. Sau kỳ nghỉ Hè tới, chính phủ sẽ thảo luận về dự luật thúc đẩy chuyển đổi năng lượng cũng như các tham vọng về điện hạt nhân.
Nhưng chỉ ba tuần sau bài phát biểu này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, làm đảo lộn mọi kế hoạch. Xung đột quân sự đã kích hoạt một trò chơi trừng phạt có đi có lại giữa phương Tây và Nga, khiến các kế hoạch chuyển đổi và tiết kiệm năng lượng, dù hiệu quả và hợp lý đến đâu, phải “cất vào ngăn kéo”. Trong bối cảnh xung đột, trước mối đe dọa mất nguồn cung khí đốt thường trực của Nga, châu Âu không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm tiêu thụ năng lượng để vượt qua mùa Đông tới.
5 nhóm làm việc về chuyển đổi năng lượng của Pháp: Bộ Chuyển đổi và công vụ chịu trách nhiệm về chuyển đổi của khu vực nhà nước, đôn đốc các cấp chính quyền tiết kiệm, giảm tiêu thụ năng lượng và thúc đẩy mục tiêu thoát nhiên liệu hóa thạch. Bộ Lao động phụ trách các kế hoạch tổ chức công việc, tăng cường hình thức làm việc từ xa, phối hợp với các nghiệp đoàn giảm thiểu tiêu thụ năng lượng tại các nơi làm việc. Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ phụ trách khu vực thương mại, bãi đậu xe và các khu vực dịch vụ công cộng... Bộ Chính sách nhà ở có trách nhiệm đối với các chung cư và tòa nhà đô thị. Bộ Chuyển đổi Năng lượng làm việc với chính quyền địa phương về các cơ sở trường trung, chiếu sáng công cộng... |
Tại Pháp, chính phủ đã thành lập 5 nhóm làm việc về chuyển đổi năng lượng. Tất cả các nhóm làm việc sẽ phải báo cáo chính phủ vào cuối tháng Chín để có biện pháp thực hiện tiết kiệm đồng loạt trước khi mùa Đông đến.
Chính phủ Pháp hy vọng những lợi ích đạt được từ các biện pháp tiết kiệm sẽ đủ để thúc đẩy sự thay đổi về hành vi của mọi đối tượng. Theo đánh giá của Bộ Chuyển đổi năng lượng Pháp, “những biện pháp đang đề xuất có tác động trực tiếp đến hóa đơn của các nhân tố khác nhau. Ví dụ, việc đóng cửa cửa hàng hợp lý cho phép giảm 20% hóa đơn sưởi ấm; một cá nhân hạ nhiệt sưởi bằng khí đốt 1,5 độ sẽ tiết kiệm được 10%”.
Tất cả các biện pháp đề xuất sẽ giúp Pháp tiết kiệm được khoảng 10% năng lượng trong hai năm. Vào mùa Thu, theo kêu gọi của Ủy ban châu Âu (EC), Chính phủ Pháp sẽ tiến hành một chiến dịch truyền thông rộng lớn để nâng cao nhận thức của các cá nhân, hộ gia đình và các tập thể về kế hoạch tiết kiệm năng lượng.
Tại Pháp, các biện pháp thực hành tiết kiệm vẫn còn mang tính biểu tượng hoặc hình thức như ấn định nhiệt độ trong các tòa nhà, cấm chiếu sáng văn phòng như bảng hiệu đèn neon sau 10 giờ tối... Trong khi đó, các quốc gia khác đã có những biện pháp nghiêm khắc hơn nhiều, chẳng hạn Đan Mạch đã từ bỏ chiếu sáng dịp Giáng sinh, Thụy Sỹ cấm lưu thông vào các Chủ nhật, Bỉ hạn chế tốc độ trên đường cao tốc...
Trong năm 2022, mọi nỗ lực tự nguyện đều nhằm vào các ngành công nghiệp và nếu chưa đủ, chính phủ sẽ buộc phải áp dụng biện pháp phân bổ khẩu phần tiêu thụ năng lượng cho các cơ sở sản xuất.
Trong khuôn khổ châu Âu, chính phủ có thể ban hành quy định tăng thuế đối với những lượng khí đốt tiêu thụ vượt mức nhất định. Một cơ chế cảnh báo sẽ được kích hoạt để nhắc nhở các khách hàng tiêu thụ năng lượng. Các khu công nghiệp có thể được thông báo trước 24 giờ về việc bị cắt nguồn ứng khí đốt trong hai giờ trong trường hợp “bất đắc dĩ”.
| Giá cà phê hôm nay 4/8: Arabica đảo chiều tăng giá, robusta đi ngang; Thị trường còn diễn biến khó lường Xuất khẩu cà phê toàn cầu đã tăng 1,26% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lũy kế xuất khẩu cà phê toàn cầu ... |
| Khủng hoảng lương thực: Nút thắt Nga-Ukraine đã mở, một 'thử nghiệm' có khả năng thất bại? Một thỏa thuận đã được các bên đặt bút ký, những chuyến hàng đầu tiên cũng đã rời Ukraine, nhưng vẫn còn rất nhiều rào ... |