Khủng hoảng lương thực: Nút thắt đã được mở, nhưng hy vọng và rủi ro đều đặt ở Biển Đen. Trong ảnh: Tàu Razoni. (Nguồn: Reuters) |
Khi con tàu đầu tiên - kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, chở ngũ cốc của Ukraine rời cảng Odessa vào ngày 1/8, truyền thông và nhiều chính trị gia đã ca ngợi thỏa thuận cho phép mở cửa một phần các cảng của nước này.
Nhưng thực tế, thỏa thuận ngũ cốc ở Istanbul là một hoạt động có rủi ro cao, cả về mặt chiến lược và hậu cần, với nhiều kẽ hở vẫn cần được giải quyết. Đáng chú ý là hải quân Ukraine đã sử dụng ngôn từ rất thận trọng, nói rằng ”chuyến hàng ban đầu này mới chỉ là một cuộc thử nghiệm”.
Một cuộc thử nghiệm?
Cái gọi là thỏa thuận ngũ cốc cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ra thị trường thế giới bằng đường biển đã được ký kết tại Istanbul vào ngày 22/7. Chưa đầy 24 giờ sau, hải quân Nga vẫn có các hoạt động quân sự liên quan các bến cảng ở Odessa, ngay lập tức đặt ra câu hỏi về mức độ an toàn trong việc triển khai thỏa thuận trên.
Hiện tại, các cảng của Ukraine vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine. Kể từ hồi tháng 3, nhiều vùng lãnh hải trên thực tế đã bị đóng cửa, hàng chục tàu neo đậu vì lý do an toàn, buộc chính quyền Ukraine phải bố trí một tuyến hàng hải khẩn cấp. Gần các bến tàu, nhiều người đứng ngồi không yên, ngũ cốc chất đầy mà không thể rời cảng.
Ukraine sản xuất 10% lúa mì và 12% lúa mạch cho thị trường thế giới. Thiếu những nguồn cung cấp đó, giá cả các mặt hàng này tăng vọt.
Tin liên quan |
Giá vàng hôm nay 3/8: Giá vàng thế giới thử lại mức 1.800 USD, nhu cầu trú ẩn tăng đột biến, vấn đề về nguồn cung; Lộ diện 'thủ phạm' đẩy giá SJC? |
Có lẽ nhiều người đã thở phào khi tin rằng, vấn đề tắc nghẽn “dòng chảy ngũ cốc” từ Ukraine đã được khai thông.
Tuy nhiên, thách thức thứ nhất phải kể đến là động lực của Nga. Theo giới quan sát, dù thỏa thuận có sự chứng kiến của các đại diện quốc tế, như Chương trình Lương thực thế giới, Tổng thư ký Liên hợp quốc và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đây không phải là một hiệp ước chính thức, còn về mặt nội dung, chưa hẳn là một văn bản kín kẽ, hoàn hảo.
Còn xét về mặt kinh tế, Nga là đối thủ cạnh tranh chính của Ukraine trên thị trường ngũ cốc. Vì vậy, việc phong tỏa các cảng ở Biển Đen, ngoài lợi thế chiến lược, còn có động cơ thương mại.
Giá ngũ cốc cao hơn đã cho phép các công ty Nga kiếm được nhiều tiền hơn, điều này rất quan trọng trong thời gian bị trừng phạt.
Nó cũng cho phép người bán Nga tiếp cận dễ dàng hơn với những người mua truyền thống của Ukraine. Những nỗ lực như vậy đã được “nhìn thấy” ở Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon.
Hơn nữa, bằng lời hứa đảm bảo cung cấp ngũ cốc cho các chính phủ đang lo ngại về khả năng xảy ra bất ổn trong nước, bởi lý do liên quan, Nga đã “gặt hái” thêm đòn bẩy chính trị từ một cuộc khủng hoảng.
Điện Kremlin cũng đang sử dụng thỏa thuận này để chứng minh với Trung Đông và châu Phi rằng, họ sẵn sàng lắng nghe các quốc gia đang phát triển trên thế giới và đàm phán một kết quả vì lợi ích chung. Động thái cho thấy, Nga đã không tạo ra cuộc khủng hoảng lương thực. Thực tế đã được chứng minh trong chuyến thăm châu Phi của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào tuần cuối cùng của tháng Bảy.
Ngoài ra, Điện Kremlin còn mặc cả được những lợi ích khác. Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) đã loại trừ các giao dịch ngũ cốc khỏi các lệnh trừng phạt trước đó.
Phó thủ tướng Nga Andrey Belousov và Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng đã ký một bản ghi nhớ bổ sung để quảng bá ngũ cốc Nga trên thị trường thế giới.
Trong khi Sáng kiến Istanbul chỉ kéo dài 120 ngày với các điều khoản công khai, bản ghi nhớ này kéo dài tới ba năm với các điều khoản không rõ ràng.
Hy vọng và rủi ro đều đặt ở Biển Đen
Một số nhà phân tích còn rất băn khoăn về các rủi ro? Đầu tiên, xuất phát từ chính nội dung bản thỏa thuận, trong đó nêu rõ: “Các bên sẽ không thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại tàu buôn và các tàu dân sự khác và các cơ sở cảng tham gia vào Sáng kiến này”.
Với Ukraine và các quốc gia khác, điều này có nghĩa là các cảng Odessa, Chernomorsk và Yuzhnyy (ba cảng được đề cập trong Sáng kiến) nhưng loại trừ các cảng quan trọng khác như Mykolaiv và Kherson. Phía Nga có lập luận rằng, ý của họ là chỉ những cơ sở vật chất liên quan đến việc chất hàng lên tàu.
Nhưng người Nga chắc biết rõ, một mối đe dọa quân sự hoàn toàn có thể xảy ra đối với các bến cảng gần đó. Chỉ cần như vậy, chắc sẽ không khuyến khích các chủ tàu (và các công ty bảo hiểm) chấp nhận mạo hiểm để gửi tàu của họ vào cảng.
Thách thức thứ hai là mìn, cả mìn ven biển do hải quân Ukraine đặt và khoảng 400 quả ngư lôi do phía Nga thả vào mùa Xuân. Sáng kiến khai thông dòng ngũ cốc, không bao gồm việc rà phá bom mìn.
“Nếu cần rà phá bom mìn, các tàu chở ngũ cốc sẽ được đi kèm với một tàu quét mìn của “một quốc gia khác”, được tất cả các bên đồng ý và sẽ quét các phương tiện tiếp cận các cảng của Ukraine”, theo nội dung Sáng kiến. Do đó, đây là một lựa chọn, không phải là nghĩa vụ, bất chấp mức độ thường xuyên xuất hiện của mìn gần bờ biển Ukraine và Romania.
Câu hỏi tiếp theo, hải quân nước nào sẽ đóng vai trò của “một quốc gia khác”, vì tàu quét mìn nằm trong số các tàu hải quân mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa tiếp cận Biển Đen từ đầu chiến dịch quân sự của Nga, theo Công ước Montreux. Bulgaria và Romania có khả năng đóng vai trò đó, nhưng cũng như các quốc gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), “họ có lẽ không thể chấp nhận được” đối với Nga.
Hơn nữa, các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga từ Crimea hoặc Caspi, tới Ukraine, bay qua khu vực Odessa, rất có thể là mối đe dọa khó lường trước. Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu sự cố xảy ra?
Một vấn đề nữa, thỏa thuận ngũ cốc không giới hạn loại tàu mà chỉ là loại hàng hóa được xuất khẩu (ngũ cốc, thực phẩm liên quan và phân bón), trên thực tế, các lựa chọn còn khá hạn chế. Trong vòng một thập niên qua, nhiều loại ngũ cốc được đóng gói xuất khẩu trong các container.
Tuy nhiên, quy trình giám sát dự kiến trong vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận, cho phép các thanh tra viên có quyền kiểm tra hàng hóa. Đây là khó khăn phát sinh đối với việc đóng gói hàng hóa và vận chuyển an toàn đến tay khách hàng.
Trên thực tế, tàu hàng rời Odessa hiện là những con tàu đã thả neo từ tháng 2/2022 và đã bị đóng băng bởi lệnh phong tỏa. Chưa có thông tin nào về việc các chủ tàu sẵn sàng gửi thêm tàu đến Odessa, vì phần lớn vẫn lo lắng về tình hình an ninh xấu đi. Khó khăn cũng tương tự đối với vấn đề quản lý và bảo hiểm.
Các thủy thủ đoàn bị mắc cạn ngoài khơi bờ biển Ukraine đã được sơ tán, chỉ để lại một số thủy thủ để duy trì an ninh. Các chủ tàu hiện giờ sẽ cần tìm những người sẵn sàng ra khơi bất chấp rủi ro. Hơn nữa, Ukraine từng là một trong những nhà cung cấp thủy thủ chính cho ngành vận tải biển, nhưng nam giới từ 18-60 tuổi hiện không được phép rời khỏi đất nước, đây là một hạn chế về khả năng tìm kiếm các lái tàu đủ tiêu chuẩn tối thiểu.
Các công ty bảo hiểm cũng không vội vàng trong bối cảnh còn nhiều rối ren như hiện nay. Trở lại vào tháng 2, họ đã thiết lập các mức phí mới cho khu vực xung đột tại các vùng biển của Ukraine, nhưng khi các hoạt động quân sự liên tục diễn ra, họ cũng đã phải do dự. Các nhà môi giới của Lloyds of London cho biết, ngày 29/7, họ đã triển khai cung cấp một số gói bảo hiểm, nhưng chỉ một cuộc tấn công của Nga có thể thay đổi tình hình trong chốc lát.
Thật là một cảnh tượng đầy hạnh phúc khi thấy con thuyền Razoni ra khơi từ Odessa, mang theo chuyến hàng ngũ cốc và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng thực tế, khó khăn có thể ập đến bất cứ lúc nào và Sáng kiến Istanbul chưa hoàn toàn giải quyết được toàn bộ mọi vấn đề.
| Giá vàng hôm nay 3/8: Giá vàng thế giới thử lại mức 1.800 USD, nhu cầu trú ẩn tăng đột biến, vấn đề về nguồn cung; Lộ diện 'thủ phạm' đẩy giá SJC? Giá vàng hôm nay 3/8 dao động mạnh, kiểm tra mức kháng cự 1.800 USD/ounce, có lúc đạt mức cao nhất gần 4 tuần. Giá ... |
| Cách nào 'pháo đài' kinh tế Nga đang phá vỡ vòng vây trừng phạt từ phương Tây? Nga đang vượt qua các lệnh trừng phạt ‘khá thành công’. Khi các lệnh trừng phạt khiến tính 'bất khả xâm phạm' của Pháo đài ... |