Từ sau khi nổ ra cuộc xung đột ngày 24/2, phần lớn người dân Ukraine tham gia bảo vệ đất nước, một bộ phận lớn khác đi tị nạn ở nước ngoài. Cùng với việc mất đi lực lượng lao động lớn, mùa màng và rất nhiều cơ sở hạ tầng vận chuyển nông sản bị hủy hoại. Tuyến đường biển qua Biển Đen bị rối loạn, vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine hoàn toàn đình trệ.
Giao dịch sản phẩm ngũ cốc và dầu ăn bị ảnh hưởng nặng nề, chủ yếu vì phương Tây tẩy chay sản phẩm của Nga và Belarus, Nga phong tỏa các cảng của Ukraine và thiệt hại do việc cơ sở hạ tầng của Ukraine bị phá hủy. Lệnh trừng phạt tài chính của các nước phương Tây áp đặt cũng tác động mạnh đến các nhà xuất khẩu của Nga.
Ukraine, Nga, Belarus đóng vai trò quan trọng trên thị trường lương thực và phân bón quốc tế. Đặc biệt, Nga và Ukraine kiểm soát phần lớn xuất khẩu lúa mỳ, ngô, dầu và hạt hướng dương, lúa mạch thế giới.
Để có cái nhìn trực quan, hãy hình dung Nga cung cấp 5,8% calorie thế giới, Ukraine 6%. Tính chung, khoảng 12% lượng calorie thế giới cần đang gặp vấn đề.
Cuộc xung đột của Nga tại Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu. (Nguồn: Getty) |
Biến động giá
Trong các loại ngũ cốc, giá đậu tương và ngô tăng liên tục gần đây - tháng 11/2021 đối với đậu tương và từ tháng 9/2021 với ngô, trong khi giá lúa mỳ tương đối ổn định từ tháng 5/2021 đến giữa tháng 2/2022.
Giá ngũ cốc (ngô, đậu tương) đã tăng trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, từ thời điểm này chỉ có lúa mỳ tăng. Nếu so sánh tình hình hiện nay với cuộc khủng hoảng lương thực trước, năm 2008, thì có thể thấy mức giá ngô và đậu tương quý II/2022 tương đương với mức cao nhất của lần trước. Do đó, có thể thấy giá ngũ cốc lần này đang ở mức rất cao.
Dầu ăn là thực phẩm cần thiết vì mang lại vitamin và calorie. Giá cả bốn loại dầu thực vật quan trọng nhất - dầu cọ, đậu tương, hướng dương, cải dầu - bắt đầu tăng từ trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, quý IV/2021 đối với dầu cọ, đậu tương, hướng dương, đầu tháng 2/2022 với dầu cải.
Tin liên quan |
Xung đột Nga-Ukraine thổi bùng khủng hoảng lương thực toàn cầu? |
Sau khi xung đột nổ ra, dầu hướng dương tăng nhanh nhất vì xung đột ảnh hưởng lớn đến tiềm năng sản xuất. Tuy nhiên, nhìn chung thì giá bốn loại dầu này đều tăng tương đối đồng bộ, vì chúng có thể thay thế nhau.
Giá phân bón biến động theo giá năng lượng, cũng có chiều hướng tăng từ đầu năm 2020. Khí đốt là nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón. Năm 2021, tốc độ tăng giá của phân bón đẩy nhanh do Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm này.
Trung Quốc là nước đóng vai trò quan trọng trên thị trường, vì thế quyết định của Bắc Kinh đã tạo ra cú sốc tiêu cực lên nguồn cung, đẩy giá lên.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã làm cho hiện tượng này khuếch đại thêm, vì Nga và Belarus là hai nước sản xuất nitơ, phốt phát và kali carbonat lớn. Năm 2019, Nga chiếm tương ứng 15%, 14%, 19% thị trường toàn cầu, còn Belarus chiếm 18% thị trường xuất khẩu kali carbonat thế giới.
Xung đột Nga-Ukraine có thực sự là nguyên nhân?
Vì lý do gì giá lương thực tăng? Trong khi nhu cầu ngũ cốc và dầu ăn tương đối cao và tăng liên tục, các cú sốc tiêu cực đã xuất hiện như biến đổi khí hậu và chính trị và tác động lên nguồn cung, cộng với chi phí sản xuất tăng, nên giá các mặt hàng thiết yếu cũng tăng lên. Cuộc xung đột của Nga tại Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Mỗi năm, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất ngũ cốc và dầu thực vật thế giới. Năm 2021, hạn hán làm giảm mạnh thu hoạch đậu tương tại Nam Mỹ (Brazil, Paraguay) và lúa mỳ tại Bắc Mỹ (Canada), Trung Đông và Nam Mỹ. Cơn bão Rai vào tháng 12/2021 làm sản xuất dầu cọ ở Malaysia và Philippines thất thu.
Cùng năm 2021, nhu cầu ngũ cốc của thế giới vẫn cao, nhất là nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc. Dân số tăng và đô thị hóa mở rộng, làm tăng tiêu thụ lương thực có thành phần thịt, dẫn đến làm tăng nhu cầu ngũ cốc sử dụng để chế biến thức ăn chăn nuôi.
Nhu cầu dầu ăn để sản xuất nhiên liệu sinh học cũng tăng. Hiện nay sản xuất dầu ăn cung cấp cho công nghiệp hóa dầu sinh học chiếm 15%, so với chỉ 1% cách đây 20 năm.
Mỗi năm, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất ngũ cốc và dầu thực vật thế giới. (Nguồn: Getty) |
Nhiều quốc gia, như Nga, Moldova, Serbia, Hungari, Kazakhstan đã áp lệnh hạn chế xuất khẩu, thậm chí cấm hoàn toàn xuất khẩu lúa mỳ từ cuối năm 2021. Lệnh hạn chế xuất khẩu tại Đông Nam Á đã ảnh hưởng đến nguồn cung dầu cọ và gạo.
Từ ngày 24/2, ít nhất 23 nước đã hạn chế xuất khẩu, làm cho thị trường thế giới giảm 16% xét về lượng calorie. Riêng về dầu thực vật, các biện pháp này làm giảm từ 45%-79%, theo số liệu của IFPRI.
Căng thẳng trên thị trường nông sản thường được xem xét dựa trên số liệu thống kê sản lượng toàn cầu. Từ đầu năm 2022, trước khi xung đột nổ ra tại Ukraine, sản lượng các loại ngũ cốc quan trọng nhất như lúa mỳ, ngô, đậu tương nằm ở mức thấp lịch sử, trong khi sản lượng lúa dồi dào hơn nhiều.
Thêm vào đó, chi phí sản xuất nông nghiệp đã tăng lên từ đầu năm 2020. Giá năng lượng và phân bón cao, tình trạng thiếu nhân công trầm trọng thêm do chính sách phong tỏa khiến cho luồng di cư xuyên biên giới giảm mạnh. Chi phí vận tải thế giới cũng ở mức cao, ảnh hưởng đến giá hàng hóa nông nghiệp nhập khẩu.
Có một yếu tố làm giảm nhẹ khủng hoảng lương thực cho các nước nghèo. Ở một số khu vực của châu Phi, những loại ngũ cốc ít được giao dịch trên thị trường thế giới nhưng đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực địa phương, chẳng hạn hạt teff đối với Ethiopia và Erythrina, fonio tại Tây Phi… có giá ổn định. Đây là tin tốt cho an ninh lương thực của những nước này.
Tin liên quan |
Khủng hoảng lương thực: Ám ảnh kịch bản 2008 |
Cuộc khủng hoảng hiện nay có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tương lai? Liệu sản lượng ngũ cốc và dầu thực vật tương lai có giảm đi hay không? Câu trả lời là có, nhưng giá cả đầu vào (phân bón) tăng sẽ được bù đắp bằng giá đầu ra tăng (lúa mỳ, đậu tương, ngô, dầu ăn). Dù giá phân bón tăng mạnh hơn nữa, lợi nhuận của người nông dân vẫn được bảo đảm và điều đó khuyến khích họ tiếp tục sản xuất.
Trung bình hai năm qua, giá phân bón tăng 233% và giá ngũ cốc tăng 65%. Tỷ trọng giá phân bón trong sản xuất ngũ cốc là dưới 28%, có thể thấy lợi nhuận của nhà sản xuất ngũ cốc vẫn ổn định. Thế nhưng, đó chỉ là những diễn biến chung, còn thực tế tại mỗi nước thì khác nhau.
Tại châu Phi, giá ngũ cốc không thay đổi nhưng giá phân bón tăng, thu hẹp lợi nhuận của nông dân. Tại Bắc Mỹ, các chủ trang trại tăng diện tích trồng đậu tương vì loại cây này ít cần phân bón, giảm diện tích canh tác lúa mỳ. Giá phân bón tăng có thể làm mất cân bằng thị trường ngũ cốc toàn cầu tương lai.
Nói tóm lại, cuộc xung đột tại Ukraine không thể được coi là nguyên nhân duy nhất gây ra khủng hoảng lương thực thế giới. Biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng, cùng với một số chính sách kinh tế gây tranh cãi khác như hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học hay hạn chế xuất khẩu lương thực.
Mặt khác, không thể đánh đồng tình trạng ở tất cả các nước nghèo. Đối với châu Phi chẳng hạn, 55 nước trên lục địa này rất khác nhau xét trên bình diện chế độ lương thực, tình hình sản xuất địa phương và cơ cấu trao đổi ngoại thương, nên ảnh hưởng của khủng hoảng lên mỗi nước một khác.
Hiện nay, giới quan sát chỉ chú ý đến thị trường ngũ cốc, nhưng chiều hướng diễn biến của thị trường dầu ăn và phân bón cũng quan trọng không kém. Điều quan trọng là phải đẩy nhanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, quan tâm nhiều hơn đến những chính sách không gây khó khăn cho an ninh lương thực toàn cầu.
| Indonesia bấp bênh trước 'vòng xoáy' giá lương thực, năng lượng Trong bài phân tích đăng ngày 14/7 trên tờ Nikkei Asia, bà Asmiati Malik, Trợ lý Giáo sư tại trường Đại học Bakrie Indonesia, cho ... |
| Mỹ kêu gọi G20 'tiêu nhiều tiền', hành động khẩn cấp trước khủng hoảng lương thực Mỹ kêu gọi các nước thành viên G20 tăng cường mức chi tiêu để giải quyết các thách thức an ninh lương thực hiện có. |