📞

Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Nga không ‘đạo diễn’, chỉ lợi dụng?

Minh Anh 19:45 | 24/12/2021
Giá khí đốt tại châu Âu đã vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, do nhu cầu mạnh mẽ và căng thẳng địa chính trị âm ỉ giữa nhà cung cấp chính là Nga và các quốc gia tiêu dùng trong khu vực. Moscow bị gán trách nhiệm, Gazprom bị kiện vì tạo ra "sự thiếu hụt khí đốt giả tạo”, Mỹ nhận định thế nào?, Tổng thống Putin nói gì về việc này?
Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Nga không ‘đạo diễn’, chỉ lợi dụng?. (Nguồn: Politicalcapital)

Amos Hochstein, cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ về an ninh năng lượng toàn cầu mới đây công khai nhận định, Nga không gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng, nhưng cũng không giúp ích được gì, thay vào đó, Moscow đã cố gắng trục lợi từ tình hình hiện nay.

"Châu Âu đã dọn giường và nằm lên đó"

“Có thể chắc chắn rằng, chẳng có một động thái nào giúp tình hình thiếu hụt năng lượng ở khu vực có thể dịu bớt, trên thực tế họ đã tận dụng nó”, ông Amos Hochstein chia sẻ nhận định này với CNBC.

Nga đã không mở thêm nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu trong tháng 11, mặc dù họ nói sẵn sàng giúp đỡ, nhưng kết quả đấu giá vào tháng 10 không cho thấy điều đó. Giá khí đốt tại châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 10 do nhu cầu tiếp tục tăng cao, lượng tồn kho thấp hơn bình thường và nguồn cung hạn chế.

Gần đây nhất, giá khí đốt ở châu Âu ngày 21/12 đã vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, do nhu cầu mạnh mẽ trong mùa Đông và căng thẳng địa chính trị âm ỉ giữa nhà cung cấp chính là Nga và các quốc gia tiêu dùng. Giá khí đốt TTF của Hà Lan đã tăng gần 20% so với ngày 20/12, leo lên mức 175 Euro/MWh.

Nga bắt đầu bơm ít khí đốt hơn sang châu Âu vào tháng 8 và một số nhà phân tích cho rằng, nước này đang chủ động hạn chế nguồn cung ngầm gây sức ép buộc Đức chấp thuận để tuyến đường ống đang gây tranh cãi - Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) có thể được cấp phép hoạt động.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn tất vào tháng 9, đi ngầm dưới biển Baltic được xây dựng nhằm tăng gấp đôi nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên giá rẻ từ Nga sang Đức, nhưng vẫn đang chờ các cơ quan quản lý phê duyệt đã vấp phải một loạt trở ngại về quy định và sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ, Ba Lan và Ukraine. Dòng chảy phương Bắc 2 cũng bị cho là không phù hợp với các mục tiêu về tiêu chuẩn khí hậu của châu Âu.

Về mặt địa chính trị, Washington lo ngại Nord Stream 2 sẽ mang lại cho Moscow quá nhiều quyền lực đối với nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu. Vào năm 2020, khoảng 43% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu đến từ Nga. Trong khi đó, Kiev e ngại Moscow sẽ bỏ qua Ukraine và lấy mất nguồn doanh thu trung chuyển khí đốt hiện nay của họ.

Ngày 22/12, Ukraine cho biết, họ đã khiếu nại lên EU, cáo buộc tập đoàn độc quyền khí đốt khổng lồ của Nga - Gazprom tạo ra "sự thiếu hụt khí đốt giả tạo” ở châu Âu khiến cho giá tăng vọt.

Năng lượng là một vũ khí?

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây nói với giới truyền thông rằng Washington đang theo dõi “rất cẩn thận” để xem liệu Nga có đang sử dụng năng lượng như một công cụ chính trị hay không. “Nếu Nga cố gắng sử dụng năng lượng như một thứ vũ khí hoặc thực hiện các hành động gây hấn hơn nữa chống lại Ukraine, chúng tôi cam kết và Đức cũng cam kết thực hiện các hành động thích hợp”, ông Blinken khẳng định.

Trong khi đó, cố vấn Hochstein cho rằng, Moscow đã tiến gần đến việc vũ khí hóa năng lượng. “Họ đã tiến rất gần đến ranh giới sử dụng năng lượng như một vũ khí bằng cách gợi ý rằng, nếu một quyết định chính trị được đưa ra ở Đức… chấp thuận khởi động đường ống Nord Stream 2, thì ngay lập tức đường ống khí đốt từ Nga chuyển tới cho châu Âu sẽ đầy ắp”, Hochstein phân tích.

Tổng thống Putin đã bác bỏ những tuyên bố rằng, đất nước của ông đang vũ khí hóa năng lượng chống lại châu Âu và nói rằng Nga sẵn sàng chìa tay ra giúp đỡ.

“Ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của Chiến tranh Lạnh, Nga vẫn thường xuyên hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng cung cấp đầy đủ khí đốt cho châu Âu”, từ hồi tháng 10, ông Putin đã tuyên bố với giới truyền thông như vậy.

Nhưng ông Amos Hochstein cho rằng, các tham chiếu đến số tiền theo hợp đồng chỉ là một “cái cớ” vì những mức đó là “sàn chứ không phải trần” trong điều kiện cung cấp năng lượng thích hợp. "Thực tế, giá năng lượng tại châu Âu đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, có nghĩa là nhu cầu không được đáp ứng và các nhà sản xuất nên thực hiện các nghĩa vụ bên ngoài hợp đồng để có thể hạ giá xuống", vị cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu quan điểm.

Ông Hochstein cũng nói thêm rằng, Nga - với tư cách là nhà cung cấp năng lượng, có trách nhiệm tăng nguồn cung để giúp các nhà nhập khẩu duy trì hoạt động kinh tế bình thường, để tăng trưởng GDP không bị ảnh hưởng bởi giá dầu hoặc khí đốt tăng quá cao.

"Nga không thể tuyên bố là một nhà cung cấp đáng tin cậy" mà chỉ tuân thủ một cách cứng nhắc theo hợp đồng cung cấp. Cố vấn Hochstein thừa nhận rằng, Moscow không vi phạm bất kỳ điều luật nào. Nhưng ông cho rằng, có vẻ như chính sách năng lượng của Nga là “không bao giờ để một cuộc khủng hoảng trở nên lãng phí”. “Thật không may, tôi nghĩ đó là cách họ đã hành xử không đẹp”, ông Hochstein nói.

Tổng thống Nga Putin nói gì?

Đưa ra quan điểm về cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, tại cuộc họp báo lớn thường niên lần thứ 18, vào chiều 23/12, tại Trung tâm Triển lãm Manezh ở thủ đô Moscow, Tổng thống Putin cho rằng, châu Âu đã tự tạo ra cuộc khủng hoảng khi quyết định từ bỏ các hợp đồng dài hạn và chuyển sang mua hàng trên thị trường giao ngay.

"Tôi muốn nhắc lại rằng, chúng tôi đã tư vấn, "không có lý do gì để loại bỏ các hợp đồng dài hạn, nhưng Ủy ban châu Âu liên tục nói với chúng tôi rằng, thị trường sẽ quyết định tất cả. Vì vậy, hiện giờ, thị trường đã quyết định 2.000 USD hoặc cao hơn nữa cho mỗi nghìn mét khối. Bạn đã dọn giường cho mình và bây giờ là nằm lên đó", ông Putin nói.

Tổng thống Putin cũng nói thêm rằng, người châu Âu không nên nghĩ rằng, họ có thể dự tính hết mọi việc. Những vấn đề họ tự tạo ra nên để họ giải quyết. Mặc dù Nga đã sẵn sàng giúp đỡ và sẽ tiếp tục làm điều đó. Nhưng ông Putin cũng nhắc lại rằng, nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của Nga - Gazprom đã hoàn thành tốt nghĩa vụ nhà cung cấp theo đúng các hợp đồng xuất khẩu hiện có của mình.

"Và không chỉ hoàn thành đầy đủ hợp đồng, Gazprom cũng đã cố gắng tăng nguồn cung cấp tới các khách hàng ở vực châu Âu, tôi nghĩ là khoảng 12%, hoặc 20%. Theo như tôi biết, đó là công ty toàn cầu duy nhất đã làm được điều này", Tổng thống Nga Putin khẳng định.