Trong khi các nhà lãnh đạo đang chuẩn bị đưa ra những cam kết về nỗ lực kéo dài ba thập kỷ này, thì một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn của kỷ nguyên xanh đang diễn ra.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra được ví như lời cảnh tỉnh rằng cuộc sống hiện đại cần một lượng điện năng dồi dào. (Nguồn: Reuters) |
Cơn hoảng loạn năng lượng
Từ tháng 5/2021, giá các nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu, than và khí đốt đã tăng tới 95%. Anh, quốc gia chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh COP26, đã phải đưa các nhà máy điện sử dụng than trở lại hoạt động, trong khi giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức 3 USD/gallon.
Trung Quốc và Ấn Độ đã phải tiến hành cắt điện luân phiên và hạn chế sử dụng năng lượng ở một số khu vực.
Cuộc khủng hoảng năng lượng này được ví như lời cảnh tỉnh rằng cuộc sống hiện đại cần một lượng điện năng dồi dào. Khi thiếu hụt năng lượng, hóa đơn tiền điện sẽ trở nên quá đắt đỏ, các gia đình phải chống chọi với cái lạnh và hoạt động kinh doanh trở nên trì trệ.
Cơn hoảng loạn này cũng phơi bày nhiều vấn đề sâu sắc hơn khi thế giới chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng sạch, như thiếu đầu tư vào năng lượng tái tạo và một số loại nhiên liệu hóa thạch chuyển tiếp (tức là sử dụng tạm thời trong khi ngừng hoàn toàn sử dụng than, trước khi các loại nhiên liệu tái tạo được phát triển), rủi ro địa chính trị leo thang và các chính sách phòng chống rủi ro thiếu chắc chắn trong thị trường năng lượng.
Nếu không nhanh chóng cải cách, thế giới sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều những cơn khủng hoảng năng lượng, và thậm chí là phản đối của người dân về các chính sách biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế toàn cầu trở lại guồng quay, nhu cầu năng lượng tăng vọt trở lại ngay cả khi nhiên liệu dự trữ ở mức thấp nguy hiểm. Lượng dầu dự trữ đang ở mức 94% so với mức thông thường, lượng khí đốt dự trữ của châu Âu ở mức 86%, và lượng than của Trung Quốc và Ấn Độ ở ngưỡng 50%.
3 vấn đề phủ bóng lên thị trường năng lượng
Các vấn đề khúc mắc có thể được giải quyết, Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể miễn cưỡng tăng sản lượng dầu và khí đốt. Tuy nhiên, cái giá phải trả sẽ là lạm phát leo thang và tăng trưởng trì trệ. Và những áp lực tương tự có thể sẽ xảy ra trong tương lai.
Hiện nay có 3 vấn đề phủ bóng lên thị trường năng lượng.
Trước hết, đầu tư năng lượng đang bị thu hẹp nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải trước năm 2050. Đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo cũng cần phải được chú trọng hơn. Cung-cầu trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm cần giảm nhằm tránh tạo ra mức chênh lệch nguy hiểm.
Nhiên liệu hóa thạch đáp ứng 83% nhu cầu năng lượng sơ cấp, và con số này cần được giảm xuống mức 0%. Đồng thời, cần chuyển đổi nhiên liệu sử dụng để sản xuất điện từ than sang dầu và cuối cùng là khí đốt tự nhiên với lượng phát thải bằng một nửa than. Nhưng những mối đe dọa về pháp lý, áp lực từ nhà đầu tư và những lo sợ về sự thay đổi quy định đã khiến đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch giảm 40% kể từ năm 2015.
Nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia tại châu Á, cần phải đưa khí đốt trở thành loại nhiên liệu chuyển tiếp vào những năm 2020 và 2030. Bên cạnh đó, các nước cũng cần xây dựng các đường ống dẫn nhiên liệu bởi phần lớn các quốc gia nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Hiện tại có quá ít những dự án đang được triển khai.
Theo Bernstein, một công ty nghiên cứu, thiếu hụt LNG toàn cầu có thể tăng từ mức 2% nhu cầu hiện nay lên 14% nhu cầu trước năm 2030.
Thứ hai là địa chính trị. Do những nền kinh tế tiên tiến giàu có ngừng sản xuất nhiên liệu hóa thạch khiến vai trò nguồn cung chuyển sang những nước khác có chi phí thấp hơn, ví dụ như Nga.
Thị phần sản lượng dầu của Nga trong nhóm OPEC+ (gồm OPEC và các nước đồng minh) có thể tăng từ mức 46% hiện tại lên mức 50% hoặc hơn trước năm 2030. Nga là nguồn cung cấp 41% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu, và lợi thế của họ sẽ càng lớn hơn khi họ đưa đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) vào hoạt động.
Khi Nga phát triển thị trường châu Á, nước này có thể hạn chế nguồn cung tới các quốc gia hiện hữu.
Cuối cùng là cơ cấu của thị trường năng lượng. Sau khi bãi bỏ quy định vào những năm 1990, nhiều quốc gia đã chuyển đổi từ những ngành công nghiệp năng lượng quốc hữu già cỗi sang một hệ thống mở hơn, cho phép giá khí đốt và điện do thị trường quyết định, với các nhà cung cấp cạnh tranh với nhau và bổ sung nguồn cung khi giá cả tăng vọt.
Nhưng những nhà cung cấp này đang phải đối mặt với thực tế mới rằng sản lượng nhiên liệu hóa thạch đang giảm dần, và thị phần ngày càng cao của năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió.
Tương lai năng lượng xanh
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng năng lượng này đang làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết quá trình chuyển đổi năng lượng cần phải “chắc chắn và kịp thời”, ý chỉ rằng họ sẽ tiếp tục sử dụng than.
"Cơn sốc" năng lượng này đưa ra thông điệp rằng các lãnh đạo tại hội nghị COP26 phải làm nhiều hơn là chỉ cam kết và giải quyết những chi tiết trong quá trình chuyển đổi năng lượng. (Nguồn: Arab News) |
Dư luận tại các quốc gia phương Tây, bao gồm Mỹ, phần lớn hậu thuẫn sử dụng năng lượng sạch, nhưng có thể thay đổi do chi phí cao.
Các chính phủ cần tái thiết kế thị trường năng lượng. Những chính sách vùng đệm an toàn lớn hơn sẽ giúp hấp thụ tình trạng khan hiếm và đối phó với nguy cơ gián đoạn năng lượng tái tạo. Các nhà cung cấp năng lượng cũng cần có nguồn dự trữ lớn hơn.
Chính phủ có thể mời các công ty tới đấu thầu các hợp đồng cung cấp năng lượng dự phòng. Phần lớn nguồn dự trữ sẽ bao gồm khí đốt cho tới khi các thành tựu công nghệ pin và hydrogen có thể thay thế. Những kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy hạt nhân hơn, cũng như hấp thụ lại và lưu trữ carbon dioxide sẽ là những yếu tố thiết yếu để cung cấp một lượng năng lượng sạch và đáng tin cậy.
Nguồn cung đa dạng hơn cũng sẽ giúp giải quyết vấn đề những quốc gia dầu mỏ có vai trò quá lớn như Nga. Một bước tiến quan trọng là thành lập những doanh nghiệp trong mảng khí tự nhiên hóa lỏng.
Trong tương lai, các nước có thể yêu cầu đẩy mạnh thương mại điện toàn cầu, giúp các quốc gia nhiều gió hoặc ánh sáng Mặt Trời với lượng năng lượng tái tạo dồi dào, có thể xuất khẩu điện dư thừa.
Ngày nay chỉ có 4% lượng điện năng tại các quốc gia giàu có được giao dịch xuyên biên giới, so với mức 24% của khí đốt toàn cầu và 46% của dầu mỏ.
Xây dựng mạng lưới truyền tải điện dưới lòng biển cũng là một phần giải pháp, và biến đổi năng lượng sạch thành khí hydro để vận chuyển bằng tàu thủy cũng sẽ có tác động tích cực.
Tất cả những giải pháp này yêu cầu đầu tư vào ngành năng lượng tăng gấp đôi lên mức 4.000-5000 tỷ USD mỗi năm.
Giải pháp lý tưởng là đưa ra một mức chi phí phát thải carbon tổng quát giúp giảm mức phát thải khí carbon, đồng thời cho phép các công ty đánh giá khả năng mang lại lợi nhuận của các dự án, và tăng thuế thu nhập để hỗ trợ những bên chịu thiệt hại từ quá trình chuyển đổi năng lượng.
Thế nhưng, hiện tại kế hoạch định giá chỉ áp dụng với 1/5 các loại khí thải.
"Cơn sốc" năng lượng này đã đưa ra thông điệp rằng các lãnh đạo tại hội nghị COP26 phải làm nhiều hơn là chỉ cam kết và giải quyết những chi tiết trong quá trình chuyển đổi năng lượng.