📞

Khủng hoảng nhân đạo kép ở Dải Gaza

SƠN TRÀ 17:45 | 16/05/2021
Các màn đấu rocket giữa Israel và Hamas, các cuộc không kích quy mô lớn của Israel và làn sóng Covid-19 chưa lắng khiến những người dân ở Dải Gaza đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Người dân ở Dải Gaza đang trong tình cảnh hứng chịu khủng hoảng nhân đạo kép do căng thẳng quân sự leo thang và làn sóng Covid-19. Trong ảnh: Dân thường ở Dải Gaza tránh không kích ở trong trường học. (Nguồn: DW)

Khi sắp ném bom các mục tiêu ở Dải Gaza, lực lượng không quân Israel đôi khi phát cảnh báo để cho dân thường có thời gian ẩn nấp.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên quân đội Israel cho biết, điều đó trở nên hiếm hoi trong thời gian gần đây, đặc biệt khi mục tiêu của các cuộc không kích nhằm vào mạng lưới đường hầm của tổ chức Hamas ở Dải Gaza.

Theo các quan chức Israel, nhóm Hồi giáo Palestine Hamas, nắm quyền kiểm soát chính trị Dải Gaza từ năm 2007, tích hợp các cấu trúc quân sự của mình vào các cơ sở dân sự.

Các số liệu của Israel cho thấy có khoảng 2.000 quả rocket rơi xuống Israel kể từ hôm thứ Hai, phần lớn được bắn từ các khu dân cư ở Dải Gaza.

Giống như các cuộc đụng độ bạo lực trước đó trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, những dân thường ở Dải Gaza luôn là đối tượng chịu gặp nhiều khó khăn nhất. Theo số liệu của Liên hợp quốc, khoảng 10.000 người ở Dải Gaza đã rời bỏ nhà cửa vì sợ rằng Israel đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ.

Những đứa trẻ vô tội

Điều khiến những người tị nạn ở Dải Gaza khác biệt với người dân ở tất cả các khu vực xung đột khác trên thế giới là họ không có lối thoát nào ra ngoài do vướng các hàng rào dọc biên giới. Nếu không có giấy phép do Israel hoặc nước láng giềng phía nam là Ai Cập cấp, họ không thể nào rời khỏi mảnh đất rộng 360 km vuông nơi họ đang cư trú.

Mười sáu trường học do Cơ quan cứu trợ và hành động của Liên hợp quốc (UNRWA) điều hành, đã trở thành nơi trú ẩn khẩn cấp cho người dân để tránh các đợt không kích của Israel.

Ông Matthias Schmale, Giám đốc UNWRA chịu trách nhiệm hỗ trợ nhân đạo cho người tị nạn ở các vùng lãnh thổ của Palestine, cho biết cơ quan này sẽ nỗ lực hết sức nhằm hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho những người dân ở Dải Gaza.

Có khoảng 140 người đã thiệt mạng và 1.000 người bị thương ở Dải Gaza kể từ khi Israel bắt đầu các cuộc không kích vào đầu tuần.

Theo các nhân viên cứu trợ Palestine, sáng sớm ngày thứ Bảy, 15/5, có 10 thành viên của một đại gia đình, bao gồm tám trẻ em, đã chết trong một cuộc tấn công vào một ngôi nhà ở trại tị nạn Shati.

Cha của các em đau xót: "Những đứa trẻ không mang theo vũ khí, không bắn tên lửa. Chúng đang mặc những bộ quần áo đẹp nhất để chuẩn bị cho lễ Eid al-Fitr – ngày lễ người Hồi giáo tổ chức vào cuối tháng ăn chay Ramadan”.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có tổng cộng 40 trẻ em đã thiệt mạng ở Gaza kể từ hôm thứ Hai.

Thiếu hụt nhu yếu phẩm

Xung đột leo thang giữa Israel và Palestin cũng khiến hoạt động của các tổ chức nhân đạo ở Dải Gaza, nơi phần lớn người dân sống dựa vào viện trợ nhân đạo, trở nên khó khăn hơn.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), năm 2019, có 75% dân số trong số 1,6 triệu người ở Dải Gaza sống phụ thuộc vào thực phẩm viện trợ. Thuốc chữa bệnh cơ bản cũng khan hiếm ở vùng đất này.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric khuyến cáo: "Sự leo thang quân sự những ngày qua gây ra nhiều đau khổ và tàn phá, cướp đi sinh mạng của rất nhiều dân thường, bao gồm cả trẻ em. Giao tranh có khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo không thể giải quyết và tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan, không chỉ ở Israel và Palestine, mà còn trong toàn bộ khu vực".

Bên cạnh đó, điện và nước uống là những thứ thường xuyên khan hiếm. Trong bối cảnh các cửa khẩu biên giới với Israel bị đóng cửa hoàn toàn kể từ ngày 10/5, nhiên liệu không được chuyển đến Dải Gaza. Dầu diesel, một loại nhiên liệu đang cần gấp cho xe cứu thương và máy phát điện, cùng những thứ khác đều thiếu hụt.

Ông Matthias Schmale cho biết thực phẩm của cơ bản của người dân Dải Gaza đang tương đối đủ nhưng cũng không giấu sự lo lắng về nguồn lương thực sẽ bị thiếu hụt nhanh chóng trong thời gian tới.

Không chỉ khó khăn về đời sống vật chất, theo ông Schmale, những hệ quả sau 14 năm Dải Gaza bị phong tỏa, những tác động từ các cuộc xung đột ở biên giới giai đoạn 2018-2019 và giờ là đại dịch Covid-19, nhiều người dân Dải Gaza đang gặp các bị các di chứng tâm lý.

Làn sóng Covid-19 tiếp đà bùng phát

Mối đe dọa từ virus SARS-CoV-2 cũng khiến những người dân ở Dải Gaza gặp thêm những khó khăn chồng chất.

Biến thể B.1.1.7, lần đầu tiên xuất hiện ở Anh, gây ra làn sóng Covid-19 thứ hai ở Dải Gaza. Trong khi 62% dân số Israel được tiêm vaccine thì con số đó ở vùng lãnh thổ Palestine chỉ là 5%.

Theo Tổ chức Bác sĩ không biên giới, tính đến đầu tháng 5, Dải Gaza – diện tích nhỏ hơn nhiều và có ít cư dân hơn khu Bờ Tây - chiếm hơn 60% các trường hợp nhiễm Covid-19 trên lãnh thổ Palestine. Hiện có hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày ở Dải Gaza. Các bệnh viện đã kín chỗ.

Trong khi làn sóng Covid-19 thứ hai ở Dải Gaza đang có dấu hiệu lắng xuống thì cuộc leo thang quân sự khiến cho tình hình trở nên khó kiểm soát.

Giám đốc UNRWA Schmale lo sợ nếu có một cuộc tấn công trên bộ, các bệnh viện sẽ nhanh chóng quá tải. Ông Schmale bày tỏ: “Đó sẽ là cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng".

(theo DW)