Các quốc gia như Singapore, Thái Lan và Việt Nam đang có tốc độ già hóa đáng báo động, nếu không được điều chỉnh sẽ sớm chuyển đổi thành các xã hội siêu già. (Nguồn: AFP) |
Khi người cha già 85 tuổi phải nhập viện sau vài cơn đột quỵ vào năm 2020, Lorraine (28 tuổi) sinh sống tại Singapore buộc phải dành toàn bộ thời gian để chăm sóc đấng sinh thành. Vì là con một và không có anh chị em ruột nên Lorraine phải làm quen với công việc của một người chăm sóc người già, khiến kế hoạch học lên cao của cô bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Tôi đã đăng ký theo học chương trình Thạc sĩ toàn thời gian nhưng phải chuyển sang làm bán thời gian và làm việc cùng lúc để giảm bớt gánh nặng về tài chính cho gia đình, chi trả phí thuê người giúp việc", cô chia sẻ.
"Quả bom hẹn giờ" về nhân khẩu học
Trong hai năm tiếp theo, Lorraine liên tục phải di chuyển giữa trường đại học và bệnh viện để chăm sóc cha mình, không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. "Việc phải chứng kiến sức khỏe của ông ngày một xấu đi, từ việc có thể đi lại và nói chuyện đến việc nằm liệt giường hoàn toàn và gần như không nói được và không thể nhớ bất kỳ ai trong gia đình là điều không hề dễ dàng với tôi", Lorraine cho biết.
Dân số Singapore đang già đi nhanh chóng. Năm 2010, khoảng 10% dân số của đảo quốc sư tử ở độ tuổi 65 trở lên. Đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng lên 18,4%. Trong vòng chưa đầy 6 năm tới, quốc gia phát triển nhất Đông Nam Á với dân số chưa đến 6 triệu người dự kiến sẽ có hơn 900.000 người nằm nhóm tuổi này.
Mặc dù đã quá tuổi nghỉ hưu tối thiểu 3 năm, chuyên gia tư vấn 63 tuổi sinh sống tại Kuala Lumpur (Malaysia) Santokh Singh vẫn tiếp tục làm việc khi nhận thấy lương hưu và tiền tiết kiệm của mình sẽ khó có thể duy trì cuộc sống trong những năm tháng cuối đời.
"Nếu tôi tiết kiệm đủ tiền để nghỉ hưu, tôi sẽ tự tin để nghỉ ngơi vì được đảm bảo về mặt tài chính", ông chia sẻ, đồng thời cho biết thêm mục tiêu chính của ông khi về già là theo đuổi hạnh phúc và tạo dựng thêm những mối quan hệ mới để không bị rơi vào tình trạng bị cô lập, trì trệ.
Malaysia cũng là quốc gia Đông Nam Á đang trải qua sự thay đổi nhân khẩu học đáng kể trước bối cảnh già hóa dân số. Dữ liệu của chính phủ cho thấy tỷ lệ cư dân từ 65 tuổi trở lên đã tăng lên 7,4% vào năm ngoái. Các dự báo cho thấy xu hướng này sẽ tăng tốc trong những năm tới. Đến năm 2030, đất nước này dự kiến sẽ có 15% dân số từ 60 tuổi trở lên, và đến năm 2056, con số này sẽ tăng lên 20%, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.
Các chuyên gia xã hội học nhận định, cùng với nền kinh tế phát triển nhanh chóng, châu Á cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ tình trạng già hóa dân số. Chi phí chăm sóc sức khỏe và quỹ lương hưu đang tăng lên, trong khi nguồn thuế từ lực lượng lao động đang giảm, tạo nên một "quả bom hẹn giờ" về nhân khẩu học.
Theo dự báo của Liên hợp quốc, ước tính, đến năm 2050, châu Á - Thái Bình Dương sẽ là nơi sinh sống của 1,3 tỷ người từ 60 tuổi trở lên. Trong đó, Đông Nam Á được dự báo sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ sự thay đổi nhân khẩu học này, với hơn 170 triệu người cao tuổi chiếm 22% dân số của khu vực.
Các quốc gia như Singapore, Thái Lan và Việt Nam đang có tốc độ già hóa đáng báo động, nếu không được điều chỉnh sẽ sớm chuyển đổi thành các xã hội siêu già.
Lấy đề tài về người cao tuổi, mới đây bộ phim của đạo diễn người Thái Pat Boonnitipat có tên Gia tài của ngoại ngay khi ra mắt đã tạo cơn sốt khắp châu Á khi phản ánh chân thực cuộc sống nhiều thách thức giữa nỗi lo về kinh tế, gánh nặng tuổi tác và tình yêu gia đình - một trải nghiệm mà hàng triệu khán giả từ Thái Lan cho tới Singapore, Indonesia đều cảm thấy quen thuộc, gần gũi. "Ai cũng có gia đình...đó là lý do tại sao bộ phim này lại gây tiếng vang đến như vậy", đạo diễn Pat Boonnitipat chia sẻ.
Nền "kinh tế bạc" dựa trên người già
“Già hóa dân số sẽ thay đổi hoàn toàn cách xã hội chúng ta hoạt động. Từ nền kinh tế, hệ thống chăm sóc sức khỏe, kế hoạch nghỉ hữu cũng cần thay đổi làm sao để những người cao tuổi có thể duy trì sự năng động và khỏe mạnh, tiếp tục có những đóng góp cho xã hội và sống một cuộc đời trọn vẹn”, cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh trong một bài phát biểu vào tháng 4/2023.
Dẫn đầu bởi Bộ Y tế, Bộ Giao thông và Phát triển quốc gia, sáng kiến Age Well SG chính thức được cựu Thủ tướng Lý Hiển Long công bố vào năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh của đảo quốc sư tử. (Nguồn: The Straits Times) |
Với dân số nhỏ, kế hoạch hóa tập trung mạnh mẽ và thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 5.100 SGD (gần 3.770 USD), Singapore là một trong những quốc gia có vị thế tốt nhất ở châu Á có thể thích ứng với những thách thức về nhân khẩu học.
Chính phủ của đảo quốc này có kế hoạch dành ra khoảng 2,5 tỷ USD trong thập kỷ tới cho sáng kiến Age Well SG hướng tới cải thiện các dịch vụ chăm sóc tại nhà, đưa các tiện nghi thân thiện với người cao tuổi vào các khu dân cư, cùng hàng loạt biện pháp khác.
Dẫn đầu bởi Bộ Y tế, Bộ Giao thông và Phát triển quốc gia, sáng kiến Age Well SG chính thức được cựu Thủ tướng Lý Hiển Long công bố vào năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh của đảo quốc sư tử.
Đảo quốc này cũng thực hiện nhiều bước đi cụ thể nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ cho người cao tuổi khi triển khai các khu nhà ở công cộng hỗ trợ sinh hoạt, có thiết kế dành cho xe lăn và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ, giúp theo dõi tình trạng khẩn cấp.
Các trạm xe bus trên khắp đất nước cũng đã được cải tạo, với đồ họa chỉ đường đầy màu sắc để hỗ trợ những người mắc chứng mất trí nhớ. Năm 2017, Singapore cũng cho mở "làng hưu trí" đầu tiên - một cộng đồng được thiết kế nhằm hỗ trợ các cư dân cao tuổi sống tự lập, với các tiện nghi như vườn cộng đồng và trung tâm y tế.
Ngoài cơ sở hạ tầng , Singapore cũng đang củng cố mạng lưới các trung tâm xã hội và giải trí dành cho người cao tuổi. Hơn 150 trung tâm được lập ra cung cấp nhiều chương trình, từ các lớp thể dục đến các câu lạc bộ tình nguyện.
Dù mới đi vào hoạt động nhưng một số làng hưu trí như GreenAcres ở Ipoh và Pacific Senior Living ở Klang (Malaysia) đã nhận được nhiều phản hồi tích cực khi cung cấp những tiện ích đa dạng cho người cao tuổi: căn hộ 1-2 phòng ngủ, nhân viên phục vụ 24 giờ, không gian chung để ăn uống và giao lưu, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe - bao gồm liệu pháp chuyên khoa cho chứng mất trí, cơ hội tham gia các hoạt động thể chất.
Tiến sĩ S. Kantha Ruban Sivalingam, bác sĩ đa khoa và là thành viên Hội đồng Hiệp hội Lão hóa khỏe mạnh Malaysia, đang kêu gọi chính phủ vào cuộc. "Xã hội đang già hóa là một thực tế cần chính phủ phải can thiệp chủ động. Bằng cách ưu tiên chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ xã hội và an ninh kinh tế cho người cao tuổi, Malaysia có thể mở đường cho một xã hội hòa nhập và nhân ái hơn", ông nói.