Trong giai đoạn 2018 - 2022, FDI vào SEA-6 tăng 37% trong khi FDI vào Trung Quốc chỉ tăng 10%. (Nguồn: Bloomberg) |
Mức thuế quan và chi phí sản xuất gia tăng cũng đang làm giảm khả năng cạnh tranh của Bắc Kinh.
Báo cáo mới về tình hình đầu tư trong khu vực do Angsana Council, Bain & Company và DBS Bank công bố hôm 1/8 dự báo, tăng trưởng đầu tư nước ngoài vào Đông Nam Á sẽ tiếp tục vượt xa Trung Quốc trong 10 năm tới, đảo ngược tình trạng đầu tư giảm tại khu vực này trong 3 thập kỷ qua.
Theo Báo cáo Vượt qua sóng gió: Triển vọng Đông Nam Á 2024-2034, năm 2023, vốn FDI chảy vào 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á (SEA-6) - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam – đạt 206 tỷ USD, so với 43 tỷ USD vào Trung Quốc.
Báo cáo cũng cho thấy, trong giai đoạn 2018 - 2022, FDI vào SEA-6 tăng 37% trong khi FDI vào Trung Quốc chỉ tăng 10%.
“Do tăng trưởng nội địa mạnh mẽ và chiến lược Trung Quốc +1, chúng tôi ngày càng lạc quan rằng Đông Nam Á sẽ vượt qua Trung Quốc về cả tăng trưởng GDP và FDI trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, những khoản đầu tư đa quốc gia sẽ có tính cạnh tranh cao, khi các nước trong khu vực đẩy mạnh cải thiện kết quả cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng”, ông Charles Ormiston, Đối tác tư vấn tại Bain & Company và Chủ tịch Hội đồng Angsana cho biết.
Tin liên quan |
Sở hữu thế mạnh độc đáo, đây là cách các nhà sản xuất Trung Quốc 'hốt bạc' tại Olympic Paris 2024 |
Ông Charles Ormiston lưu ý, cùng với ASEAN, FDI cũng đang tăng trưởng nhanh chóng ở Ấn Độ và nhanh hơn Trung Quốc trong thập kỷ qua, dù vậy vẫn chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng và quy mô ở Đông Nam Á.
Trong số các nước SEA-6, Singapore giữ vị trí dẫn đầu với lượng vốn FDI bình quân theo đầu người cao nhất. Dù có phần chậm hơn so với các quốc gia trong khu vực nhưng Malaysia cũng không muốn "bỏ lỡ cuộc chơi" khi cam kết nỗ lực đảo ngược xu hướng này, đặc biệt là việc thúc đẩy lợi ích trong các ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử và trung tâm dữ liệu.
FDI ở Đông Nam Á được dự báo có thể vượt qua Trung Quốc trong 10 năm tới, đặc biệt là khi khu vực này đã thu hút được nguồn vốn nước ngoài lớn vào các lĩnh vực mới nổi quan trọng là sản xuất xe điện (EV), sản xuất pin EV, sản xuất chất bán dẫn và cung cấp trung tâm dữ liệu.
Với lĩnh vực sản xuất xe điện, Thái Lan và Indonesia đang thu hút được nhiều FDI nhất, khoảng 14 tỷ USD trong 5 năm qua, nhờ vào ngành công nghiêp phụ trợ phát triển mạnh mẽ cùng nhiều ưu đãi, hỗ trợ từ phía chính phủ. Indonesia thống trị trong lĩnh vực sản xuất pin xe điện nhờ vào trữ lượng nickel dồi dào với FDI đạt 26 tỷ USD rót đều đặn trong 5 năm qua.
Trong cuộc đua chất bán dẫn, Malaysia và Singapore đứng đầu danh sách với việc thu hút 38 tỷ USD từ vốn FDI. Singapore chuyên chế tạo tấm bán dẫn silicon (wafer) hoặc chuyển đổi nguyên liệu thô thành chip nhỏ, trong khi Malaysia dẫn đầu về đóng gói và thử nghiệm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để duy trì đà tăng trưởng FDI, ASEAN cần tiếp tục cải thiện quy trình cung cấp dịch vụ và liên tục đổi mới - hai khâu được đánh giá là còn tụt hậu so với Trung Quốc.
“Đông Nam Á đang ở thời điểm chuyển giao. Chúng ta có cơ hội để cân nhắc về việc tận dụng công nghệ một cách có ý nghĩa – sử dụng công nghệ để thúc đẩy nhiều đổi mới hơn trong khu vực tư nhân của khu vực”, Peng T. Ong, đồng sáng lập kiêm đối tác quản lý của Monk’s Hill Ventures nhận định.
Dù vậy, theo báo cáo, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất có chi phí thấp nhất thế giới. “Khi các công ty tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng từ Trung Quốc, điều quan trọng là phải nhận ra tính cạnh tranh liên tục của chuỗi logistic hùng mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ”, báo cáo cho biết, đồng thời lưu ý quốc gia Đông Bắc Á này có những lợi thế đặc biệt và hiếm thấy so với các thị trường phát triển hơn.
"Ngay cả khi chi phí lao động tăng thì vẫn thấp hơn so với các nước G7, chưa kể Trung Quốc sẽ có nhóm nhân tài kỹ thuật và nghiên cứu lớn nhất toàn cầu", Báo cáo lưu ý.
Báo cáo cũng cho rằng, thị trường nội địa "siêu khủng" của Trung Quốc đáp ứng được hầu hết các sản phẩm và quy mô các cơ sở sản xuất của nước này cũng khó có thể sao chép ở bất cứ nơi nào khác.
| Vụt sáng trở thành 'ngôi sao' trong thu hút FDI của thế giới, Việt Nam có thể học hỏi được kinh nghiệm gì từ Ấn Độ? Thời gian qua, chính phủ Ấn Độ, với chương trình "Make in India" đã công bố rất nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút ... |
| Trung Quốc muốn một nước Nam Mỹ gia nhập 'gia đình' Vành đai và con đường Ngày 25/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hy vọng Brazil ... |
| Chương mới trong cải cách kinh tế của Trung Quốc Trọng tâm chiến lược của Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX là tiếp tục đẩy mạnh cải cách toàn ... |
| Nga cần thị trường Trung Quốc hơn hay Bắc Kinh cần khí đốt Moscow hơn? Bất chấp kế hoạch đầy tham vọng nhằm trung hòa lượng carbon và tự cung cấp năng lượng vào năm 2060, Trung Quốc vẫn phụ ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (26/7-1/8): Nga thử nghiệm tiền số, EU ‘dọn đường’ nếu ông Trump thắng bầu cử Mỹ, sản lượng vàng Trung Quốc tăng Nga thử nghiệm giao dịch tiền kỹ thuật số, EU chuẩn bị kế sách thương mại nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc ... |