📞

'Khuôn mẫu giới và định kiến xã hội khiến nam giới chịu thêm nhiều áp lực'

Kim Thoa 08:00 | 20/08/2022
Bà Ngô Thị Thu Hà (Giám đốc Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ) cho rằng, khuôn mẫu giới và định kiến xã hội về vai trò của mỗi giới cũng khiến nam giới gặp nhiều khó khăn như phải gồng mình vì vai trò trụ cột kinh tế của gia đình.
Bà Ngô Thị Thu Hà nêu quan điểm, khuôn giới và định kiến xã hội cũng khiến nam giới phải gồng mình vì vai trò trụ cột kinh tế của gia đình. (Ảnh: FBCN)

Nhiều thách thức trong bình đẳng giới

Việt Nam đã và đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới. Vậy theo bà, những thành tựu về thu hẹp khoảng cách giới ở nước ta là gì?

Quan điểm “nam nữ bình quyền”, “bình đẳng nam nữ” hay “bình đẳng giới” và “vì sự tiến bộ của phụ nữ” được thể hiện xuyên suốt trong các cương lĩnh, hiến pháp và nhiều luật ở Việt Nam từ những năm 1930. Phụ nữ luôn được Nhà nước và xã hội xem là lực lượng quan trọng đóng góp vào việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên thế giới ký và phê chuẩn Công ước Chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ (hay còn gọi là công ước CEDAW).

Nước ta cũng là một trong những bên tham gia tích cực vào các diễn đàn khu vực và thế giới về quyền phụ nữ và trẻ em gái như Hội nghị phụ nữ thế giới lần thứ tư tổ chức tại Bắc Kinh năm 1995 hay các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm thực hiện quyền phụ nữ.

Nền tảng này cũng góp phần đem lại một số thành tựu nhất định trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới trong những năm gần đây và cần được phát huy trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ đạt 71,2%. Tỷ lệ nữ giữ vị trí lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp là 33% (so với mức trung bình của thế giới là 29%). Hay 95% doanh nghiệp Việt Nam có ít nhất 1 lãnh đạo chủ chốt là phụ nữ (so với mức trung bình trên thế giới là 87%).

Trao đổi với đại diện của các ngân hàng thương mại cho thấy, nữ doanh nhân được đánh giá cao về việc thực hiện cam kết đối với các gói vay phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam cũng đã từng có nữ Chủ tịch Quốc hội. Và lần đầu tiên, Việt Nam có nữ lãnh đạo đứng đầu các cơ quan phụ trách công tác nhân sự và tiền tệ của quốc gia.

Phong trào thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới có mức độ lan toả rộng và nhanh góp phần thay đổi định kiến xã hội về cộng đồng LGBTIQ+.

Việc Bộ Y tế ban hành văn bản khẳng định, đồng tính không phải là bệnh và yêu cầu không được kỳ thị, phân biệt đối xử trong các dịch vụ y tế đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới cũng là một thành tựu đáng ghi nhận. Những thành tựu này sẽ hướng đến những quy định tiến bộ về quyền chuyển giới và hôn nhân bình đẳng trong tương lai.

Vậy trong lĩnh vực thúc đẩy bình đẳng giới còn có những tồn tại, thách thức nào?

Thành tựu là vậy nhưng cũng còn nhiều thách thức. Một số thách thức đã được đề cập đến trong một số kết luận của Đảng và Nhà nước trong những năm gần đây như định kiến giới, thiếu sự quan tâm đúng mức của đội ngũ lãnh đạo phụ trách công tác nhân sự, nguồn lực quốc gia phân bổ cho công tác bình đẳng giới chưa tương xứng.

Đầu tiên cần kể đến là định kiến giới còn tồn tại trong bộ máy lãnh đạo và trong cộng đồng dẫn đến công tác quy hoạch, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ nữ ở một số bộ phận và một số thời điểm không đạt được yêu cầu được đề ra trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng hay trong các Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Định kiến và khuôn mẫu giới cũng trở thành gánh nặng đối với nữ lãnh đạo trong hệ thống chính trị và trong các doanh nghiệp khi phải nỗ lực để vừa hoàn thành vai trò là người vợ, người mẹ trong gia đình lại vừa hoàn thành vai trò là người lao động, người lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Trong khi đó, thời gian và sức khỏe của mỗi người có hạn.

Khuôn mẫu giới và bất cân xứng về mặt quyền lực của mỗi giới trong gia đình và xã hội cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực trên cơ sở giới. Nghiên cứu quốc gia được công bố năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có 2 phụ nữ đã từng bị bạo lực bởi chồng.

Các vấn đề về quấy rối tình dục ở nơi công cộng chưa được quan tâm một cách đúng mức để giải quyết vấn đề một cách rốt ráo. Các chế tài xử phạt các hành vi bạo lực trên cơ sở giới vẫn được xem là nhẹ và chưa có tính chất răn đe.

Khuôn mẫu giới và định kiến xã hội về vai trò của mỗi giới cũng làm cho nam giới gặp nhiều khó khăn. Nam giới phải gồng mình vì vai trò trụ cột kinh tế của gia đình. Khuôn mẫu cho rằng, nam giới phải mạnh mẽ, không được yếu đuối cũng là rào cản để nam giới lên tiếng cho những bất công của giới mình, kể cả bạo lực trên cơ sở giới đối với nam giới.

Trong lĩnh vực chính trị, tuy tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, các cơ quan dân cử và bộ máy hành chính các cấp tăng lên trong những nhiệm kỳ gần đây nhưng tăng chậm và thiếu ổn định. Phụ nữ thường giữ vị trí cấp phó trong các cơ quan thay vì giữ vị trí cấp trưởng.

Định kiến và khuôn mẫu giới cũng trở thành gánh nặng đối với nữ lãnh đạo trong hệ thống chính trị và trong các doanh nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Lồng ghép giới vào các chính sách an sinh xã hội

Vậy cần chú trọng lồng ghép bình đẳng giới vào các chính sách an sinh xã hội thế nào, thưa bà?

Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội rất quan trọng, góp phần tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và lạm phát tăng cao trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, lồng ghép giới vào các chính sách này cần có các nhân sự có kiến thức về giới vững vàng để từ đó ban hành các chính sách rõ ràng dựa trên các luận cứ đáng tin cậy.

Để bảo đảm các chính sách an sinh xã hội có trách nhiệm giới, cần có số liệu thống kê có tách biệt giới đáng tin cậy và kịp thời để những người tham mưu, thẩm định và phê duyệt các chính sách này có căn cứ ra quyết định một cách có trách nhiệm về giới.

Để lồng ghép giới tốt vào các chính sách an sinh xã hội, nhân sự tham gia quy trình ngân sách cũng cần có hiểu biết đúng về bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép giới, hay còn gọi là đảm bảo quy trình ngân sách có trách nhiệm giới.

Tuy nhiên, chính sách an sinh xã hội có trách nhiệm giới không có nghĩa là chỉ dành riêng cho phụ nữ mà còn được cân nhắc dựa trên tính dễ bị tổn thương của bất kỳ giới nào. Theo tôi, cần đặc biệt chú ý đến người khuyết tật, người thiểu số về dân tộc, người di cư, trẻ em và một số nhóm bị lề hoá khác.

Nhìn ra các nước khu vực ASEAN, theo bà, chúng ta có thể học được kinh nghiệm gì trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới?

Vấn đề phụ nữ và trẻ em được quan tâm ở cấp quốc gia và cấp khu vực Đông Nam Á thể hiện qua việc hình thành và duy trì hoạt động của Ủy ban Thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em (ACWC) – là bộ phận thuộc Uỷ ban Liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR).

Cơ hội làm việc với các chuyên gia và tổ chức trong khu vực cho thấy, đại diện một số nước trong ACWC và AICHR rất tích cực đề xuất các sáng kiến về quyền phụ nữ và trẻ em. Họ cởi mở để đối thoại và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ hoạt động về bình đẳng giới đến từ các quốc gia thành viên ASEAN.

Một số sáng kiến chung về phòng chống buôn bán người, bảo vệ lao động di cư, nâng cao năng lực kinh tế cho phụ nữ, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Công ước CEDAW cũng được các tổ chức phi chính phủ thực hiện. Bảo đảm cơ chế để các tổ chức phi chính phủ có thể triển khai các sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới và quyền phụ nữ cũng góp phần xoá bỏ bất bình đẳng giới.

Qua đây, tôi mong đại diện của Việt Nam tại AICHR và ACWC chủ động hơn để tổ chức các hoạt động, nhằm cập nhật thông tin cho cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ về các sáng kiến về bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em do Việt Nam đề xuất và nỗ lực thực hiện với vai trò là thành viên ASEAN. Qua đó, có thể phối hợp cùng các tổ chức phi chính phủ thực hiện các sáng kiến này ở phạm vi quốc gia cũng như trong khu vực.

Công nghệ số là giải pháp để cá nhân, tổ chức tiếp thị hình ảnh

Là một phụ nữ trong thời đại số, theo bà, phụ nữ Việt cần làm gì để không bị lỗi nhịp trước sự chuyển biến nhanh chóng của thời cuộc, cần thể hiện mình ra sao và quảng bá, tiếp thị hình ảnh của mình thế nào?

Công nghệ số quả thực là một giải pháp năng động cho phép mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quảng bá, tiếp thị hình ảnh của mình. Tôi vẫn thường nói, mọi người có thể nắm được hồ sơ của mỗi cá nhân, tổ chức thông qua lịch sử tương tác trên môi trường số.

Môi trường số cho phép mỗi cá nhân, tổ chức sớm nắm bắt được các quy định của nhà nước và các cơ hội học tập, kinh doanh. Môi trường số cũng cho phép tôi thực hiện các nghiên cứu mà nếu không có nó thì tôi không thể thực hiện được hoặc để thực hiện được thì tốn rất nhiều nguồn lực về thời gian, nhân sự và tài chính.

Nó cho phép tôi biết được cuộc sống, công việc của người thân, bạn bè và đồng nghiệp cũng như tìm kiếm những người mà nếu không có nó thì tôi khó có thể tiếp cận được.

Tôi không phải chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số nhưng với công việc hiện tại, nó cho tôi cơ hội học hỏi thêm về đối thoại mang tính xây dựng trên mạng xã hội, cách bảo vệ bí mật cá nhân trước các nhà cung cấp dịch vụ hay cách nhận biết và vượt qua các vụ lừa đảo trên mạng.

Là một người làm công tác xã hội, tôi luôn để ý đến các thông điệp mà mình muốn chuyển tải thông qua các tài khoản mạng xã hội của mình. Tôi cũng luôn ý thức rằng các thông tin thuộc về bí mật cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp mà mình có liên quan cần phải được bảo vệ một cách tuyệt đối, kể cả người thân trong gia đình mình.

Xin cảm ơn bà!