📞

Khuyên học sinh không thi lớp 10: Không nên dùng điểm số là tham số duy nhất để tư vấn, hướng nghiệp

ThS. Phạm Thị Khánh Ly* 14:00 | 22/05/2024
Nếu chỉ dựa trên điểm số những kỳ khảo sát các môn học thi vào lớp 10 là thiếu thông tin, dễ dẫn đến sự chủ quan trong tư vấn, định hướng.
ThS. Phạm Thị Khánh Ly cho rằng, không thể dựa trên điểm số các kỳ khảo sát môn học thi lớp 10 để tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.

Nhiều năm gần đây, hiện tượng vận động, khuyên học sinh viết đơn xin không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập được dư luận quan tâm. Bộ GD&ĐT và một số địa phương đã yêu cầu các trường phải chấn chỉnh nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Đây là điều đáng báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền học tập của học sinh.

Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng, phân luồng học sinh là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp của mỗi con người và sự phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Ở Việt Nam, phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cần giải pháp đồng bộ, trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng lâu nay trọng trách lại đặt nặng lên ngành Giáo dục và xã hội cũng chỉ nhìn về phía ngành này, vì đối tượng trực tiếp là học sinh THCS.

Phân luồng học sinh sau THCS là vấn đề khó, bởi tư vấn, định hướng nếu không cẩn trọng, người tư vấn cũng như phụ huynh, học sinh không hiểu rõ sẽ dễ gây ra hiểu lầm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng theo tôi có 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất là sự thiếu đồng bộ trong công tác hướng nghiệp, phân luồng sau THCS, sự truyền thông của cơ quan quản lý, nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đạt được hiệu quả. Từ đó dẫn đến hiểu biết của chính giáo viên, phụ huynh và học sinh còn hạn chế. Một khi hiểu biết còn hạn chế, thiếu công tâm, phiến diện thì khi tư vấn sẽ dẫn đến thiếu lòng tin nơi phụ huynh, học sinh, dẫn tới mâu thuẫn, xôn xao dư luận.

Thứ hai, việc hướng nghiệp chưa được đặt đúng vị trí của nó trong chương trình giáo dục tại nhiều nhà trường. Đương nhiên việc này sẽ ít được coi trọng, trong khi đó, không nhiều giáo viên được đào tạo bài bản hay có kinh nghiệm về hướng nghiệp.

Thứ ba, việc áp lực thi cử, thành tích của giáo viên, nhà trường, kỳ vọng của phụ huynh.

Tất cả những nguyên nhân này có thể kéo lệch mục đích tốt đẹp của phân luồng, hướng nghiệp ở cấp THCS. Nhưng quan trọng là nó có thể gây mất niềm tin ở phụ huynh và học sinh, một khi mất niềm tin thì tư vấn sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Thực tế, chúng ta không thể dùng điểm số để làm tham số duy nhất cho hướng nghiệp. Tôi cho rằng, bất kỳ học sinh nào nếu đủ điều kiện theo quy định đều có quyền được thi vào lớp 10.

Hướng nghiệp là vấn đề được ngành Giáo dục vô cùng quan tâm, có vị trí quan trọng trong chương trình giáo dục tổng thể. Điều này được thể hiện rất rõ trong chương trình GDPT 2018, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp được giảng dạy từ cấp THCS đến cấp THPT và là hoạt động bắt buộc.

Hướng nghiệp là quá trình và phải thông qua trải nghiệm, trải qua và chiêm nghiệm. Nhưng để tiến hành tốt hoạt động này không hề dễ dàng, đòi hỏi giáo viên có chuyên môn, các điều kiện giáo dục, sự phối hợp tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Khó khăn hiện nay là nhiều cơ sở giáo dục không đủ đáp ứng được những điều này. Cùng với đó, gia đình thiếu thông tin hướng nghiệp, tập trung cho con cái các môn văn hóa để thi vào 10, dẫn đến việc dùng điểm số các môn văn hóa là tham số để tư vấn.

Từ thực trạng này, cần thiết phải có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh theo từng năm học. Chất lượng giáo dục đến đầu tiên từ chất lượng giáo viên - những chiến sĩ trực tiếp trên mặt trận giáo dục. Giáo viên phải được đào tạo bài bản, tạo điều kiện học tập, tự bồi dưỡng suốt đời, thấm nhuần triết lý giáo dục, có nhân sinh quan đúng đắn. Có nhân lực tốt, chắc chắn giáo dục sẽ đột phá.

Hiện nay, chương trình giáo dục đã thay đổi, học sinh được đánh giá một cách toàn diện, giáo dục hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực. Điểm số giờ đây là một trong nhiều chỉ số đánh giá học sinh. Kiểm tra đánh giá thay đổi thì phương pháp dạy và học cũng thay đổi theo, từ việc đa dạng các phương pháp dạy đến các hình thức kiểm tra đánh giá. Giáo dục hướng tới cá nhân hóa, mục tiêu mỗi học sinh trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Khi học sinh được nhìn nhận bản thân dưới nhiều hệ quy chiếu khác nhau, dưới sự định hướng phù hợp của giáo viên thì mỗi cá nhân sẽ tự hình thành cho mình một thế giới quan đúng đắn. Một vấn đề quan trọng không kém, đó là bản thân phụ huynh cũng phải hiểu rõ chương trình giáo dục mới, từ đó có cái nhìn đúng đắn về khả năng của con em mình, đồng thời chia sẻ trách nhiệm với nhà trường.

Vậy câu chuyện làm sao để hướng nghiệp cho các em từ cấp THCS? THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản trong chương trình giáo dục tổng thể, cùng với đó, việc hướng nghiệp ở giai đoạn này vô cùng quan trọng, đặc biệt là hai năm "bản lề" lớp 8 và lớp 9, trước khi bước vào cấp THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Do vậy, việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh đến kỳ 2 lớp 9 mới thực hiện là rất muộn, nếu chỉ dựa trên điểm số các kỳ khảo sát các môn học thi vào lớp 10 thì lại càng thiếu thông tin, dễ dẫn đến sự chủ quan trong tư vấn, định hướng.

Chúng ta cần hiểu rằng, nguyên tắc của hướng nghiệp là tự hướng nghiệp, tức là giáo viên, nhà trường, gia đình đưa ra những thông tin khách quan, công tâm, đầy đủ nhất, cung cấp các công cụ, tư duy đánh giá về nghề nghiệp, bản thân để học sinh tự nhận ra được mình đang ở đâu, mình như thế nào, mong muốn của mình là gì.

Hướng nghiệp ở THCS cần được thực hiện đồng bộ ở tất cả các môn học, hoạt động chứ không phải chỉ riêng hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Bởi lẽ, ở mỗi môn học, hoạt động là các khía cạnh khác nhau của cuộc sống, các ngành nghề khác nhau, từ đó giúp học sinh có một thế giới quan đầy đủ, một tâm thế sẵn sàng, hiểu mình, từ đó tự tin đưa ra các quyết định.

Mặt khác, việc phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cần quan tâm đặc biệt với phụ huynh, gia đình và nhà trường cần đồng hành, có các hoạt động gắn kết, trao đổi thông tin một cách thường xuyên, nhất là năm cuối cấp để nhà trường, gia đình cùng thấu hiểu, cảm thông, có như vậy mới tránh những bức xúc không đáng có.

* ThS. Phạm Thị Khánh Ly hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng trường/Giám đốc điều hành Trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy (Hà Nội)/Trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Bắc Giang.