Theo ông Siegfried Muresan, người phát ngôn của đảng Nhân dân châu Âu (EPP), một chính đảng có ảnh hưởng lớn trong các thể chế của Liên minh châu Âu (EU), tính chất phức tạp của các cuộc đàm phán Brexit đồng nghĩa với việc không nên loại trừ khả năng kéo dài các cuộc đàm phán này thêm một năm.
Đây là lần đầu tiên một chính đảng trung hữu trong EU công khai thừa nhận rằng các cuộc đàm phán Brexit có thể sẽ được kéo dài. Nếu việc gia hạn này được thực hiện, đây sẽ là nhượng bộ lớn với chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May - vốn vừa khởi động các cuộc đàm phán hôm 19/6, một năm sau cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU.
Ông Siegfried Muresan, người phát ngôn của đảng Nhân dân châu Âu (EPP) cho rằng, không nên loại trừ khả năng kéo dài các cuộc đàm phán này thêm một năm. (Nguồn: EPP/Flick) |
Kịch bản thứ ba
Đến nay, các cuộc đàm phán Brexit đã được thực hiện với 2 kịch bản được dự trù. Theo kịch bản đầu tiên, các cuộc đàm phán sẽ kết thúc thành công trong thời hạn 2 năm theo Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon, bao gồm việc tất cả 28 nước thành viên EU phê chuẩn thỏa thuận “ra đi” của Anh.
Theo kịch bản thứ hai, Anh sẽ rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào được ký kết. Các nhà hoạch định chính sách đã thừa nhận rằng kịch bản này sẽ gây ra hậu quả tiêu cực với Anh cũng như với EU.
Tuy nhiên, theo ông Muresan, một kịch bản thứ ba cũng nên được tính đến, theo đó “các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn nhưng chúng ta không cố gắng hoàn tất chúng bởi tính phức tạp của các vấn đề”. Trong bối cảnh đó, ông nêu rõ “các cuộc đàm phán rốt cuộc sẽ cần được kéo dài” và “trong thời gian hiện tại không nên loại hoàn toàn khả năng này khỏi bàn đàm phán”.
Tuyên bố của ông Mureșan là vô cùng quan trọng bởi ông là người phát ngôn của chính đảng có ảnh hưởng chi phối trong châu Âu. Đảng EPP đang nắm giữ chức chủ tịch Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu.
Ông Mureșan, nhà lập pháp người Romania, nói: “Trong trường hợp các cuộc đàm phán diễn ra tốt đẹp và cả hai bên đều có quyết tâm hoàn tất chúng, chúng ta sẽ không cần kết thúc đàm phán theo thời hạn (trong vòng 2 năm) do tính chất phức tạp của các vấn đề và sau đó chúng ta nên sẵn sàng kéo dài các cuộc đàm phán”. Ông Mureșan giải thích rằng, nếu xét về góc độ pháp luật, đây là điều hoàn toàn có thể.
Nguy cơ với London
Trên thực tế, Hội đồng châu Âu đã tuyên bố hồi tháng 5/2017 rằng thỏa thuận cuối cùng nên vạch ra thời hạn cho việc Anh rời khỏi EU, “muộn nhất là 00h00 ngày 30/3/2019 (giờ Brussels)”.
Phát biểu với trang mạng Euractiv.com, một nguồn tin EU, yêu cầu giấu tên, cho rằng, việc kéo dài các cuộc đàm phán sẽ mang lại rủi ro cho London, bởi tất cả các nước EU sẽ có thể đòi hỏi sự nhượng bộ từ Anh như là điều kiện để đổi lấy sự tán thành từ họ.
Nguồn tin này nói: “Cái giá mà Anh phải trả cho sự đồng thuận của EU sẽ rất lớn, nhưng cuối cùng tôi cho rằng sẽ không có bất kỳ nước thành viên EU nào bác bỏ việc gia hạn. Đây là sẽ hành động thù địch với Anh, và họ sẽ không làm vậy”.
Tuy vậy, một nguồn tin khác cảnh báo rằng châu Âu không nên quá hăng hái bàn về việc kéo dài các cuộc đàm phán bởi nó sẽ khiến các bên trì hoãn đàm phán. Người này nói: “Điều này là rất rủi ro bởi nếu một nước thành viên EU nào đó nói ‘không’, thì chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ Brexit cứng và chúng ta sẽ không thể ngăn chặn việc này”.
Thủ tướng Anh Theresa May đã nhiều lần nói rằng, “không đạt thỏa thuận còn tốt hơn một thỏa thuận tồi”. (Nguồn: euractiv) |
Vai trò của Romania
Romania sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của EU trong 6 tháng đầu năm 2019 và theo ông Muresan, Romania nên sẵn sàng thúc đẩy cuộc bỏ phiếu về việc kéo dài các cuộc đàm phán này nếu cần thiết. Tuy nhiên, ông Muresan cũng nhấn mạnh rằng khả năng này nên chỉ được coi là kế hoạch B và các nhà đàm phán cần tập trung vào kế hoạch A ở thời điểm hiện tại và làm việc trong thời hạn 2 năm theo Điều khoản 50.
Ông Muresan nhấn mạnh: “Đây chính là điều chúng ta nên hướng tới. Chúng ta không nên coi việc gia hạn là nghiễm nhiên xảy ra, đó không phải là điều bất khả thi nhưng lại rất khó khăn và đầy rủi ro. Điều mà tôi muốn nói đó là chúng ta cũng nên chuẩn bị cho kế hoạch B. Trước khi các cuộc bầu cử trong EU diễn ra, sự ra đi rõ ràng của Anh nên được diễn ra bởi đó là điều mà người dân Anh đã bỏ phiếu tán thành”.
Người phát ngôn của đảng EPP cũng gửi một thông điệp tới Thủ tướng Anh Theresa May, người đã nhiều lần nói rằng: “Không đạt thỏa thuận còn tốt hơn một thỏa thuận tồi”. Ông Muresan cho rằng để các cuộc đàm phán diễn ra trong bầu không khí mang tính xây dựng và gia tăng khả năng thành công, bà May cần “từ bỏ quan điểm rằng việc không đạt được thỏa thuận còn tốt hơn một thỏa thuận tồi”.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Daily Express) |
Đại diện đảng EPP cảnh báo: “Trên thực tế, kịch bản tồi tệ nhất là không có thỏa thuận nào đạt được. Đây cũng là kịch bản tồi tệ với EU nhưng căn bản nó là thảm họa với nước Anh”.
Vài giờ trước khi Điều khoản 50 được kích hoạt hôm 29/3, trang mạng Euractiv đã công bố bản tuyên bố của Hội đồng châu Âu, trong đó nhấn mạnh rằng EU nên tiếp cận các cuộc đàm phán “một cách mang tính xây dựng và cố gắng tìm kiếm một thỏa thuận”.
Tuy vậy, tuyên bố này có mở ngoặc rằng nếu các cuộc đàm phán thất bại, Hội đồng châu Âu sẽ đảm bảo rằng “EU sẵn sàng trước kết quả đó dù họ không hề mong muốn”.
Tuy nhiên, nội dung trong dấu ngoặc đơn đã được xóa bỏ trong bản tuyên bố cuối cùng. Khi được hỏi về lý do tại sao các nhà lãnh đạo EU quyết định như vậy, một nguồn tin cho biết: “Chúng tôi không muốn bắt đầu tiến trình với cảm giác tiêu cực”.