📞

Kiên quyết tổ chức Olympic Tokyo 2020, Thủ tướng Suga 'đi trên dây'

Lưu Huỳnh 09:10 | 21/05/2021
Giữ nguyên quyết định tổ chức Olympic Tokyo 2020, bất chấp phản đối mạnh mẽ của dư luận có thể khiến Thủ tướng Suga Yoshihide và đảng LDP nhận trái đắng.

Chính phủ Thủ tướng Suga Yoshihide, với quyết định tổ chức Olympic Tokyo 2020 vào tháng 7 tới trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, đã khiến dư luận Nhật Bản dậy sóng.

Cụ thể, theo kết quả điều tra dư luận mới nhất do báo SankeiFuji phối hợp tổ chức, hơn 50% người được hỏi cho rằng nên hủy Olympic Tokyo 2020 vì lo ngại lây nhiễm SARS-CoV-2. Ở những khu vực đang áp dụng tình trạng khẩn cấp hoặc tăng cường các biện pháp chống dịch như Tokyo, Osaka, Gunma… có tới hơn 60% mong muốn hủy sự kiện thể thao này.

Tờ Asahi ngày 17/5 công bố điều tra dư luận hai ngày cuối tuần cho thấy 43% số người được hỏi muốn hủy Olympic Tokyo 2020, 40% kêu gọi hoãn và chỉ 13% ủng hộ tiếp tục sự kiện này.

Các quan chức Nhật Bản đang nỗ lực đảm bảo Olympic Tokyo 2020 sẽ được tổ chức an toàn và thành công. (Nguồn: Reuters)

Khảo sát tương tự của hãng tin Kyodo ngày 15-16/5 cho thấy 60% số người được hỏi cho rằng nên hủy sự kiện; 85% nói rằng kế hoạch tiêm chủng vaccine Covid-19 của chính phủ chưa đủ nhanh. Hiện chỉ có 3,5/126 triệu người Nhật được tiêm vaccine. Chiến dịch tiêm chủng ở thủ đô Tokyo và thành phố Osaka nhằm chuẩn bị cho Olympic cũng gặp khó khăn do lỗi hệ thống vào ngày 17/5.

Ngày 17/5, Hiệp hội bác sỹ Tokyo (TMPA), đại diện cho 6.000 bác sỹ, cũng kêu gọi hủy Olympic Tokyo 2020, khẳng định các bệnh viện thủ đô đang quá tải khi Nhật Bản đối mặt với sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19 và không có năng lực dự phòng để ứng biến một khi dịch bệnh chuyển biến xấu. Đây được cho là lý do buộc Tokyo phải gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô và một số tỉnh khác tới ngày 31/5.

Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ. Theo Giáo sư Craig Mark, giảng viên khoa Quốc tế học tại Đại học Nữ sinh Kyoritsu, Thủ tướng Suga Yoshihide đang chịu áp lực từ đảng đối lập và thống đốc 47 tỉnh yêu cầu gia hạn và mở rộng tình trạng khẩn cấp ra toàn quốc. Nhiều người dân, bác sỹ, y tá đã thể hiện quan điểm trên mạng xã hội, cũng như trên đường các thành phố lớn trên toàn quốc. Một số vận động viên thể thao nổi tiếng của Nhật Bản như tay vợt Naomi Osaka hay Kei Nishikori đã bày tỏ quan ngại về quyết định tổ chức này.

Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu gì cho thấy chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ từ bỏ quyết định tổ chức Olympic Tokyo 2020. Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản khẳng định sự kiện thể thao này sẽ được tổ chức vào ngày 23/7 như dự kiến. Điều gì khiến ông Suga kiên định tới vậy?

Câu trả lời sẽ rõ ràng hơn nếu nhìn vào chi phí mà Nhật Bản đã dành cho Olympic Tokyo 2020. Theo Đại học Oxford, sự kiện này sẽ trở thành kỳ Olympic đắt đỏ nhất trong lịch sử: Số liệu chính thức do Nhật Bản công bố tháng 12 cho thấy khoản đầu tư dành cho Olympic Tokyo 2020 đã lên tới 15 tỷ USD, gấp đôi so với dự tính ban đầu. Tuy nhiên, con số thực tế hiện được cho là đạt mốc 26 tỷ USD và sẽ còn tăng do các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cho sự kiện này.

Quan trọng hơn, đó còn là khoản đầu tư về chính trị. Theo Giáo sư Mark, ông Suga hy vọng chính phủ sẽ nhận được một cú hích lớn về tỷ lệ ủng hộ vì tổ chức thành công Olympic Tokyo 2020 giữa dịch bệnh. Từ đó, nhà lãnh đạo này có thể kêu gọi bầu cử sớm ở Hạ viện vào tháng 8, trước khi phải đối mặt với bài kiểm tra nội bộ đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) tháng sau đó.

Đây là một kịch bản đẹp, song điều kiện để xảy ra là không đơn giản. Ông Suga cần một kỳ Olympic thành công hơn mong đợi để trở thành người hùng. Trong trường hợp Olympic không đáp ứng được kỳ vọng, thất bại hay thậm chí trở thành sự kiện siêu lây nhiễm, cái giá mà đương kim Thủ tướng phải trả có thể là tương lai chính trị của ông và cả LDP trong thời gian tới.

(theo SCMP)