Trong sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Séc đạt hơn 551 triệu USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng sáu vừa qua, Cộng hòa Séc nhập khẩu từ Việt Nam khối lượng hàng hóa trị giá gần 75 triệu USD, tăng hợn 14% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng kim ngạch sáu tháng lên 503,7 triệu USD. Trong khi đó, tổng kim ngạch hàng hóa của Séc xuất khẩu sang Việt Nam trong sáu tháng đầu năm đạt 47,6 triệu USD, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Séc trong nửa đầu năm nay đứng đầu vẫn là những sản phẩm thiết bị điện tử nghe nhìn với kim ngạch gần 170 triệu USD; đứng thứ hai là giày dép và các sản phẩm thuộc nhóm này đạt hơn 122 triệu USD.
Ngoài ra, các sản phẩm thuộc ngành hàng cao su, hợp chất hóa học vô cơ, đồ da, phụ liệu ngành may, quần áo dệt kim, nồi hơi và thiết bị cơ khí, xe cơ giới và máy kéo, đồ gỗ nội thất... đều đạt kim ngạch từ 10-41 triệu USD. Các loại nông thủy sản, chè, càphê, cao su, thủ công mỹ nghệ, kim khí, nhựa và các sản phẩm bằng nhựa... đạt kim ngạch từ 2-8 triệu USD.
Kiểm tra tivi LCD trước khi xuất xưởng tại nhà máy của Công ty Cổ phần Viettronics Tân Bình. |
Sản phẩm của Séc xuất khẩu sang Việt Nam đứng đầu là thiết bị lò năng lượng, nồi hơi, dụng cụ cơ khí với giá trị kim ngạch 12,8 triệu USD. Tiếp sau là thiết bị ghi âm, ghi hình, âm thanh, màn hình tivi với giá trị trên 9 triệu USD. Các sản phẩm khác tập trung chủ yếu vào các ngành hàng thiết bị quang ảnh, điện ảnh, phẫu thuật, sản phẩm thủy tinh và pha lê, các sản phẩm nhựa, thiết bị quân sự, hạt giống, dược phẩm, cây thuốc, giống cây công nghiệp...
Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hiện vẫn chưa xứng với tiềm năng kinh tế và nhu cầu thực tế của thị trường hai nước, đồng thời cần ngày càng tăng cường kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều, điều chỉnh cân bằng cán cân thương mại.
Đây là những tín hiệu dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay tiếp tục vượt trên 1 tỷ USD, tạo đà thúc đẩy hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước Cộng hòa Séc và Việt Nam trong các lĩnh vực dân dụng và công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ sinh học và nano.