📞

Kinh doanh đa cấp “không có tội”

17:13 | 18/03/2016
Bán hàng đa cấp – một hiện tượng xã hội đang làm “nóng” nhiều diễn đàn. Có phải đa cấp là lừa đảo? 

Kinh doanh đa cấp (Multi-level marketing) hay Bán hàng đa cấp- theo tên gọi thông dụng tại Việt Nam, là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức tiếp thị sản phẩm. Đây là hoạt động kinh doanh bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, mà không phải qua trung gian, đại lý hay cửa hàng bán lẻ. Nhờ vậy, hình thức này đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí từ quảng cáo, khuyến mại, sân bãi, cửa hàng, kho chứa, vận chuyển... Số tiền tiết kiệm được dùng để trả thưởng cho nhà phân phối và nâng cấp, cải tiến sản phẩm tiếp tục phục vụ người tiêu dùng. Đây là phương thức kinh doanh tận dụng chính thói quen của người tiêu dùng, khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tốt thường đem chia sẻ cho người thân, bạn bè và những người xung quanh.

Kinh doanh đa cấp không phải hình thức đầu tư siêu lợi nhuận. (Ảnh minh họa)

Từ ngành kinh doanh triển vọng

Trong nhiều tài liệu, kinh doanh đa cấp được cho là chính thức khởi đầu từ năm 1940. Nhà hóa học người Mỹ Carl Rehnborg (1887-1973) được coi là ông tổ của ngành kinh doanh này. Tuy nhiên, trên thực tế, mạng lưới bán hàng theo kiểu này đã được Carl Rehnborg thử nghiệm từ những năm 1930, sau khi ông sáng chế ra một loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin, khoáng chất và vi chất có ích, rất tốt cho sức khỏe và muốn phổ biến chúng trong cộng đồng. Ý tưởng phân phối sản phẩm qua mạng lưới những người quen sau này  được phát triển thành ngành kinh doanh được cho là có triển vọng nhất trong thế kỷ XXI.

Những người bạn của Carl đã được đề nghị dùng thử và tiếp tục giới thiệu sản phẩm này cho người quen của họ. Nếu người quen của họ mua sản phẩm thì ông hứa sẽ trả hoa hồng. Ông cũng quyết định trả hoa hồng cho các người quen của bạn mình nếu giới thiệu sản phẩm tiếp theo mối quan hệ của họ. Kết quả thật bất ngờ, thông tin về một loại thực phẩm dinh dưỡng bắt đầu được truyền bá rộng rãi trong mạng lưới những người bạn và doanh thu bán hàng vượt quá sức tưởng tượng.

Năm 1934, Công ty Vitamins California do Carl Rehnborg sáng lập chính thức được hình thành. Vitamins California đã nhanh chóng đạt doanh số bảy triệu USD mà không mất một đồng quảng cáo nào. Nhờ tiết kiệm được chi phí ở các khâu trung gian nên những người tham gia vào hệ thống bán hàng Vitamins California có thể nhận được thù lao ngày càng cao hơn. Carl Rehnborg đổi tên công ty thành Nutrilite Products theo tên sản phẩm vào khoảng đầu năm 1940 và vẫn giữ nguyên phương pháp phân phối và tiêu thụ những sản phẩm chất lượng và thật sự tốt cho sức khỏe.

Nhận thấy sức mạnh của kinh doanh đa cấp, sau một thời gian làm việc có hiệu quả với Nutrilite Products, Rich DeVos và Jay Van Andel đã tách ra sáng lập công ty riêng American Way Corporation (Amway). Đến nay, Amway vẫn là một trong những công ty hàng đầu thế giới trong ngành kinh doanh đa cấp với chi nhánh trên 80 quốc gia.

Đến “biến tướng”

Bắt đầu từ những năm 2000, kinh doanh đa cấp mới bước chân vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nó đã nhanh chóng đạt mức doanh thu không ngờ chỉ hai, ba năm sau đó. Loại hình kinh doanh này đã phát triển quá mạnh mẽ, nhiều mạng lưới hình thành. Gần đây, với sự vỡ lở của những mạng lưới đa cấp ảo, lừa đảo núp bóng đa cấp như Liên kết Việt, công ty Du lịch Xuyên Việt, MB24… kinh doanh đa cấp trở thành hiện tượng xã hội gây nhiều tranh cãi.

Trên thực tế, đây là hiện tượng biến tướng của phương thức kinh doanh đa cấp. Ở các nước có hoạt động đa cấp phát triển, giai đoạn đầu cũng đã xảy ra những vụ việc lừa đảo tương tự. Ở Hoa Kỳ có mô hình lừa đảo Ponzi khá nổi tiếng. Tại đó, lợi nhuận không thực sự đến từ việc bán sản phẩm, mà từ việc lôi kéo người mới tham gia vào mạng lưới.

Với chiêu trò tuyên truyền việc làm giàu nhanh chóng, những người mới muốn trở thành thành viên của mạng lưới phải nộp các khoản tiền ký quỹ, lệ phí tham gia hoặc trực tiếp mua sản phẩm với số tiền nhất định. Đây là nguồn thu nhập chính của các công ty này. Sau đó, số tiền nhờ lôi kéo người mới tham gia được chia phần theo các cấp khác nhau. Các thành viên nếu muốn có tiền hoa hồng thì phải tiếp tục lôi kéo nhiều người khác tham gia. Cứ nạn nhân này lại tiếp tay cho “trùm lừa đảo” để lừa nạn nhân khác. Đây chính là “mô hình tháp ảo”, trong đó người khởi xướng hệ thống bán hàng đa cấp nằm ở đỉnh tháp và lợi dụng các thành viên khác ở đáy tháp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Hoạt động kinh doanh đa cấp là hoạt động khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và đây là hoạt động được luật pháp thừa nhận.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TP.HCM): Pháp luật cho phép hoạt động bán hàng đa cấp mới chỉ hơn mười năm mà hiện có đến gần 70 công ty được cấp phép hoạt động là quá nhiều và thiếu đánh giá, kiểm soát.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm: Kinh doanh đa cấp ở các nước có thương hiệu, tổ chức hẳn hoi và công khai minh bạch cho người dân biết và tự nguyện tham gia. Không phải kiểu người nọ vận động, rỉ tai người kia tham gia như ở Việt Nam.

Xem xét hành vi lừa đảo tinh vi của các “Tập đoàn bán hàng đa cấp” bị triệt phá gần đây có thể thấy, thực chất thủ đoạn của chúng là đánh vào “tâm lý đám đông” và lòng tham của người tham gia, chứ không hề quan tâm đến việc đầu tư cho sản phẩm. Nhiều công ty tuyên truyền về việc “làm giàu không khó”, nhanh chóng, mà lại có thu nhập khủng. Thông qua các buổi hội thảo đình đám, thay vì giới thiệu sản phẩm thì họ chỉ nói đến các thành viên làm giàu nhanh khi tham gia mạng lưới của họ. Lấy “bánh vẽ” thu nhập khổng lồ thu được từ việc bán hàng đa cấp làm một chiêu trò để lôi kéo người tham gia.

Ngoài ra, nhiều công ty bán hàng đa cấp lừa đảo vừa qua đã sử dụng hình thức ép buộc, nếu đã đóng tiền ký quỹ hoặc mua sản phẩm để tham gia mạng lưới rồi thì không được lấy lại tiền, hoặc trả lại sản phẩm. Như vậy, các thành viên chỉ còn “nước” là chấp nhận nộp tiền phạt để ra khỏi mạng lưới hoặc chịu mất trắng số tiền đóng góp hoặc mua sản phẩm ban đầu. Như vậy, nếu đã bỏ tiền nộp cho các công ty này thì gần như không bao giờ có thể thu hồi.

Hợp pháp vẫn sống tốt

Không chỉ đến nay tại Việt Nam mới phát hiện hiện tượng tháp ảo, mà ngay từ năm 1975, kinh doanh đa cấp cũng đã từng bị Hội đồng Liên bang Hoa Kỳ phản đối và cho là một hình thức kinh doanh bất hợp pháp. Trong bốn năm liền từ 1975 đến 1979, Công ty Amway đã phải theo hầu tòa để khẳng định chân lý và tính đúng đắn của mình. Cuối cùng thì Toà án thương mại Liên bang Hoa Kỳ đã phải công nhận phương pháp kinh doanh của Amway. Họ đã được chấp nhận về mặt luật pháp, cùng với sự ra đời của Bộ luật đầu tiên về kinh doanh đa cấp tại Hoa Kỳ.

Thời kỳ bùng nổ của kinh doanh đa cấp được cho là từ năm 1990, nhờ sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ và truyền thông. Điện thoại, tivi và internet đã giúp bất kỳ ai, dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình để tham gia mạng lưới bán hàng. Được Business – Tạp chí kinh doanh hàng đầu của Mỹ nhận định là phương thức tiếp cận người tiêu dùng hữu hiệu nhất, kiểu kinh doanh này đã sớm thu hút được cả các tên tuổi lớn như Ford, Colgate, Coca Cola… áp dụng để phân phối sản phẩm.

Cho đến nay, kể cả khi nhiều mạng lưới kinh doanh đa cấp trá hình bị phanh phui, thì người ta vẫn không thể phủ nhận đây là một ngành kinh doanh hiệu quả và nhiều triển vọng. Tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng của kinh doanh đa cấp vẫn đạt 20-30%/năm, trong khi ngành bán lẻ truyền thống chỉ là 3%. Theo thống kê của Hiệp hội bán hàng trực tiếp thế giới (WFDSA), kinh doanh đa cấp đang phát triển mạnh ở 125 nước trên khắp các châu lục, với hơn 30.000 công ty lớn và trên 75 triệu người tham gia.

Hầu hết các sản phẩm của các công ty kinh doanh đa cấp có tên tuổi đều có nguồn gốc, được cấp bằng sáng chế và kiểm nghiệm như Herbalife, Nutrilite của Amway, Avon Naturals của Avon hay Pure Nature của Oriflame, thậm chí cả thương hiệu thời trang đình đám Sophie Paris… Ngay tại Việt Nam, giữa “cơ địa chấn” bán hàng đa cấp, theo thông tin từ Bộ Công Thương, Amway vẫn đạt doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 345 tỷ đồng và nộp ngân sách hơn 80 tỷ đồng, nằm trong top 200 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất tại Việt Nam.

Nhờ ưu điểm tiết kiệm các chi phí từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, “hệ thống bán lẻ không cửa hàng” đã tạo nên cơ hội sử dụng các sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng đến tận tay người tiêu dùng. Không những thế, nó còn tạo nên rất nhiều cơ hội việc làm cho xã hội.

Như vậy, thành công vẫn đến với những người làm ăn chân chính và không “cố tình” hiểu bán hàng đa cấp là một hình thức đầu tư siêu lợi nhuận.