Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng để thành công tại thị trường UAE, các doanh nghiệp Việt Nam trước hết cần hiểu đúng về tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa kinh doanh của người Arab. Trong ảnh: Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn gặp gỡ đại diện Hội đồng các nhà đầu tư UAE. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại UAE) |
Xin Đại sứ cho biết những điểm nổi bật trong quan hệ Việt Nam - UAE sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?
Về chính trị, Việt Nam coi UAE là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực Trung Đông - châu Phi, trong khi UAE coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là khu vực Đông Nam Á.
Hai bên thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn tổ chức quốc tế. Gần đây nhất, UAE đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Việt Nam ủng hộ UAE ứng cử vào vị trí này nhiệm kỳ 2022 - 2023.
Về kinh tế, UAE là một trong những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, nhất là về thương mại. UAE hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.
Kim ngạch thương mại hai chiều hàng năm đạt gần 6 tỷ USD. Hiện 2 nước đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 10 tỷ USD trong thời gian tới.
Về thương mại, Việt Nam xuất siêu lớn sang UAE.
Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và UAE chỉ đạt 4,3 tỷ USD. Trong 5 tháng năm 2021, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là 1,917 tỷ USD và nhập khẩu là 188,637 triệu USD.
Hàng hóa xuất khẩu sang UAE chủ yếu là mặt hàng có thế mạnh như: nông sản, thủy sản, hoa quả tươi, thực phẩm chế biến, vật liệu xây dựng, điện thoại di động, máy móc thiết bị phụ tùng, điện tử gia dụng, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ.
Về đầu tư, UAE là một trong những nhà đầu tư lớn của khu vực vùng Vịnh tại Việt Nam trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng và du lịch. Ngoài ra, hai nước còn nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, lao động, năng lượng, y tế, du lịch, giáo dục.
UAE hiện là thị trường lớn xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khu vực Trung Đông – châu Phi với trên 60 nhóm mặt hàng. Sức hút của thị trường UAE đối với doanh nghiệp Việt Nam là gì ?
Có thể nói UAE hiện là nước có độ mở về kinh tế lớn trong khu vực vùng Vịnh. Trong nước, nhu cầu nhập khẩu của UAE rất đa dạng, đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như điện thoại, đồ điện tử, linh kiện điển tử, hàng tiêu dùng, sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
UAE có tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu khá phù hợp với ta, có thị trường tiêu dùng rộng lớn (trong nước, các nước GCC, châu Phi, Nam Mỹ).
Ngoài ra, chính phủ UAE, đặc biệt là chính quyền Dubai đã triển khai nhiều chính sách đặc biệt ưu đãi để thu hút đầu tư, thương mại nước ngoài.
Doanh nghiệp còn thiếu thông tin và các tiêu chuẩn thực phẩm Halal được áp dụng một cách chặt chẽ là những rào cản chính đối hàng hóa Việt Nam khi tiến vào thị trường UAE. Nhưng là nước có độ mở về kinh tế lớn trong khu vực vùng Vịnh, các thủ tục kinh doanh được đơn giản hóa ở mức tối đa, thậm chí thủ tục thành lập công ty chỉ mất đúng một ngày… Đó là sức hút khó cưỡng của thị trường UAE đối với doanh nghiệp Việt Nam. |
Các thủ tục kinh doanh được đơn giản hóa ở mức tối đa, thậm chí ở một số khu vực thương mại tự do, thủ tục thành lập công ty chỉ mất đúng một ngày.
Ngoài ra, với hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics hiện đại, Dubai hiện là cửa ngõ rất thuận lợi để đưa hàng xuất khẩu đi tiêu thụ ở các nước khác.
Theo thống kê, hiện 80% hàng Việt Nam đã được xuất sang Dubai để nối chuyến sang các quốc gia khác trong khu vực.
Theo quan sát của ông, người tiêu dùng UAE ưa chuộng sản phẩm nào của Việt Nam?
Mặt hàng có kim ngạch lớn nhất hiện nay vẫn là điện thoại các loại và linh kiện (chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE) cùng các sản phẩm khác như giầy dép, quần áo, đồ gia dụng.
Một số mặt hàng nông sản Việt Nam được người tiêu dùng UAE ưa chuộng là gạo, hạt tiêu, chanh, thanh long, hồi, quế.
Thanh long Việt Nam được người tiêu dùng UAE ưa chuộng. (Nguồn: Vneconomy) |
Hiện nhu cầu của UAE đối với các mặt hàng nông sản của Việt nam đang gia tăng.
Những rào cản chính đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường UAE?
Thứ nhất là rào cản về tiêu chuẩn hàng xuất khẩu (các mặt hàng thực phẩm chế biến).
Việt Nam xuất sang UAE các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, nhưng các sản phẩm này đều phải đáp ứng được tiêu chuẩn thực phẩm Halah.
Là một nước Hồi giáo, UAE đã và đang áp dụng quy định các mặt hàng thực phẩm, thủy sản nhập khẩu vào UAE phải được chứng nhận là thực phẩm Halal (từ tháng 6/2014).
Quy định này của UAE gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam, do quy trình thủ tục cấp chứng nhận về thực phẩm Halal.
Về cách thức xuất hàng, Đại sứ quán nhận thấy trong một thời gian dài, doanh nghiệp Việt Nam chỉ xuất khẩu thô, khi đưa ra thị trường đều dưới nhãn mác của nước ngoài, cho đến nay vẫn chưa xây dựng được nhãn hiệu riêng.
Hiện tại, tình hình thực tế ở UAE đã thay đổi nhiều. Nếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục cách làm này sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, hạn chế, và bị các đối thủ khác có sản phẩm tương tự cạnh tranh quyết liệt.
Thứ hai là việc doanh nghiệp còn thiếu thông tin.
"Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và doanh nhân các nước như Ấn Độ, Pakistan, Philippines cùng một số nước khác đang hoạt động tại UAE rất mạnh nên hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng xuất khẩu của các nước này". |
Dù UAE nhập khẩu và tái xuất một khối lượng lớn hàng hóa Việt Nam đi các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), châu Phi và Nam Mỹ, nhưng doanh nghiệp của ta vẫn chỉ xuất đến Dubai. Từ đó, việc mở rộng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua UAE sẽ bị hạn chế.
Thêm vào đó, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và doanh nhân các nước như Ấn Độ, Pakistan, Philippines cùng một số nước khác đang hoạt động tại UAE rất mạnh nên hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng xuất khẩu của các nước này.
Đồng thời, hiểu biết của doanh nghiệp về văn hóa, ngôn ngữ, tập tục của bạn còn hạn chế, gây khó khăn cho ta.
Ông có lưu ý gì đối với doanh nghiệp Việt Nam?
Để làm ăn thành công tại thị trường UAE, các doanh nghiệp Việt Nam trước hết cần hiểu đúng về tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa kinh doanh của người Arab, nắm rõ thị hiếu cũng như những vấn đề nhạy cảm về tôn giáo và văn hóa tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn đặc thù về bao bì sản phẩm và quảng cáo của họ.
Khi hợp tác với các đối tác ở UAE, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững luật pháp, quy định của sở tại, văn hóa và tập tục của cộng đồng doanh nhân (là những người nước ngoài, đang làm ăn tại UAE).
Ngoài ra, vào thời điểm này, doanh nghiệp Việt Nam cần xúc tiến mở văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc thành lập công ty tại UAE để tranh thủ các chính sách ưu đãi của chính phủ UAE dành cho doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời mở rộng tiếp cận thị trường và giảm thiểu các chi phí gián tiếp.
Xin cảm ơn Đại sứ!
| 'Mỏ vàng' Trung Đông – Cớ sao du lịch Việt Nam còn chần chừ? Trước khó khăn do đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam cần tận dụng tốt hơn lợi thế sẵn có, áp dụng cách tiếp cận ... |
| Đẩy mạnh hợp tác Việt Nam và các nước Trung Đông trong thời gian tới Chiều 19/8, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đã họp trực tuyến với các Đại sứ, Đại biện các nước Trung Đông thường trú và kiêm ... |