Việt Nam là một trong 38 nước có thành tích nổi bật trong công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN), xin ông cho biết, vai trò hợp tác quốc tế cũng như những kinh nghiệm mà chúng ta học hỏi từ các nước trong quá trình XĐGN bền vững cho Việt Nam?
Bài học thành công của XĐGN đã được tổng kết, ngoài sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hoạt động hợp tác quốc tế (song phương, đa phương, các NGOs) cũng hết sức quan trọng. Đó là hợp tác từ kinh nghiệm, kỹ thuật, đến nguồn lực, cũng như thường xuyên học hỏi những kinh nghiệm từ các nước bạn.
Ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo giới thiệu nội dung cơ bản về cách chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 tại Diễn đàn (Nguồn: Molisa.gov.vn) |
Để thực hiện mục tiêu XĐGN bền vững, chúng ta đã tổ chức học tập kinh nghiệm từ nhiều nước (Mexico, Brazil, Hàn Quốc…) và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (WB, UNDP, GIZ, Oxfam…). Chúng ta tham khảo kinh nghiệm về phương pháp luận, cách tiếp cận vấn đề, còn cụ thể giải quyết thế nào thì phải phù hợp với đặc điểm của Việt Nam.
Một bài học rất hay về phát huy vai trò cộng đồng ở Hàn Quốc là phong trào “Saemaulundong” (Nông thôn làng mới). Dù xuất hiện ở Hàn Quốc từ những năm 70 của thế kỷ trước, phong trào có xu hướng thế giới hóa, đang được vận dụng ở Việt Nam và nhiều nước khác...
Những nét chính của phong trào đó là gì, thưa ông?
Phong trào này có vai trò quan trọng đưa Hàn Quốc từ một trong những quốc gia nghèo đói nhất trở thành nước có nền kinh tế đứng thứ 12 thế giới với thu nhập bình quân đầu người vượt trên 20.000 USD như hiện nay.
Phong trào này bắt nguồn từ sự đổi mới ở nông thôn và đề cao tinh thần: “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”. “Chăm chỉ” là động cơ tự nguyện của người dân, không ngừng vượt qua khó khăn để tiến tới thành công, “Tự lực” là ý chí bản thân, tinh thần làm chủ, chịu trách nhiệm về cuộc sống và vận mệnh của bản thân, và “Hợp tác” là nhận thức về mong muốn phát triển cộng đồng.
Ở Hàn Quốc, chỉ sau 10 năm thực hiện (1970-1980), Phong trào đạt kết quả tốt đến mức nông thôn đã phát triển hơn cả thành thị, dẫn đến xu thế các nhà khoa học, nghệ sỹ trở về nông thôn mở những trung tâm đào tạo ở đây. Cũng chính vì thế, tinh thần phong trào này vẫn mang tính thời sự.
Việt Nam có thể vận dụng những bài học nào cho hiệu quả?
Bài học chúng tôi rút từ Phong trào Nông thôn làng mới của Hàn Quốc là: phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân; đào tạo cán bộ phát triển nông thôn; phát huy dân chủ; phát triển kinh tế hợp tác từ phát triển cộng đồng; phát triển và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường bằng sức mạnh toàn dân.
Với tinh thần của Phong trào, cùng với kinh nghiệm XĐGN bền vững của Việt Nam ở TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi đã hình thành ý tưởng phát huy vai trò cộng đồng vào thể chế, giao cộng đồng làm chủ.
Tiếp nữa là bài học thành lập nhóm lãnh đạo và người đứng đầu rất cần thiết. Ví như qua “Hội thi xóa đói giảm nghèo bền vững” càng thấy vai trò quan trọng của người đứng đầu. Người đứng đầu phải trong sáng, không vụ lợi, thậm chí bỏ tiền hỗ trợ những người khó khăn.
Ở Hàn Quốc, Phong trào hình thành nhóm lãnh đạo cộng đồng do dân bầu ra, trong nhóm bắt buộc có một nam, một nữ. Điều đó cho thấy, ngay từ thời đó Hàn Quốc đã rất coi trọng việc phát triển vai trò của phụ nữ. Nhóm lãnh đạo cộng đồng này không có quyền lợi gì, không lương, không phụ cấp. Tuy nhiên, họ được đặc quyền là có thể gặp Tổng thống bất cứ lúc nào. Mỗi phiên họp nội các thường kỳ, Tổng thống mời một vài nhóm cộng đồng báo cáo. Các tỉnh trưởng, huyện trưởng không được phép từ chối khi người đứng đầu cộng đồng gặp để phản ánh.
Cuối cùng, việc hỗ trợ của Chính phủ chỉ là vô nghĩa nếu không phát huy hết nội lực trong dân.
Theo ông, khi áp dụng chương trình này ở Việt Nam có những hạn chế gì?
Căn bệnh trầm kha của chúng ta chính là quá đề cao thành tích. Bài học của Hàn Quốc là từ chính người dân mà ra. Người ta thực hiện các hoạt động bắt đầu từ bên trong cộng đồng người dân, rồi lan tỏa ra rộng hơn. Chúng ta lại đang đi ngược lại, tức là đi từ cái chung, đem dự án vào dân, trong khi người dân chưa thay đổi nhận thức, thì chưa thể hiệu quả được.
Người Hàn Quốc đi từ những thay đổi thiết thực trong gia đình sau đến việc chung nhỏ, rồi mới đến việc chung lớn. Như đi từ việc sửa nhà trong hộ gia đình mình, đến làm giếng nước chung, đến đường..., tiếp đó, người ta hỗ trợ cho sản xuất để tạo ra thu nhập tích lũy, rồi người ta mới làm liên thôn, liên bản. Các dự án bưu điện, đường, trường, trạm do người dân làm dưới sự hỗ trợ tối thiểu của Chính phủ.
Mục tiêu có đạt hay không là do các làng xã tự xét bằng cách đánh giá chéo nhau, chứ không phải là từ cấp trên như ở Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!