Quốc hội thảo luận trực tuyến sáng 29/10 về Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. |
Sáng nay, 29/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Phiên thảo luận do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì.
Trước đó, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung này, cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành và phát triển an toàn thị trường bảo hiểm thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
Bảo hiểm vi mô là loại hình bảo hiểm dành cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản trước những rủi ro có thể xảy ra. |
Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị nghiên cứu kỹ, đánh giá đầy đủ tác động trước khi sửa luật. Đối với từng nhóm chính sách và các điều, khoản cụ thể trong dự thảo luật cũng được các vị đại biểu quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến.
Cần nhưng quy định còn mỏng
Thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với các quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật và cho rằng bảo hiểm vi mô là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện giúp người nghèo có thói quen tích lũy tài chính.
Theo đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh), bảo hiểm vi mô là loại hình bảo hiểm mang tính xã hội rất cao, hướng tới những đối tượng yếu thế, người thu nhập thấp, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa hiện vẫn chưa có luật nào quy định về vấn đề này, thực tế cho thấy việc thiếu hành lang pháp lý về bảo hiểm vi mô cũng là nguyên nhân khiến cho loại hình bảo hiểm này dù có thời gian dài thí điểm (10 năm) nhưng tỷ lệ người tham gia rất thấp.
Còn theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), việc triển khai bảo hiểm vi mô tại Việt Nam chưa thật sự phát triển do bộ phận chủ yếu hướng đến của sản phẩm bảo hiểm vi mô thường ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận. Chi phí triển khai thường lớn hơn các sản phẩm bảo hiểm thông thường nhưng rủi ro nhiều hơn, nên đa số doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam cũng chưa muốn cung cấp bảo hiểm vi mô.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang. |
Kỳ vọng việc sửa đổi Luật lần này sẽ mang lại một cú huých mạnh mẽ cho thị trường bảo hiểm thương mại nước ta, đại biểu Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) cho rằng, việc với các quy định như vậy, bảo hiểm vi mô gần như không có sự phát triển.
Trong khi ở Việt Nam thời gian qua có 3 công ty được Bộ Tài chính phê duyệt kinh doanh bảo hiểm vi mô là các công ty bảo hiểm nước ngoài, đó là Prudential, Công ty Manulife và Công ty Dai-ichi Việt Nam.
Tuy nhiên, đến nay chỉ có Công ty Manulife còn thực hiện một loại hình kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Các tập đoàn nước ngoài này đều có 14-22 năm hoạt động trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Việc tham gia bảo hiểm vi mô cũng rất khó khăn. So với số lợi nhuận của bảo hiểm thương mại mang lại thì tỷ lệ kinh doanh lợi nhuận của bảo hiểm vi mô của các công ty cũng rất khiêm tốn, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ bé.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua Chính phủ cũng cho phép hai tổ chức tham gia kinh doanh bảo hiểm vi mô, đó là của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.
Sau 4 năm hoạt động bảo hiểm vi mô của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã dừng lại. Sau 8 năm hoạt động đến tháng 7/2021 vừa qua Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 77 dừng việc thí điểm kinh doanh bảo hiểm vi mô của hộ Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vì các lý do là chưa có khung pháp lý phù hợp.
Theo đại biểu Lâm Văn Đoan, thời điểm khi kết thúc các bảo hiểm vi mô của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam còn khoảng 130.000 hợp đồng còn hiệu lực và doanh thu phí bảo hiểm là 8,6 tỷ đồng, rất nhỏ bé.
Thị trường tiềm năng nhưng doanh nghiệp không mặn mà
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), việc dự thảo luật quy định tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp phép thành lập và hoạt động để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho chính các thành viên của mình, nhưng về mặt pháp lý của các tổ chức tương hỗ quy định tại dự thảo luật chưa chặt chẽ, không cụ thể về ngăn ngừa rủi ro. Trong khi đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển, đối tượng tham gia rất đông và nếu có rủi ro thì tác động rất lớn đến xã hội.
Theo đại biểu Lâm Văn Đoan, do hiện chưa có có các quy định pháp lý phù hợp nên bảo hiểm vi mô chưa phát triển, mức chi phí cao, hiệu quả thấp, việc kinh doanh bảo hiểm của các tổ chức chính trị xã hội tuy góp phần mang lại thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho hội viên, nhưng nó cũng mang tính chất tạm thời, tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không có các quy định pháp lý tương ứng.
Đại biểu Quốc hội Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) đồng tình về sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm. |
Cũng theo đại biểu này, nhà nước thiếu các chính sách, cơ chế khuyến khích bảo hiểm vi mô, trong khi mục đích an sinh xã hội là lớn, khách hàng chủ yếu là người có thu nhập thấp, người nghèo, cận nghèo, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia.
Năm 2021 số người tham gia bảo hiểm xã hội ở Việt Nam mới chiếm khoảng 32,8% lực lượng lao động, còn lại 67% lực lượng lao động trong độ tuổi chưa tham gia bảo hiểm và ước khoảng 35 triệu người.
Đại biểu Lâm Văn Đoan cho rằng, đây là một thị trường tiềm năng rất lớn cho bảo hiểm vi mô phát triển. Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chỉ chiếm khoảng 1,3 triệu người, với khoảng 2% lực lượng lao động, rất là ít.
Chính phủ cũng đã ban hành chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó xác định chiến lược sẽ được thực hiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, trong đó chú trọng tới nhóm đối tượng mục tiêu là người chưa được tiếp cận hoặc ít tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm, người có thu nhập thấp, phụ nữ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Chiến lược cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2035 doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP là 3,5%, trong đó nhấn mạnh giải pháp chủ yếu để thực hiện là nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển bảo hiểm sản phẩm vi mô cho người nghèo, người có thu nhập thấp.
Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ cho bảo hiểm xã hội tự nguyện, năm 2020 là 137 tỷ đồng, với 13 tỷ đồng cho 23.000 hộ nghèo và trên 20 tỷ đồng cho 44.000 người thuộc hộ cận nghèo và 104 tỷ đồng cho các đối tượng khác.
Với những con số về ngân sách trên, đại biểu này đã dẫn chứng về kinh nghiệm quốc tế. Theo đó, chính phủ các nước đều coi việc phát triển bảo hiểm vi mô nói riêng và tài chính toàn diện nói chung là một trong các giải pháp để cải thiện cuộc sống của người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp.
Do đó, hầu hết các nước đang phát triển ở khu vực châu Á, Mỹ La tinh đều triển khai các loại hình bảo hiểm vi mô với tỷ lệ dân số tham gia như Thái Lan là 14%, Philippines 20%, ở Chile, Peru, Brazil đều từ 10-15% dân số.
Đại biểu cho rằng, dự thảo luật lần này về bảo hiểm vi mô còn quy định rất chung và thiếu tính khả thi.
Làm rõ yêu cầu lợi nhuận, phi lợi nhuận
Để đảm bảo tính khả thi của dự thảo luật, đại biểu Huỳnh Điểu Sang (Bình Phước) cho rằng, Luật cần làm rõ yêu cầu lợi nhuận, phi lợi nhuận của bảo hiểm vi mô, đồng thời đánh giá kỹ tác động về kinh tế, chi phí, lợi ích của loại hình bảo hiểm này. Bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô và làm rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm vi mô với các bảo hiểm thông thường. Xác định rõ vai trò của các tổ chức tham gia.
Theo đại biểu Quốc hội Lâm Văn Đoan, để bảo hiểm vi mô phát triển, thứ nhất, việc phát triển hệ thống tổ chức chương trình, dự án bảo hiểm vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, hướng tới mục tiêu người nghèo, người cận nghèo, người thu nhập thấp, phù hợp mục tiêu, chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Thứ hai, để các quy định khả thi thì đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tham vấn, lấy ý kiến đối thoại trực tiếp với các công ty bảo hiểm, các tổ chức bảo hiểm nước ngoài, các tổ chức Bảo hiểm Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội có nhu cầu tham gia kinh doanh bảo hiểm vi mô để tìm hiểu, phân tích nhu cầu các khó khăn, rào cản trong việc thực hiện các sản phẩm bảo hiểm vi mô để từ đó xây dựng một khung pháp lý phù hợp, sát với thực tiễn. Nếu không xác định được tính đặc thù của sản phẩm này so với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường thì các quy định sẽ rất khó khả thi.
Thứ ba, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho người nghèo, người thu nhập thấp. Trong đó có chính sách khuyến khích, hợp tác các doanh nghiệp, các tổ chức bảo vệ vi mô và các tổ chức công nghệ tài chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục dịch vụ thuận lợi với chi phí thấp cho người nghèo, người dân ở khu vực nông thôn, nông dân.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc ứng dụng các công nghệ vào đóng, hưởng bảo hiểm vĩ mô sẽ góp phần nhanh gọn, đúng đối tượng, chuyển hỗ trợ bằng nhiều kênh khác nhau. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần giảm chi phí và tăng hiệu quả tiếp cận của người dân.
Thứ tư là tạo điều kiện khuyến khích cho các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội, mạng lưới bưu chính công cộng, bưu điện tích cực tham gia phối hợp và hỗ trợ hoạt động tài chính vi mô, trong đó có bảo hiểm vi mô, phát triển.
| Mở rộng đối tượng tham gia, tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, số người tham gia bảo hiểm xã ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 5 đề xuất thúc đẩy phát triển kinh tế số Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và có bài phát biểu quan trọng theo hình thức ghi hình tại Hội nghị thượng đỉnh thương mại ... |