Cuối tháng 9, ADB ra báo cáo hàng năm cho rằng, kinh tế châu Á có triển vọng phục hồi nhanh hơn dự kiến sau khi chính phủ các nước áp dụng các chính sách hỗ trợ tài chính và tiền tệ. Mức tăng trưởng bình quân tại các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á trong năm 2009 có thể lên 3,9% so với mức dự đoán 3,4% hồi tháng 3, đồng thời tăng mức dự báo tăng trưởng năm 2010 từ 6% lên 6,4%. Kinh tế trưởng của ADB, ông Jong-Wha Lee khẳng định: "Bất chấp tình hình kinh tế toàn cầu xấu đi, châu Á vẫn phục hồi vững chắc từ khủng hoảng".
Một báo cáo mới đây của ngân hàng HSBC cho thấy sự phục hồi của châu Á có được là nhờ các chính sách nới lỏng tiền tệ. Không như Mỹ và châu Âu, nơi các hệ thống ngân hàng bị sụp đổ và nợ nhiều làm giảm hiệu quả các tác động của tỷ lệ lãi suất thấp, châu Á và đặc biệt là Trung Quốc lại đang dư giả tiền mặt để hỗ trợ cho chi tiêu trong nước. Cùng đó, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trên toàn khu vực. Chuyên gia kinh tế của ngân hàng Barclays Capital của Anh, ông Peter Redward, dự đoán tăng trưởng GDP trung bình ở khu vực châu Á sẽ đạt 5% trong năm 2009.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vừa qua cho thấy thực tế sức mạnh của châu Á vẫn còn dễ bị tổn thương từ nhiều phía, đặc biệt là Mỹ và châu Âu. Sáu tháng trước đây, châu Á nằm trong số các nền kinh tế bị tác động mạnh nhất thế giới, vì xuất khẩu sang các nước giàu bị sụt giảm mạnh. ADB ước tính, 60% hàng xuất khẩu của khu vực này có đích đến là tại các nước châu Âu, Mỹ. Tức là các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đã quá phụ thuộc vào thương mại biên giới. Trong khi đó, châu Âu và Mỹ sẽ tăng trưởng âm trong năm nay thì xuất khẩu của châu Á càng khó khăn hơn. Điều này sẽ "cản bước" phát triển của châu Á. Chủ tịch Morgan Stanley tại châu Á, ông Stephen Roach trong cuốn sách mới nhất của ông The Next Asia đã cảnh báo về điều này.
Sự phụ thuộc của châu Á còn ở mối ràng buộc với kinh tế Mỹ thông qua đồng USD. Cùng với sự ràng buộc này, sự độc lập về chính sách tiền tệ của các nước này tất yếu sẽ bị hạn chế, do chính sách tiền tệ của họ sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Chưa kể đến những tác động tiêu cực của đồng USD yếu sẽ làm giảm lượng hàng hóa của châu Á đi sang Mỹ.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, hoạt động hội nhập kinh tế khu vực sâu hơn và việc phát triển một thị trường tiêu dùng nội châu Á sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của châu lục này vào các nền kinh tế Âu-Mỹ, đặc biệt giảm bớt dần mức độ phụ thuộc vào đồng USD. Khi đó, người tiêu dùng châu Á được kỳ vọng sẽ ở vị trí trung tâm trong sự cân bằng. Đối với một khu vực mà người dân bao lâu nay đã quá quen với lối sống tiết kiệm, sự chuyển dời này không dễ đến. Vì vậy, sự nỗ lực của các chính phủ ở châu Á sẽ phải diễn ra trong thời gian dài hơn.
Ngoài ra, châu Á sẽ phải sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Việc chuyển từ tăng trưởng kinh tế với trọng tâm sản xuất sang dịch vụ sẽ giảm bớt sự mất cân bằng của tăng trưởng. Châu Á cần nỗ lực hơn trong đầu từ vào công nghệ năng lượng thay thế, củng cố sản xuất hiện tại và thay đổi công nghệ xây dựng, sản xuất. Đồng thời, châu Á cũng cần sẵn sàng phương án đối phó với tình trạng lạm phát và bong bóng giá các mặt hàng tiêu dùng. Ngân hàng dự trữ Ấn Độ đã tăng mức dự báo lạm phát trong nước năm nay lên 5%, cao hơn mục tiêu đề ra ban đầu là 3%.
Chuyên gia của ADB cũng cho rằng các nhà hoạch định chính sách châu Á có nguy cơ làm chệch hướng tăng trưởng nếu họ rút lại các chính sách kích cầu quá sớm. ADB còn cho biết, kinh tế Indonesia và Việt Nam cũng đã có sự tăng trưởng vững chắc đồng thời khẳng định, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đã khởi sắc và sản xuất có chiều hướng trở lại hình chữ V. Tuy nhiên, ADB cảnh báo các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á không nên tự mãn về những gì đã đạt được.
Điền Anh