Yếu tố lớn nhất bị cho là đã kéo giảm nền kinh tế này là hoạt động đầu tư vốn suy giảm. Theo đó, đầu tư vốn và lĩnh vực xây dựng của Đức lần lượt giảm 2,3% và 4,2% trong quý II. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp nước ngoài cũng khá dè dặt khi đầu tư vào Đức nói riêng và châu Âu nói chung trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu ngày càng leo thang.
Theo nhận định của một số chuyên gia, Đức đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng đầu tư. Với tình trạng này, Đức lâu nay vốn là thành trì cuối cùng của khu vực đồng Euro, cũng sẽ nhanh chóng mất đà tăng trưởng. Thêm vào đó, niềm tin đầu tư vào Đức trong tháng 8 đã giảm xuống thấp nhất kể từ năm 2012, đồng thời niềm tin kinh doanh cũng giảm liên tiếp 4 tháng.
Như vậy cả Đức, Pháp và Italia, đã lần lượt tăng trưởng âm hoặc không tăng trưởng trong quý II. Như vậy, khó khăn của chính phủ liên minh trong việc vực dậy các nền kinh tế đầu tàu dường như đang trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, trong một số báo cáo khác, trong khi Đức ghi nhận thặng dư ngân sách năm thứ 3 liên tiếp. Thặng dư ngân sách tăng vọt trong 6 tháng đầu năm 2014 lên 16,1 tỷ euro, tương đương với 1,1% so với GDP. Nhưng chỉ số sản xuất (PMI) tháng 8 lại tăng chậm nhất 11 tháng do đơn đặt mua hàng hóa và nhu cầu mua nhà giảm.
Minh Châu (theo Bloomberg)