Kinh tế EU: IMF cảnh báo về một 'mùa Đông khó khăn'; Đức dự báo lạm phát, khẳng định giá năng lượng cao là bình thường mới. (Nguồn: Liu Rui/GT) |
Trong chương trình "Face the Nation" của kênh tin tức CBS News, bà Georgieva nói: "... Chúng tôi xem xét phản ứng với cú sốc năng lượng ở châu Âu và châu Âu đang tiến tới sự độc lập với Nga một cách dứt khoát.
Vâng, sẽ có một mùa Đông khó khăn, có thể mùa Đông tiếp theo sẽ còn khó khăn hơn, nhưng châu Âu sẽ dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng".
Bà Georgieva nói thêm, Mỹ có thể tránh được những vấn đề nghiêm trọng hơn vào năm 2023.
Bà lưu ý: "Đối với phần lớn nền kinh tế thế giới, 2023 sẽ là một năm khó khăn, khó khăn hơn cả năm 2022. Tại sao? Bởi 3 nền kinh tế lớn là Mỹ, EU, Trung Quốc đều đồng loạt giảm tốc độ tăng trưởng. Mỹ là quốc gia kiên cường nhất - Mỹ có thể tránh được suy thoái".
Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai chiến dịch trừng phạt toàn diện chống lại Nga và cam kết chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2/2022. Khối này đã thông qua 9 gói trừng phạt Moscow. Ngoài việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga có hiệu lực từ ngày 5/12, các biện pháp trừng phạt áp giá trần đối với các sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ của Nga sẽ bắt đầu từ ngày 5/2 tới.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner dự báo tỷ lệ lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ giảm xuống 7% trong năm 2023 và tiếp tục giảm từ năm 2024. Theo ông Lindner, mức giá năng lượng cao sẽ dần trở thành tình trạng bình thường mới.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild, ông Lindner nhận định, mục tiêu lạm phát vẫn là 2% và đây là ưu tiên hàng đầu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và chính phủ Đức.
Do giá năng lượng tăng vọt vì xung đột Nga-Ukraine và sự sụt giảm xuất khẩu năng lượng của Nga, lạm phát hàng năm của Đức đã tăng lên 11,6% trong tháng Mười, sau đó giảm giảm nhẹ xuống 11,3% trong tháng Mười Một.
Ông Lindner cho rằng, Đức cần một chính sách năng lượng "không thiên vị" để duy trì đà phát triển cho ngành này. Bên cạnh đó, Đức nên đưa năng lượng hạt nhân, dầu mỏ và khí đốt nội địa kết hợp cùng với năng lượng tái tạo.
Ông nói thêm lệnh cấm sử dụng công nghệ fracking (bẻ gãy thủy lực) nên được dỡ bỏ. Sản xuất khí đốt và dầu mỏ tự nhiên tại Đức đang giảm, chủ yếu là do công nghệ fracking phi truyền thống bị cấm và luật bảo vệ tự nhiên gây khó khăn cho việc xin cấp phép khai thác mới.
Với lạm phát ở mức cao kỷ lục, một số chuyên gian nhận định, nền kinh tế Đức vẫn chìm trong tình trạng u ám.
Chuyên gia kinh tế Michael Groemling cảnh báo các công ty sử dụng nhiều năng lượng có nguy cơ rơi vào tình trạng bấp bênh, đồng thời nhấn mạnh giá năng lượng phải chăng giờ đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất.
Lạm phát tại Đức giảm nhẹ từ 11,6% trong tháng 10, xuống 11,3% trong tháng 11 do giá năng lượng giảm. Chính phủ Đức ước đoán nền kinh tế tăng trưởng 1,4% trong năm 2022 và giảm 0,4% trong năm 2023.