📞

Kinh tế Mỹ đã thoát khỏi ‘hố sâu và tối’ nhưng vẫn cần 'phao cứu sinh' từ Nhà Trắng

Linh Chi 14:56 | 04/05/2021
Nền kinh tế Mỹ đã thoát khỏi “hố sâu và tối” - Covid-19 kéo dài hơn một năm qua và đang hồi sinh trở lại.
Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng ngoạn mục trong quý I/2021, đạt 6,4%. (Nguồn: Pinterest)

Nền kinh tế đang bùng nổ

GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý I/2021 đạt 6,4%. Ngoài mức tăng 33,1% ghi nhận trong quý III/2020, khi nền kinh tế vừa mở cửa trở lại, đây là quý tăng mạnh nhất của kinh tế Mỹ kể từ quý III/2003.

Người Mỹ đang chi tiêu mạnh tay. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng đang gia tăng khi thành phố New York, tâm điểm của đại dịch chuẩn bị nối lại gần như hoàn toàn các hoạt động kinh doanh. Thị trường chứng khoán cũng bắt đầu khởi đầu “nóng” với 100 ngày đầu tiên giữ cương vị Tổng thống của ông Joe Biden.

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics khẳng định: “Nền kinh tế đang bùng nổ”.

David Kelly, chiến lược gia toàn cầu tại JPMorgan Funds thậm chí phải thốt lên rằng: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy sự phục hồi nhanh như hiện tại”.

Oxford Economics dự đoán, GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 7,5% vào năm 2021, tốc độ tăng trưởng chóng mặt và chưa từng thấy kể từ năm 1951.

Sự phục hồi mạnh mẽ đang được thúc đẩy bởi những “cú đấm” mạnh mẽ của các gói kích thích kinh tế chưa từng có tiền lệ từ chính quyền Tổng thống Biden và việc nhanh chóng triển khai chích ngừa vaccine ngừa Covid-19.

“Chữ K biến thành chữ V”

Tuy nhiên, sự phục hồi không đầy đủ và không đồng đều, khiến hàng triệu người Mỹ chỉ “đứng ngoài nhìn vào”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã mất gần 8 triệu việc làm so với trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hơn 2,5 triệu phụ nữ mất việc. Người lao động có thu nhập thấp và những người làm việc trong ngành du lịch, giải trí và nhà hàng đang gặp khó khăn.

Tất cả những điều này đã tạo nên khái niệm về sự phục hồi hình kinh tế chữ K. Nét sổ thẳng của chữ K được dùng để chỉ tình hình kinh tế suy thoái đột ngột. Hai nét xiên ngắn của chữ K cho thấy tình trạng phục hồi trái ngược nhau, tùy từng lĩnh vực và doanh nghiệp liên quan.

Song, kinh tế Mỹ vẫn đón nhận tin tốt. Đó là sự phục hồi bao trùm hơn có thể được giữ vững khi đại dịch sắp kết thúc.

Nhà kinh tế Zandi nhấn mạnh: “Phục hồi kinh tế hình chữ K đang chuyển thành chữ V, rất nhanh chóng. Một năm trước, kinh tế Mỹ đã ở trong hố sâu và tối nhưng bây giờ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nhanh chóng thoát ra và đi đúng hướng”.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine nhanh chóng đang cho phép các tiểu bang và thành phố dỡ bỏ các lệnh hạn chế di chuyển, giúp người Mỹ tự tin quay trở lại nhà hàng, sân chơi bóng và đi máy bay.

Doanh nghiệp lo... không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng khổng lồ

Một phần của sự lạc quan đang được thúc đẩy bởi các dấu hiệu của nhu cầu tiêu dùng khổng lồ bị dồn nén khi phải đối mặt với các biện pháp hạn chế trong hơn một năm qua.

David Gitlin, Giám đốc điều hành của hãng sản xuất điều hòa không khí Carrier cho hay, doanh nghiệp của ông đang chuẩn bị cho một sự phục hồi mạnh mẽ. Đồng thời, bày tỏ rằng, ông phải sửng sốt trước quy mô của sự phục hồi.

Giám đốc Gitlin cho hay: "Chúng tôi bước vào năm nay với tâm thế vô cùng lạc quan về nền kinh tế Mỹ”.

Ba tháng đầu năm 2021, tại Bắc Mỹ, doanh số bán các sản phẩm trong hệ thống HVAC (sưởi, thông gió và điều hòa không khí) của hãng Carrier đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán các sản phẩm hữu cơ hiện cao hơn 6% so với cùng kỳ năm 2019.

Giám đốc các doanh nghiệp cũng đang lo lắng rằng, họ sẽ không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu của người tiêu dùng. Chỉ cần nhìn vào sự thiếu hụt chip máy tính đang làm trật bánh ngành công nghiệp sản xuất ô tô, điện thoại thông minh, máy kéo và thiết bị gia dụng cũng đủ đánh giá điều đó.

Apple cho biết, doanh thu của hãng sẽ thấp hơn tới 4 tỷ USD trong quý I/2021 vì những hạn chế về nguồn.

Song song với đó, giá gỗ xẻ và các nguyên liệu thô khác cũng tăng mạnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc tìm kiếm những công nhân lành nghề.

Giám đốc Gitlin tiết lộ, Carrier đang thuê hàng trăm công nhân chỉ riêng ở bang Tennessee. Ông Gitlin nói: “Có rất nhiều sự cạnh tranh để tìm kiếm nhân tài. Chúng tôi phải cố gắng rất nhiều”.

Cần sự hỗ trợ từ Nhà Trắng

Ở thời điểm hiện tại, câu hỏi đặt ra rằng: Liệu nền kinh tế Mỹ có thực sự cần thêm sự trợ giúp của Nhà Trắng?

Tổng thống Joe Biden đang kêu gọi Quốc hội ban hành gói cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD nhằm xây dựng lại đường, cầu cống, sân bay và tạo ra một nền kinh tế năng lượng sạch. Ông Biden cũng cho rằng, Mỹ cần mạnh tay chi thêm một gói chi tiêu trị giá 1.800 nghìn tỷ USD mang tên “Kế hoạch gia đình Mỹ”, bao gồm 1 nghìn tỷ USD đầu tư cho giáo dục và chăm sóc trẻ em trong 10 năm, cùng 800 tỷ USD tín dụng thuế hỗ trợ các gia đình thu nhập trung bình và thấp.

Mặc dù cực kỳ lạc quan về triển vọng ngắn hạn của kinh tế Mỹ nhưng nhà kinh tế Zandi cho rằng, những gói kích thích quy mô khủng này là “trợ thủ đắc lực” góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Gói cơ sở hạ tầng 2.000 tỷ USD sẽ thúc đẩy tăng trưởng năng suất còn mờ nhạt của quốc gia này bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng năng lực cạnh tranh của các công ty Mỹ. “Kế hoạch gia đình Mỹ” sẽ cho phép nhiều người Mỹ tham gia lực lượng lao động hơn, đồng thời hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp.

Nhà kinh tế Zandi nhận định: "Các gói kích thích sẽ đưa nền kinh tế phát triển nhanh hơn về lâu dài".

Cả hai kế hoạch trên sẽ được dùng một phần nguồn tiền từ việc tăng thuế đối với những người giàu có và các doanh nghiệp lớn.

Chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Biden đang nhắm thẳng vào vấn đề bất bình đẳng của Mỹ.

Chiến lược gia Kelly cho biết: “Giảm bớt sự bất bình đẳng có thể giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh đối mặt với những rủi ro bất ngờ như đại dịch Covid-19 – đang tác động nặng nề đến những người nghèo của quốc gia này”.

Rủi ro lạm phát

Những sự lạc quan kể trên không có nghĩa là nền kinh tế Mỹ không phải đối mặt với rủi ro.

Đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Số ca mắc Covid-19 đang bùng nổ ở Ấn Độ là một lời nhắc nhở về những nguy cơ sức khỏe kéo dài, đặc biệt là từ các biến thể mới chưa tìm ra vaccine.

Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng phải đối mặt với lo ngại chính đáng rằng, tất cả các biện pháp kích thích từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) như việc giữ lãi suất gần bằng 0 có thể thúc đẩy lạm phát tăng cao. Sự tăng trưởng quá nóng sẽ buộc Fed phải “dập lửa” bằng cách tăng lãi suất quá nhanh, dẫn đến sự phục hồi bị đe dọa.

Nếu Fed “giữ chân trên bàn đạp quá lâu” cũng có thể làm phồng bong bóng tài sản và làm trật bánh đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

(theo CNN)