Người tiêu dùng Mỹ mua sắm tại một siêu thị Walmart ở New Jersey. (Nguồn: Reuters) |
Mặc dù không đồng tình là nước Mỹ đang suy thoái, nhiều chuyên gia phân tích cũng không cho rằng nền kinh tế số một thế giới đang bùng nổ. Các số liệu phản ánh niềm tin tiêu dùng đang ở mức thấp kỷ lục và rất nhiều người Mỹ nói rằng, họ không hài lòng với nền kinh tế. Nhận thức đó là có cơ sở. Lạm phát cao đang làm xói mòn những lợi ích mà một thị trường việc làm “khỏe mạnh” đang tạo ra cho người lao động. Thu nhập mỗi giờ, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ.
Tăng trưởng hình chữ K
Thực tế là, khi lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng, khả năng tài chính của mỗi người Mỹ đang đi theo một trong hai hướng. Những người có thu nhập thấp, một phần đang cố gắng cắt giảm nhu cầu, co kéo trong khả năng chi trả của túi tiền, một số người khác chọn giải pháp vay nợ. Trong khi ở phía “bên kia”, những người giàu có hơn vẫn đang vung tiền vào các kỳ nghỉ và các mặt hàng xa xỉ.
Simon Property, chủ sở hữu của nhiều trung tâm mua sắm tại Mỹ cho biết, họ đang chứng kiến nhiều người đã phải kiềm chế chi tiêu, trong khi vẫn có những người khác mạnh tay cho các mặt hàng cao cấp tại Trung tâm mua sắm Brooks Brothers.
Tại Tập đoàn Molson Coors chuyên về đồ uống, ngày càng nhiều người đổ xô đến các thương hiệu rẻ hơn như Keystone Light và Miller High Life, nhưng nhu cầu cũng vẫn mạnh mẽ từ những người khác, sẵn sàng mở hầu bao cho đồ uống đắt tiền như Blue Moon và Peroni.
Hay tại chuỗi nhà hàng thực phẩm Chipotle, người tiêu dùng có thu nhập thấp điển hình đang góp phần kéo tần suất mua hàng tăng trở lại, CEO Brian Niccol tiết lộ. Nhưng ông cũng cho biết, những người có thu nhập cao mới là các khách hàng đặt hàng thường xuyên.
Giám đốc tài chính của McDonald's cho biết, ông nhận thấy, ngày càng nhiều người nợ thẻ tín dụng, tìm kiếm các thương hiệu rẻ hơn và kiếm thêm công việc, chẳng hạn như lái xe cho Uber. Trong khi, đại diện Delta Air Lines cho biết, nhu cầu mua vé cao cấp có xu hướng nhiều hơn, có lẽ là từ những khách hàng giàu có hơn.
Tất cả hiện tượng đó đang diễn ra tại nước Mỹ, CEO của Kohl - Michelle Gass nhận định rằng, người tiêu dùng đang phân nhánh rõ rệt. Người Mỹ dường như đang sống ở hai nền kinh tế song song. Theo báo cáo của LendingClub, vào tháng Sáu, 61% người Mỹ khá vất vả để sống qua ngày - con số đang tăng lên trong những tháng gần đây khi mức tiết kiệm trung bình đã giảm.
Theo dữ liệu từ Fed (New York), mặc dù hầu hết những người đi vay vẫn đủ khả năng trả nợ, nhưng điều này đang trở nên khó khăn hơn đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn 50.000 USD/năm.
Trong khi đó, những người Mỹ giàu có hơn vẫn đang sống rất tốt, dù lạm phát có gây chút phiền toái, nhưng nhiều người đã có đủ tích trữ để tiếp tục chi tiêu và do tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp, hầu hết họ có thể dựa vào nguồn thu nhập ổn định.
Tất cả chỉ ra kiểu tăng trưởng hình chữ K, trong đó hai câu chuyện riêng biệt đang diễn ra giữa những người chi tiêu giàu có và nhóm có thu nhập thấp. Khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng chậm lại, chất lượng cuộc sống của người Mỹ sẽ phụ thuộc vào phần họ đang thuộc về - có lẽ nhiều hơn bình thường.
Chữ K là mô hình phục hồi kinh tế thể hiện sự phân hóa trong nền kinh tế với những nhóm ngành, tương ứng với các nhóm người được hưởng lợi sẽ tiếp tục tăng trưởng, trong khi phần còn lại giảm mạnh. Đây là một trong những mô hình được dự báo sẽ phổ biến sau khi đại dịch đi qua, khiến phân hóa giàu – nghèo ngày càng rộng.
Tác động kinh tế không đồng đều đối với các ngành nghề và người lao động thể hiện ngày càng rõ ràng. Những người ở nhánh trên của chữ K sẽ thấy mọi thứ đi lên, còn những người ở giữa hoặc bên dưới đang chứng kiến mọi thứ đi xuống và trở nên tồi tệ hơn. Hay nói cách khác, mô hình này cho phép những người tầng lớp cao hơn tiếp tục thịnh vượng, trong khi tầng lớp lao động dễ dàng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Suy thoái kỹ thuật trở thành suy thoái toàn diện?
Những xôn xao về viễn cảnh nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái ngày càng gia tăng, khi GDP quý II giảm 0,9%, quý trước đó cũng đã giảm 1,6%. Theo lý thuyết, một nền kinh tế được cho là suy thoái nếu tăng trưởng âm hai quý liên tiếp. Kinh tế Mỹ có đang suy thoái?
Manu Bhaskaran, CEO của Trung tâm Nghiên cứu Centennial Asia Advisors (Singapore), lưu ý suy thoái kinh tế không chỉ đơn thuần là sự sụt giảm của GDP, mà còn phải phản ánh thực trạng sâu xa hơn. Đó là sự suy giảm về thu nhập, việc làm, sản xuất công nghiệp và dịch vụ kéo dài và lan rộng trên phần lớn nền kinh tế. Ông cho rằng, sự suy thoái với tính chất như vậy không phải là kịch bản đối với Mỹ.
Đúng là có “những làn gió ngược” tác động làm chậm tăng trưởng kinh tế Mỹ, nhưng hiện chưa có bằng chứng thuyết phục cho thấy sự suy thoái kỹ thuật sẽ biến thành một cuộc suy thoái toàn diện.
Bởi song hành cùng với những lo ngại là không ít tín hiệu lạc quan. Điểm thực sự quan trọng cần lưu ý là chi tiêu thực tế không phù hợp với sự sụt giảm niềm tin. Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ vẫn tăng đều đặn, ngay cả khi niềm tin giảm sút nghiêm trọng. Điều này có ý nghĩa, thị trường lao động đang phát triển và việc làm dồi dào, phản ánh thực tế các hộ gia đình đang tận hưởng mức tăng thu nhập giúp duy trì chi tiêu.
Hơn nữa, việc chi tiêu ít hơn trong đại dịch Covid-19 đã mang lại khoản tiền tích lũy trị giá khoảng 2.000 tỷ USD trong các hộ gia đình. Khoản ngân sách này đang hỗ trợ người tiêu dùng, ngay cả khi họ đối mặt với chi phí sinh hoạt cao hơn.
Đáng lưu ý, đầu tư thực tế của các doanh nghiệp đang được duy trì khá tốt. Đơn đặt hàng hàng hóa lâu dài được duy trì đều đặn. Tỷ lệ thuê nhân công của các doanh nghiệp cũng đang ở mức ấn tượng. Theo số liệu mới nhất, 528.000 việc làm đã được tạo ra trong tháng Bảy, vượt xa con số kỳ vọng 250.000.
Một số tín hiệu lạc quan còn cho thấy, rất có khả năng người lao động sẽ đàm phán thành công các mức lương tốt hơn trong những tháng tới, góp phần nâng mức lương thực tế cao hơn, tạo ra thị trường lao động mạnh mẽ với tỷ lệ thất nghiệp thấp. Đây giống như cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với nền kinh tế.
Vấn đề đặt ra hiện nay là giới chủ doanh nghiệp có dám đặt cược lớn vào tương lai?
Thế giới từng hy vọng, hậu đại dịch, nhu cầu vốn bị dồn nén có thể sẽ được giải phóng. Tuy nhiên, thực tế là sự gián đoạn chuỗi cung ứng dai dẳng, tình trạng thiếu chắc chắn của nền kinh tế hậu Covid-19 và lo ngại suy thoái đã khiến các doanh nghiệp lưỡng lự về các quyết định đầu tư cho tương lai. Đầu tư của doanh nghiệp Mỹ đã giảm trong quý II/2022. Nhà kinh tế học Tara Sinclair tại Đại học George Washington nhận định, “đây là giai đoạn mà mọi người đang chờ xem khi nào khó khăn sẽ kết thúc”.
| Điều bất thường gì đang xảy ra với kinh tế Mỹ? Với những yếu tố tích cực như việc làm dồi dào đi kèm với nhu cầu tiêu dùng cao, nhiều nhà phân tích đã phủ ... |
| Kinh tế Mỹ: Suy thoái là không thể tránh khỏi? “Một cuộc suy thoái là không thể tránh khỏi trong 12-18 tháng tới” cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) New York ... |